(PLO) - Vào thời phong kiến, chế độ lang đạo là hình thức tổ chức xã hội của riêng dân tộc Mường, mang tính chất lãnh địa, cát cứ. Quyền uy của nhà lang trên vùng đất này cao tột bậc, đến nỗi có người ví von rằng “thượng ngọn cây, hạ ngọn cỏ, con cá bơi dưới nước tất cả đều là của nhà lang”.
Đến nay, trên đất Mường Kim Bôi (Hòa Bình), những “di sản” mà dòng quan lang Đinh Công để lại vẫn khiến dư luận không thôi tò mò và khu mộ đá Đống Thếch thuộc xã Vĩnh Đồng là một ví dụ tiêu biểu. Tại đây, ngoài những câu chuyện ít biết quanh nhà lang thì phong tục đón tết, chào xuân của người dân vùng sơn cước cũng mang một dư vị rất riêng, chẳng nơi đâu có.
Chuyện chưa kể sau khu mộ đá Đồng Thếch
Nghe danh từ lâu nên dù rất bận rộn nhưng tôi vẫn quyết ngược Hòa Bình một chuyến để tìm hiểu về thánh địa thiêng, bất khả xâm phạm của nhà lang ở Mường Động. Và thật may mắn, tôi được một cán bộ địa phương đưa tới nhà ông Đinh Công Dũng, trưởng tộc đời thứ 21, người nắm rõ nhất những lệ luật của nhà lang và bí ẩn quanh mộ đá Đống Thếch.
Theo ông Dũng, trước nay nhiều người vẫn nhìn khu mộ đá trong ánh mắt tò mò xen lẫn sự huyền bí là bởi địa điểm này chỉ dành để chôn cất những quan lang quyền lực của dòng họ Đinh Công. Ngoài ra, nếu cắt nghĩa cái tên Đống Thếch (tiếng Mường dịch ra là mồ chôn – PV) cũng phần nào gợi ra cảm giác rùng rợn, bí hiểm.
Thế nhưng, trước nay vẫn có một chuyện ít người biết, đó là dòng họ Đinh Công ở Vĩnh Đồng luôn mặc cảm vì những đồn thổi, thêu dệt xung quanh khu mộ này. Chẳng là, cách đây ít lâu có không ít đồn đoán nói về sự tàn bạo của người nhà lang mỗi khi họ về “cõi ma”.
Theo đó, mỗi vị quan lang sau khi chết, ngoài vô vàn đồ tùy táng quý báu thì đều chôn sống theo 50 người con gái và 50 người con trai đồng trinh để phục vụ và “làm ma” giữ của. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định đó là những chuyện không có thật được người đời thêu dệt để lý giải cho sự linh thiêng, nỗi khiếp sợ của người dân với “thánh địa Mường ma” của nhà lang.
|
Ông Đinh Công Dũng trưởng tộc đời thứ 21 kể về tục lệ đón tết kỳ lạ của nhà lang mỗi khi xuân về.
|
Vị trưởng tộc này quả quyết: “Điều làm chúng tôi tự hào nhất là dòng họ đã để lại cho đời sau một tài sản vô giá về văn hóa. Khu mộ đá Đống Thếch mà chủ nhân là Đô đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ là tiêu biểu. Do có công với nước nên khi chết ông được mai táng theo tước hầu, quan tài làm bằng gỗ trám đen, ngoài sơn son thếp vàng. Đặc biệt, vua Lê đã cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra làm cột mồ”.
Bên lề câu chuyện, ông Dũng kể nhiều hơn về phong tục đón xuân kỳ lạ trên đất nhà lang xưa. Có một điều đặc biệt, đó là chỉ khi nào nhà lang “phát lệnh” người dân trong vùng mới bắt đầu được đón Tết. Ngoài ra, Tết của nhà lang hầu như cũng không khác nhiều so với nhà dân. Trái ngược với những đồn đoán cai trị hà khắc khét tiếng, nhà lang Đinh Công gần gũi dân đến mức suốt nhiều ngày Tết, cánh cửa luôn rộng mở để bất cứ ai cũng có thể đến dự tiệc mừng xuân.
