Bất ngờ bị áp mã HS mới, doanh nghiêp gỗ ghép thanh xuất khẩu điêu đứng vì hàng “đắp chiếu” ngoài cảng

(PLVN) -Cùng là là sản phẩm gỗ ghép thanh nhưng với mã HS 4418 thuế xuất là 0% nhưng với mã HS 4407 thì mức thuế là 25%. Sự thay đổi bất ngờ này khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã khó lại càng khó thêm, nhiều contenre bị ách tắc tại cảng, nhiều doanh nghiệp bị đối tác thương mại phạt chậm giao hàng…
Sản xuất gỗ ghép thanh tại Công ty Hoàng Thông.
Sản xuất gỗ ghép thanh tại Công ty Hoàng Thông.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng về việc áp mã HS đối với mặt hàng gỗ ghép thanh xuất khẩu (XK) .

Theo văn bản số 59 -2020/DC-VIFOREST do ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST ký, VIFOREST nêu rõ, việc Tổng cục Hải quan (TCHQ) ban hành văn bản số 4250/TB-TCHQ ngày 24/6/2020 (do ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng, ký, đang gây khó khăn cho các DN. 

Theo ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trước thời điểm ngày 24/6/2020, ván ghép thanh XK được áp mã 4418 (thuế suất bằng 0%), với quy định mới của TCHQ, các DN không thể điều chỉnh ngay được giá XK vì các hợp đồng đã ký từ trước. Đây chính là nguyên nhân xảy ra tình trạng tồn đọng ván và các sản phẩm sử dụng ván ghép thanh ở các bến cảng biển. Nếu tình trạng kéo dài sẽ gây thiệt hại cho DN.

Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho rằng quá trình sản xuất ván ghép thanh đã làm thay đổi hoàn toàn kết cấu của thanh gỗ xẻ cơ sở ban đầu (mã HS 4407) thông qua các công đoạn chế biến sâu tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy, việc áp dụng mã hàng hóa của ván ghép thanh theo mã HS 4407 là không phù hợp với Thông tư 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về ban hành danh mục hàng hóa XK, nhập khẩu Việt Nam, cũng như ý kiến của Bộ Tài chính tại Văn bản số 9365/BTC và sẽ không khuyến khích được DN trong nước sản xuất chế biến sâu để hạn chế nhập khẩu đối với loại ván này.

Cụ thể, với văn bản này, ván ghép thanh, chủ yếu sử dụng nguyên liệu gỗ keo rừng trồng và gỗ cao su, bị áp mã  HS 4407 “Gỗ đã cưa và xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc ghép nối đầu, có độ dày trên 6 mm” thuộc phân nhóm HS 440729.97.90 và bị coi là sản phẩm sơ chế, như gỗ xẻ thanh, bị áp thuế XK 25% để hạn chế, thậm chí ngăn chặn XK vì không tạo nhiều giá trị gia tăng và vì phải dành nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước.     

Theo VIFOREST, văn bản này của TCHQ đã khiến cho nhiều DN lao đao vì nhiều ngày qua, sản phẩm ván ghép thanh bị ùn tắc tại nhiều cảng và nhiều DN bị đối tác thương mại phạt chậm giao hàng.

Điều đáng nói, cũng với mặt hàng đó, theo kết quả kiểm tra của Hải Quan (số 377/TB-KĐ 4 ngày 13/3/2019) thì lại được ghép mã khai báo khi làm thủ tục XK ở mã HS 4418. Hiện mức thuế XK áp với mã HS 4418 là 0% .

 “Từ trước cho tới nay mặt hàng gỗ ghép thanh thường được áp mã HS 4418, tuy nhiên với thông báo mới nhất của TCHQ, mặt hàng này bị áp mã HS 4407 với mức thuế xuất áp là 25%...” - ông Lập cho biết,

Cũng theo Chủ tịch VIFOREST, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và thực hiện chủ trương của Chính phủ thúc đẩy nông dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, hạn chế XK dăm gỗ, nhiều DN ngành gỗ đã đầu tư nhà máy chế biến gỗ ván ghép thanh để XK. Với quyết định áp mã HS 4407 và áp thuế 25%, công nghiệp gỗ ván ghép thanh, có thể mang lại hàng trăm triệu USD kim ngạch XK, các DN kinh doanh mặt hàng này đối diện nguy cơ vỡ nợ, phá sản.    

