“Méo mặt” vì thương mại tiểu ngạch

(PLO) - Phần lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay được xuất sang Trung Quốc đều thông qua đường tiểu ngạch, dù biết điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro. 
Cửa khẩu đường bộ II Kim Thành (Lào Cai) – đường xuất khẩu chính ngạch đang rất thưa vắng
Cửa khẩu đường bộ II Kim Thành (Lào Cai) – đường xuất khẩu
chính ngạch đang rất thưa vắng 
“Lối nhỏ” không an toàn
Những ngày cuối tháng 4, hàng trăm nghìn tấn gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp tiếp tục bị ùn ứ, ách tắc tại Lào Cai. Nguyên nhân được chỉ ra là mặt hàng xuất khẩu này qua đường tiểu ngạch chỉ có duy nhất một điểm thông quan đó là Cửa khẩu Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai). 
Một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc ngán ngẩm cho biết, mỗi đơn vị chỉ có 20-30 cái thuyền, tất cả các doanh nghiệp dồn hết hàng vào cửa khẩu này, từ gạo, cao su, đường… cộng thêm mùa nước cạn do sản xuất thuỷ điện chặn hết nguồn nước nên hàng nông sản xuất khẩu thường xuyên bị ách tắc. 
Trong khi đường xuất khẩu tiểu ngạch bị ùn ứ thì ở Cửa khẩu quốc tế đường bộ II Kim Thành - nơi được UBND tỉnh Lào Cai đầu tư bài bản, quy mô nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá chính ngạch thì lại yên ắng, thưa thớt đến lạ thường. 
Nhiều doanh nghiệp lý giải sở dĩ họ không chọn con đường chính ngạch là vì vấn đề lợi nhuận, bởi hàng nông sản của Trung Quốc xuất sang Việt Nam thì thuế suất bằng 0%, trong khi hàng Việt Nam xuất sang bên kia biên giới lại bị đánh thuế quá cao như gạo là 17%, đường 60%, ngô  80%. 
Ngoài ra, xuất khẩu qua cửa khẩu chính lại bị cơ quan quản lý nước bạn kiểm tra ngặt nghèo về chất lượng. 
Tuy không có con số thống kê chính thức nhưng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, dù thị trường Trung Quốc chiếm tới 30% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam nhưng có tới 64% số hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đã bị huỷ. 
Theo ông Nguyễn Văn Tuân - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII, có doanh nghiệp phản ánh, hàng đã được đối tác nhận nhưng họ thông báo bị hư hỏng do vận chuyển, hoặc bị cơ quan chức năng của họ thu giữ… rồi tìm cách “quỵt tiền”. 
Nhiều doanh nghiệp mất hàng chục tỷ đồng tiền hàng, tức là toàn bộ vốn liếng tích góp được trong nhiều năm, dẫn tới trắng tay, phá sản.
Đường rộng... khó đi?
Theo nhiều chuyên gia am tường về thương mại vùng biên, lâu nay các công ty kinh doanh nông sản bán hàng theo dạng tiểu ngạch đều tiềm ẩn những rủi ro vì phải mang hàng đến cửa khẩu thì bên mua mới xem hàng rồi sau đó thống nhất giá mua. Điều này khác với việc buôn bán chính ngạch là bên bán đã biết giá trước. 
Nếu có số lượng lớn hàng của các công ty Việt Nam cùng chở ra biên giới, phía Trung Quốc sẽ ép giá, điều này gây ra những rủi ro lớn cho doanh nghiệp phía Việt Nam.
Liên quan vấn đề này, mới đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đề xuất xem xét lại chính sách xuất nhập khẩu tiểu ngạch, với việc điều chỉnh cơ chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch theo hướng hạn chế dần (thắt chặt các điều kiện được phép sử dụng cơ chế tiểu ngạch); tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế tiểu ngạch, chỉ còn duy nhất và thống nhất cơ chế xuất nhập khẩu thông thường. 
Tán đồng đề xuất này, Bộ Tài chính cũng vừa tiến hành lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 5 Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung đường biên. 
Tuy nhiên, Dự thảo vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt và hiện cũng đang có một số ý kiến không đồng tình. Theo luồng ý kiến này thì việc siết chặt thương mại tiểu ngạch sẽ gây khó khăn cho cư dân tại vùng biên giới bởi chính sách miễn thuế cho hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới nhằm tạo điều kiện để cư dân biên giới tiêu thụ sản phẩm do mình sản xuất ra, cũng như mua được vật tư cần thiết phục vụ sản xuất và tiêu dùng hàng ngày, thúc đẩy sản xuất. 
Hiện chưa có số liệu cụ thể được công bố rộng rãi về thương mại tiểu ngạch giữa Việt Nam và các nước giáp biên giới, nhưng theo số liệu của Hải quan Trung Quốc thì trong 11 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Việt Nam tới 56,2 tỉ đô la Mỹ, còn số liệu của Hải quan Việt Nam là 39,5 tỉ đô la Mỹ, tức thấp hơn số liệu của Trung Quốc 16,7 tỉ đô la Mỹ.
Đối mặt nguy cơ bị ép giá
“Một số chuyên gia am tường về thương mại vùng biên cho rằng, lâu nay các công ty kinh doanh nông sản bán hàng theo dạng tiểu ngạch đều tiềm ẩn những rủi ro vì phải mang hàng đến cửa khẩu thì bên mua mới xem hàng rồi sau đó thống nhất giá mua. Điều này khác với việc buôn bán chính ngạch là bên bán đã biết giá trước. Nếu có số lượng lớn hàng của các công ty Việt Nam cùng chở ra biên giới, phía Trung Quốc sẽ ép giá điều này gây ra những rủi ro lớn cho doanh nghiệp phía Việt Nam”.

Đọc thêm