Ký ức Việt Nam (Kỳ 8): Hầu đồng – tín ngưỡng Mẹ của người phụ nữ An Nam

(PLVN) -  Ngày 01 tháng 12 năm 2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Ethiopia, di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Đạo” của các bà

Qua con mắt tò mò lẫn đầu óc ưa khám phá của những người phương Tây, Tín ngưỡng thờ Mẫu đã dành được sự quan tâm đặc biệt. Ngay từ đầu thế kỷ XX, trong bộ “bách khoa toàn thư” về sinh hoạt của người Việt, Henri Oger (1885-1936?) đã dành nhiều hình vẽ để mô tả, từ hình đệ nhị thánh mẫu, đến “các bà đồng rủ nhau đi lễ”, “các bà đồng rước thánh”…

Paul Giran trong cuốn “Phù thuật và tín ngưỡng An Nam” (Nhã Nam, 2020) cho rằng: Tam phủ bao gồm: Cõi trời tức Thiên phủ, cõi đất Địa phủ và cõi nước Thủy phủ. Và đôi khi người ta còn thêm vào Tam phủ cõi thứ tư (Tứ phủ). Khi ấy, trong “địa phủ” phân biệt thành thế giới trên mặt đất tức nhạc phủ và thế giới giới lòng đất tức là địa ngục (âm phủ).

Đi liền với các cõi là các vị thần cai quản, tối thượng là Ngọc Hoàng (Vua cõi trời, đứng đầu thiên đình), Vua mặt đất – tức vua địa phủ và vua thủy phủ (vua thủy giới).

Nhưng không chỉ có các nam thần “mỗi vị trong số đó sở hữu một bản nhị trùng là nữ, thường được coi như là phu nhân của họ. Và chính yếu tố nữ này đã chiếm một vị trí quan trọng đến mức dường như thi thoảng còn lấn át cả nhân tố nam nguyên thủy”.

Ông nhận xét: Tín ngưỡng thờ Tam phủ vốn dĩ được nữ giới người Việt thực hành nhiều hơn cả, hầu như chỉ có phụ nữ độc quyền truyền giảng, giới thanh đồng hành nghề chủ yếu là nữ. Các nữ thanh đồng trong giới này được gọi là bà đồng hoặc cô đồng.

Bà đồng do Léon Busy chụp.

Tại sao tín ngưỡng thờ Tam phủ lại chuyên dành cho phụ nữ? vị tham biện xứ Đông Dương (với hơn 20 năm ở xứ sở này) cho rằng: Tín ngưỡng Tam phủ là hệ thống nguyên thủy. Bên trên tín ngưỡng này còn chồng chất các tín ngưỡng khác mới hơn hoặc đã đạt tới mức độ hoàn hảo hơn và được thực hành bởi các tầng lớp cao nhất, có học nhất đất nước. Chính vì thế ta thấy đàn ông từ bỏ hệ thống Tam phủ và công khai bày tỏ thái độ miệt thị sâu sắc đối với những người vẫn kín đáo miệt mài thực hành tín ngưỡng này.

Trong khi phụ nữ, đã bị loại trừ khỏi tín ngưỡng chính thống và việc thờ cúng tổ tiên, đã chấp nhận học thuyết này, vốn phù hợp với nếp nghĩ của họ, rõ ràng là thấp hơn so với nếp nghĩ của đàn ông. Mặt khác tín ngưỡng Tam phủ rất gần với pháp thuật và do đó, ở tình trạng đối kháng với những hệ thông khác, thuần tôn giáo hơn, vậy lẽ tự nhiên nó trở thành nơi trú ngụ của tất cả những ai bị loại trừ khỏi tôn giáo chính thống: các thầy pháp và phụ nữ.

