Máy nông nghiệp hàng Trung Quốc vẫn lấn át thị trường

(PLO) - Theo Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), các loại máy nông nghiệp được sản xuất tại Việt Nam (gồm cả chế tạo, lắp ráp) hiện chiếm khoảng 15 – 20% thị phần, còn phần lớn vẫn nhập từ Trung Quốc.
Máy nông nghiệp hàng Trung Quốc vẫn lấn át thị trường
“Miếng bánh” ngon cho hàng Trung Quốc 
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2013 Việt Nam phải chi tới 12,4 tỷ USD (chiếm trên 40% kim ngạch xuất khẩu nông sản toàn ngành) để nhập khẩu các loại vật tư nông nghiệp, trong đó chủ yếu là máy móc nông nghiệp để phục vụ sản xuất (SX). 
Thế nhưng, căn cứ vào số liệu bán hàng của các DN kinh doanh máy nông nghiệp, các loại máy nông nghiệp được SX tại Việt Nam (gồm cả chế tạo, lắp ráp) hiện chỉ chiếm khoảng 15 – 20% thị phần, còn phần lớn là máy nhập từ Trung Quốc (60%). Nếu tái cơ cấu nông nghiệp, khoa học- công nghệ được xác định là chìa khóa then chốt thì con số trên quả thật “đắng lòng”.   
Vì phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nên máy tới tay người nông dân giá rất đắt đỏ, nhưng vẫn là thị trường béo bở cho nhiều DN phân phối. Ở Hà Nội hiện nay chỉ có một số công ty chuyên phân phối máy nông nghiệp lớn, như: Cty TNHH TM-DV Thiên Nông, Cty CP XNK VTC, Cty Vinastar… 
Một nhân viên kinh doanh phân phối sản phẩm máy nông nghiệp cho phóng viên biết, một số công ty trước kia chủ yếu làm về máy văn phòng, song vài năm lại đây hầu như đều tự chuyển hướng sang máy nông nghiệp. Doanh thu từ máy nông nghiệp hiện chiếm khoảng 40% doanh thu cả công ty của nhân viên này. Các loại máy được tiêu thụ nhiều nhất hiện nay là máy cắt cỏ, máy cày, máy xới đất, máy làm đất đa năng… 
Tất cả các mặt hàng trên, 90% có xuất xứ Trung Quốc, nhập trực tiếp từ Trung Quốc, qua công ty có chức năng xuất nhập khẩu về Việt Nam. Còn  mặt hàng SX trong nước chiếm tỷ trọng rất ít và khó cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. 
“Công ty em thường nhập hàng từ dưới Hải Dương. Hầu hết các mặt hàng theo em được biết đều không có thuế GTGT.  Ngoài hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái cũng là vấn đề. Mặt hàng bị nhái nhiều nhất hiện nay là động cơ máy của Honda, trong đó có động cơ GX35 (như máy cắt cỏ, máy phun thuốc trừ sâu chạy xăng), động cơ GX 160, GX 200 (máy bơm nước công nghiệp). Giá của các sản phẩm này chỉ bằng 1/2 so với giá hàng chính hãng hoặc thấp hơn. Người tiêu dùng là nông dân hầu như không biết đó là nhái” - nhân viên đề nghị giấu tên này tiết lộ. 
Giành lại thị trường: Huyễn hoặc?  
Cty TNHH Máy nông nghiệp Việt Trung – một trong những DN kinh doanh máy nông nghiệp lớn nhất miền Bắc (trụ sở tại Hải Dương) cho biết: Năm 2013 công ty tiêu thụ trên 30.000 máy cày, máy xới; từ đầu năm 2014 đến nay cũng bán được khoảng 20.000 chiếc cho nông dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. 
Mặc dù công ty có chức năng SX và lắp ráp, song SX tại chỗ rất ít mà gần như 100% phụ tùng chi tiết đều phải nhập từ Trung Quốc, sau đó đưa về nước lắp ráp hoàn chỉnh. Sở dĩ phải nhập khẩu vì ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta quá yếu, ngay cả lốp máy cày cũng chưa làm được, trong khi để lắp ráp được một máy nông nghiệp hoàn chỉnh phải cần tới 300 chi tiết.
Duy trì và đẩy mạnh SX, kinh doanh và đầu tư là nỗ lực không ngừng của các DN SX máy nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, các DN đã vấp phải không ít khó khăn, thách thức, trong đó có liên quan tới chính sách hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp trong nước SX chưa phát huy được như mong muốn. Những năm gần đây, nhiều loại máy nông nghiệp cũng được các DN trong nước chú tâm SX. Nhưng việc SX chủ yếu dựa theo đơn đặt hàng hoặc làm theo thời vụ. 
Xét về vị trí cạnh tranh giữa các đơn vị SX máy động lực và máy nông nghiệp trong nước có chi tiết nội địa hoá trên 60%, thì TCty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) được cho là đơn vị hàng đầu. Dù thời gian vừa qua, VEAM cố gắng thực hiện hàng loạt dự án từ nâng cao khả năng chế tạo phôi liệu đúc, rèn, gia công cơ khí đến lắp ráp nhưng liệu các sản phẩm động cơ và máy nông nghiệp của VEAM có thể chiếm 50 - 60% thị phần nội địa trong vòng 3-5 năm tới như mong muốn của công ty này? Mong muốn đó có phải là điều huyễn hoặc trong bối cảnh như hiện nay?

Đọc thêm