Kịp thời ngăn chặn nhóm đối tượng tụ tập sinh hoạt “đạo lạ” trái phép tại Thừa Thiên Huế

(PLVN) - Cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế vừa phát hiện và kịp thời ngăn chặn nhóm đối tượng tụ tập sinh hoạt “Nhất quán đạo” xảy ra trên địa bàn xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang.
Cơ quan chức năng làm việc và lấy lời khai các đối tượng đến sinh hoạt “Nhất quán đạo” tại nhà bà Huê

Theo đó, lãnh đạo Công an xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang) cho biết, qua nắm tình hình địa bàn, vào ngày 23/5, Công an xã phát hiện tại nhà bà Nguyễn Thị Huê (SN 1964, trú tại thôn Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) có nhóm 8 người ngoài địa phương đang tụ tập sinh hoạt trái phép theo “Nhất quán đạo”. Sau đó, Ban Chỉ huy Công an huyện Phú Vang phối hợp với UBND xã Phú Mỹ và các đơn vị liên quan tiến hành làm việc với bà Huê và nhóm người trên.

Lực lượng chức năng đã lấy lời khai, làm rõ mục đích, nội dung, hình thức sinh hoạt của nhóm đối tượng; và lập biên bản thu giữ toàn bộ kinh sách, tài liệu, đèn dầu bằng kim loại trong đó có 1 cây có biểu tượng chữ “Phật” viết bằng chữ Hán…

Được biết, đây là nhóm đối tượng liên quan đến “Nhất quán đạo” đầu tiên được phát hiện tại Thừa Thiên Huế. Theo Đại úy Trần Duy Ngọc, Trưởng Công an xã Phú Mỹ, quá trình lấy lời khai, điều tra đã xác định được, bà Huê làm nghề bán vé số, có một thời gian dài sinh sống và làm ăn tại TP Đà Nẵng. Tại đây, bà bị lôi kéo sinh hoạt theo “Nhất quán đạo”. Sau đó, bà Huê trở về quê ở xã Phú Mỹ và tiếp tục sinh hoạt “Nhất quán đạo” từ năm 2019 đến nay. Hình thức sinh hoạt chủ yếu tu tại gia và nghiên cứu cách thức sinh hoạt trên mạng Internet.

Bà Huê thừa nhận, việc liên hệ, trao đổi thông tin giữa các thành viên “Nhất quán đạo” được bà thực hiện thông qua điện thoại và mạng xã hội. Cơ quan chức năng cũng đã xác định rõ danh tính của 8 người mà bà Huê mời từ các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang đến nhà bà để hướng dẫn việc trình bày bàn thờ, tượng Phật theo quy định của “Nhất quán đạo” và làm lễ “An vị tượng Phật Di Lạc”.

Cơ quan chức năng đã yêu cầu 8 đối tượng người ngoài địa phương cam đoan, ký cam kết không tái diễn hoạt động và yêu cầu rời khỏi địa phương. Đối với bà Huê, cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.

“Nhất quán đạo” có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng phát triển chủ yếu ở Đài Loan, là sự kết hợp của 5 tôn giáo: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Kito giáo và Hồi giáo. “Nhất quán đạo” du nhập vào Việt Nam thông qua nhiều hình thức, chủ yếu là từ người xuất khẩu lao động nước ngoài, khi trở về Việt Nam họ mang theo “đạo lạ” này rồi tiếp tục “độ” vào những người thân và bạn bè cùng cầu, cùng học, cùng tu “Nhất quán đạo”.

Tại Việt Nam “Nhất quán đạo” hoạt động tự phát, quy mô cá nhân nhỏ lẻ hoặc dưới danh nghĩa một số hội nhóm có hoạt động thiện nguyện hay phát triển qua quan hệ kinh tế. Đến nay, “Nhất quán đạo” chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận là một tổ chức hay một tôn giáo hoạt động hợp pháp. Do đó, mọi hoạt động liên quan đến “Nhất quán đạo” là trái quy định của pháp luật Việt Nam. Bất kì người nào có hành vi tổ chức tụ tập sinh hoạt, tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khác theo “Nhất quán đạo” sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lí nghiêm.

Đọc thêm