Tục chào xuân kỳ lạ
Giống như nhiều dân tộc khác, đối với người Mường, Tết Nguyên đán là cái Tết quan trọng nhất, to nhất trong năm. Thế nên, thời xưa người Mường thường ăn Tết trong 7 ngày. Trưởng tộc Đinh Công Dũng cho biết: Dưới thời lang đạo, tết cổ truyền của người Mường thường hướng về nhà lang. Để kịp việc đón tết, khâu chuẩn bị phải được tiến hành từ đầu tháng chạp.
Khi đó, những người đàn ông khỏe mạnh sẽ được phân công vào rừng chặt cây làm củi, tìm kiếm các nguyên liệu dùng trong dịp Tết. Lá dong rừng dùng để gói bánh cũng được kiếm trước hàng tháng, tất thảy chúng đem về ngâm đầu cuống xuống suối. Chờ mãi đến rằm tháng chạp, hầu hết phụ nữ trong Mường í ới gọi nhau như mở hội, họ tụ đám cùng nhau giã gạo chuẩn bị việc gói bánh cho ngày tết.
|
Mâm cỗ đón xuân của người Mường Vĩnh Đồng |
Nhưng tục tiễn năm cũ để chào xuân ở Mường Động mới là điểm kỳ lạ. Theo đó, cách thức đón năm mới sẽ trải qua khá nhiều khâu đoạn. Cụ thể, tất thảy người dân trong vùng đều khởi đầu việc đón tết bằng lễ “thức chiêng” ở nhà lang. Sau khi “thức chiêng”, tiếng ngân vang của chiêng chưa kịp vãn sẽ là ba hồi trống đại vang lên dồn dập xen kẽ ba phát trụ (một loại súng thần công tự chế - PV), bắn liên hồi về phía núi Chanh như là hiệu lệnh tống tiễn năm cũ. Và chỉ khi nào nhà lang làm đủ các thủ tục “phát lệnh” chào năm mới như vậy thì người dân trong vùng mới chính thức đón Tết và dọn mâm cỗ cúng tổ tiên. Với họ, thời khắc ấy mới chính thức là giao thừa.
Ông Đinh Công Giữ (75 tuổi) ở xóm Chiềng 4 kể lại: Việc đón Tết ở nhà lang khi xưa cũng có những khác biệt hơn so với nhà dân. Riêng mâm cỗ cúng trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài các món chế biến từ thịt lợn, thịt trâu, bò, cá, gà và các loại thịt thú trên rừng, đối với mâm cỗ cúng của nhà lang nhất thiết phải có 7 loại bánh như bánh chưng, bánh rán, bánh dày, bánh gai, bánh gói lá chít, bánh uôi, bánh nếp. Đặc biệt, trong suốt lễ cúng, bên trong khuôn viên nhà lang, người ta đều thay nhau đánh chiêng, đánh trống, gõ nhịp một cách đều đặn như bản giao hưởng chào đón mùa xuân mới.
Trong lịch sử thời phong kiến thì hầu hết các quan lang ở vùng Mường Động là những quan lang yêu dân, không mấy ai có tư tưởng đàn áp, bóc lột. Họ luôn ý thức được vai trò là những người cai quản, dẫn dắt nhân dân, giữ gìn cuộc sống bình yên cho bản Mường. Thế nên, những khoảng sân rộng trước cửa nhà lang, ngày tết lúc nào cũng rộn ràng lời hát đối đáp thường rang, bọ mẹng. Khi đó, cái ranh giới giữa nhà lang và nhà dân dường như đã bị xóa nhòa, người lớn, con trẻ thoải mái chạy nhảy vui đùa.
Đó là Tết xưa, nay ở trên vùng đất này lệ tục đón Tết theo nhà lang đã ít nhiều thay đổi. Ông Đinh Công Dũng cho biết: “Nay mỗi nhà đều chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn nhất có thể để dâng cúng tổ tiên và thần thánh. Cỗ Tết của người Mường thường được chế biến đơn giản với món thịt luộc và nướng được xếp trên lá chuối”. Theo vị hậu duệ nhà lang này, Tết vẫn là thời điểm xôm tụ vui vẻ nhất trong dòng tộc Đinh Công ở Vĩnh Đồng bởi các chi họ phân tán từ khắp mọi nơi đều dành khoảng thời gian này để hội họp. Sau khi viếng tổ tiên ở mộ cổ Đống Thếch, tất cả sẽ ngồi lại với nhau nâng chén rượu xuân, mừng anh em sum họp.