Truyền thuyết khu rừng lạ
Đối diện trụ sở UBND xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam có một khu rừng cây cối rậm rạp. Trong khi rừng ở các nơi, dù gần hay xa, không ngừng bị “chảy máu” thì khu rừng ấy bao đời nay vẫn được người dân bảo tồn rất cẩn thận.
Ông Nguyễn Văn Ánh (SN 1956), trưởng thôn Hà Nha cho biết người dân trong vùng thường gọi khu rừng muồng quý là “cấm Hà Nha”. “Tôi cũng không biết tên gọi khu rừng có từ khi nào, chỉ biết là từ rất lâu. Ngay tên gọi “cấm Hà Nha” cũng để nhắc nhớ bao thế hệ trong làng phải có ý thức gìn giữ và không ngừng chăm sóc khu rừng này”, ông Ánh chia sẻ.
Khu rừng muồng “cấm Hà Nha” có chiều dài khoảng 1,5km, chiều rộng 500m, kéo dài từ động Hà Sống đến chợ Hà Nha. Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng đến nay ông Ánh vẫn còn nhớ như in một câu chuyện mang màu sắc tâm linh về khu rừng này:
“Ngày trước ở chỗ đầu khu rừng muồng Hà Nha, đoạn gần động Hà Sống có một cây bàng to. Rễ của nó bao phủ 1 hòn đá rất lớn. Khi gia đình có người thân bị đau, họ thường đến chỗ cây bàng đó xin nước về uống. Sau khi uống nước thì người bệnh hết bệnh thật”.
Tuy nhiên, đến nay cây bàng và tảng đá đó không còn nữa do việc mở đường và chỉnh trang lại khu dân cư diễn ra trong thời gian gần đây.
|
Rừng muồng Hà Nha chạy dọc sông Vu Gia.
|
“Cấm Hà Nha” ở phía ngoài là dòng Vu Gia chảy qua thôn Hà Nha. Phía trong là một cái vũng nước. Điều đặc biệt là vũng nước này không bao giờ cạn nước. Ông Ánh nói: “Dù mùa mưa hay mùa khô thì chưa bao giờ tôi thấy vũng nước ấy khô nước cả. Trước đây tôi còn nghe nhiều người cao tuổi kể lại câu chuyện là nếu thả 1 quả bưởi ở trong vũng nước ấy thì quả bưởi sẽ nổi lên ở phía ngoài sông Vu Gia. Điều này khiến nhiều người tin rằng có một mạch nước ngầm rất lớn thông từ vũng nước và dòng sông. Tuy nhiên, đến nay thì chưa ai phát hiện ra được mạch nước đó cả. Có thể qua thời gian, mạch nước ngầm đó đã bị bồi lấp”.
“Bùa hộ mệnh” cho hàng trăm hộ dân
Những câu chuyện huyễn hoặc tại khu rừng muồng thôn Hà Nha thật khó kiểm chứng. Có điều này là dễ dàng thấy, đó là bao đời nay khu rừng muồng thôn Hà Nha được xem như “bùa hộ mệnh” cho hàng trăm hộ dân sống gần đó tránh được thiệt hại do bão, xói lở và cây rác từ thượng nguồn đổ về mỗi mùa mưa lũ.
“Nếu không có khu rừng muồng đó thì thôn Hà Nha với gần 700 hộ dân này đã bị xói lở và bão đánh tan tành lâu rồi. Mà không chỉ thôn Hà Nha, cả các thôn phía dưới như Lam Phụng, Bàn Tân và cả xã Đại Quang cũng sẽ bị “giải tán” hết mỗi khi bão lũ xảy ra”, ông Nguyễn Thanh Hữu, một người dân thôn Hà Nha, tâm sự.
Bà Bạch Thị Ty (SN 1919, trú thôn Hà Nha) cho biết từ lúc nhỏ bà đã biết về khu rừng này rồi và được giáo dục ý thức bảo vệ “cấm Hà Nha”. Dù năm nay đã 94 tuổi nhưng bà Ty vẫn còn minh mẫn: “Lúc tôi còn nhỏ thì thấy khu rừng muồng ấy đã có nhiều cây, cổ thụ mấy người ôm cũng có. Người dân Hà Nha bao đời nay luôn gìn giữ khu rừng muồng đó vì nó bảo vệ dân làng tránh được thiên tai, bão lũ”.
Theo quan sát của chúng tôi khi đi thực tế khu rừng muồng thì khu rừng có rất nhiều cây to. Có cây to phải 3-4 người ôm. Trong rừng, nhiều nhất là cây muồng, bên cạnh đó còn có cây dưới, cây bồng. Hệ thống thực vật của khu rừng cũng khá đa dạng khi ngoài các loài cây cổ thụ tán rộng, các cây ở tầng thấp và cây bụi cũng rất um tùm.
Tất cả tạo nên một khu rừng che chắn rất tốt bão lũ và xói lở đất. Trưởng thôn Hà Nha cho biết ngoài việc gìn giữ cây cổ thụ lâu niên, hàng năm các đoàn thể của thôn Hà Nha từ Đoàn Thanh niên đến Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... đều có kế hoạch trồng mới cây muồng trong khu rừng.
|
Bà lão 94 tuổi cho biết “cấm Hà Nha” hàng trăm năm tuổi |
“Gần đây nhất, thôn chúng tôi đã trồng được 500 cây muồng xen vào chỗ các cây già, bị ngã do bão vừa qua. Người dân thôn Hà Nha từ già đến trẻ, ai cũng ý thức được việc bảo vệ khu rừng muồng này chính là bảo vệ cuộc sống của chính mỗi người”, ông Ánh cho biết.
Muồng trong “cấm Hà Nha” là loài cây có giá trị cao nên không ít lần, các đối tượng từ nơi khác đến định khai thác đều bị người dân phát hiện và ngăn cản. Thậm chí ngay người dân trong làng Hà Nha vào khu rừng muồng lấy củi cũng bị xử phạt.
“Nếu phạm lần đầu thì bị cảnh cáo. Nếu tái phạm thì chúng tôi sẽ xử phạt hành chính và nêu sự việc ra toàn dân. Thậm chí có người đến xin mang cây lộc vừng ở chỗ vũng nước ngoài khu rừng về trồng thôi mà bà con cũng không đồng ý. Họ bảo rằng nếu cho được cây vừng thì ngày mai, ngày kia sẽ mất cả khu rừng. Chính vì khu rừng được toàn thể người dân gìn giữ và trông coi mà đến nay nó vẫn còn tồn tại”, ông Ánh nói.