Trước những khó khăn của DN sản xuất, kinh doanh gỗ ván thanh, VIFOREST đề nghị Bộ Tài chính xem xét thông báo ngay để hải quan ở các địa phương cho DN XK gỗ ván ghép thanh với thuế suất bằng 0%; xem xét và hủy bỏ ngay Thông báo số 4250/TB-TCHQ, ngày 24/6/2020.

Được biết, trong văn bản mới nhất gửi Bộ NN&PTNT (số 67/2020/CV-VIFOREST ngày 29/7/2020), VIFOREST cho biết, sau 2 tuần gửi văn bản khẩn cấp kêu cứu (văn bản 59 -2020/DC-VIFOREST) ngày 29/7/2020, VIFOREST mới nhận được công văn của TCHQ (số 4896/TCHQ-TXNK ngày 23/7/2020), trong đó TCHQ hồi âm rằng “Tổng cục đang xin ý kiến của các cơ quan có liên quan”.

“Hiệp hội khẩn thiết đề nghị Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Tài chính để tháo gỡ ngay khó khăn cho DN gỗ ghép thanh, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, XK các sản phẩm gỗ khác như dăm gỗ, gỗ dán… đang đặc biệt khó khăn” - Văn bản của VIFOREST khẩn thiết..

Để sản xuất được một tấm gỗ ván ghép, các DN phải trải qua rất nhiều công đoạn và chi phí nhân công cao.
 Để sản xuất được một tấm gỗ ván ghép, các DN phải trải qua rất nhiều công đoạn và chi phí nhân công cao.

Được biết, trong văn bản gửi TCHQ, Cục Hải quan Đồng Nai và Chi cục Hải quan Biên Hòa, bà Đào Thị Hương – Giám đốc Công ty CP chế biến gỗ Mộc Cát Tường (Đồng Nai) - cho biết, để sản xuất được một tấm gỗ ván cao su ghép, các DN phải trải qua rất nhiều công đoạn và chi phí nhân công cao. DN đề nghị cơ quan Hải quan áp dụng lại mã HS cho sản phẩm ván ghép thanh và được hưởng thuế suất 0% để các DN duy trì hoạt động và có cơ hội cạnh tranh với các nước có lợi thế mạnh như Malaysia, Thái Lan, Indonesia…

Gần 150 doanh nghiệp và trên 200 hộ trồng rừng bị ảnh hưởng

Theo VIFOREST, hàng năm giá trị XK sản phẩm gỗ ghép thanh đã đóng góp trên 200 triệu USD/năm vào giá trị XK của ngành gỗ, chiếm 3% tổng giá trị XK. Sản xuất gỗ ghép thanh với nguyên liệu đầu vào là gỗ xẻ, sản phẩm này  góp phần giải bài toán đầu ra cho người trồng rừng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa nơi tập trung trên 1,1 triệu dân trồng rừng.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT cả nước có trên 2000 hộ gia đình đang tham gia vào khâu xẻ gỗ, tập trung ở các vùng như Đông Bắc (1071 hộ); Bắc Trung Bộ (279 hộ); Đồng Bằng Sông Hồng (460). Phát triển sản xuất gỗ ghép, góp phầm giảm chi phí vận chuyển gỗ tròn về vùng có các nhà máy chế biến gỗ và mang lại giá trị gia tăng cho ngành chế biến gỗ.   Đồng thời sản xuất mặt hàng này giúp giải quyết vấn đề nguyên liệu lãng phía trong ngành gỗ, tận dung được tối đa nguyên liệu và giải bài toán cây gỗ lớn đối với ngành lâm nghiệp. 

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện cả nước có 146 DN sản xuất ván ghép thanh, với công suất khoảng 570.000 m3 phẩm/năm; nguyên liệu sản xuất ván ghép thanh là các loại gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là gỗ keo, cao su, bạch đàn.

Trên thị trường, ván ghép thanh có giá XK cao gấp 3-4 lần giá gỗ xẻ (gỗ xẻ giá từ 3,4-3,6 triệu đồng/m3; ván ghép thanh giá từ 10-14 triệu đồng/m3). Trong khi đó, để làm ra 1m3 ván ghép thanh cần sử dụng 1,7-1,8 m3 gỗ xẻ.

Theo thống kê của TCHQ, giá trị XK ván ghép thanh năm 2019 đạt 332,7 triệu USD, chiếm 2,9 % tổng giá trị XK lâm sản, tăng 16,7 % so với năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặt hàng này XK đạt 181,5 triệu USD, chiếm 3,4% giá trị XK, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Đọc thêm