Thế nên bên cạnh ba vị vua của ba cõi còn có ba nữ thần thường gọi là Ba Đức Thánh Mẫu. Đó là: Bà Cửu Trùng Thiên, nữ thần của chín cung trời; bà Quỳnh Huê được biết đến nhiều hơn dưới tên gọi Bà Liễu Hạnh, vị nữ thần của đất và núi non và bà Thoải Phủ hay còn được gọi là Hồ Chung công chúa, nữ thần thủy giới. Mỗi nữ thần đều có một huyền thoại riêng.

Thánh “bắt lính”

Cũng theo Paul Giran: Bà đồng là những người được lựa theo cách thức rất đặc biệt. Một số phụ nữ đôi khi mơ những giấc mơ kỳ lạ, trong đó họ tưởng mình đang bay ngang một dòng sông, leo lên cây, vượt núi. Đó là những người đã được vị thần nào đó lựa chọn để trở thành bà đồng của họ. Kể từ lúc ấy, sức khỏe của họ giảm sút, và để hồi phục, họ phải đem lễ cúng đến dâng len chư vị tại một ngôi đền nào đó. Nếu vẫn không khỏi, họ phải tìm đến một thầy bói để hỏi xem có đúng là mình đã bị một vị thánh nào đó nhập vào hay không, có phải đã được lựa chọn hay không: bắt lính đồng.

Nếu quả đúng như vậy, họ phải tìm đến một thầy bói để hỏi xem có đúng là mình đã bị một vị thánh nào đó nhập vào hay không, có phải đã được lựa chọn hay không: bắt đồng linh (chấm đồng bắt lính). Nếu quả đúng như vật, họ phải “đội bát nhang”, để bà đồng đền tiến hành buổi lễ thụ pháp cho “tân đồng”.

Trong trang phục lên đồng xưa nay thì khăn phủ diện luôn là màu đỏ, tấm khăn lớn này khi trùm lên thân người căn đồng thì với ý nghĩa đặc biệt của màu đỏ (sự tái sinh) các căn đồng có thể đón nhận được năng lượng của vũ trụ/thần linh, thời khắc chum khăn chính là thời khắc chuyển hóa người – thần. Học giả M’Durand cũng cho biết, người nguyên thủy coi màu đỏ là màu thiêng liêng. Tấm khăn che phủ mặt bà đồng có ý chỉ việc người này đã đi sang một thế giới khác, thế giới âm, vô hình. Việc này có liên quan đến thủ tục dùng khăn che mặt cho người chết, ngụ ý họ không còn nhìn thấy gì ở thế giới này nữa. Họ thuộc về thế giới vô hình. Dưới tấm khăn che mặt, bà đồng nhắm mắt, tập trung tâm trí: nếu thần linh giáng nhập, đồng sẽ lắc lư đầu…

Tập “Hầu Thánh” của Lộng Chương với lời đề “Tặng các bà đồng non và các cô tấp tểnh ra đồng”. Buổi ra đồng đã được ông miêu tả thật sinh động:

“Cung văn lên lại dây đàn, dọn lại giọng và ngồi lại ngay ngắn. Sau khi xuýt xoa khấn vái, bà đồng ngồi xếp bằng lại thì chị Bảy, một người cháu và phò tá bà đồng, ngồi “hầu dưng” – kính cẩn đưa cho bà cái khăn đỏ. Bà đồng cầm cái khăn vái mấy cái và phủ lên đầu, hai tay cầm hai mép khăn ở phía đầu gối căng thẳng.

Trong khi bà đồng ngồi yên thì các bà ngồi xúm chung quanh ghé sát vào kêu, có bà ghé tận vào tai bà đồng mà ỏn ẻn.

- Trăm lạy tứ phủ thánh chầu, họ Nguyễn đã biết hối lầm cải quá, mang đầu phục tội, đem thân làm tôi đình thần tứ phủ, ngài chấm đồng thương đồng, ngài chấm lính thương lính, ngày xá u, xá mê, xá nhầm, xá lẫn, cho ghế đệm của ngài…

Một bà đồng nông thôn do Léon Busy chụp.

Bà đồng rung rung cái đầu và bà hét lên một tiếng, giơ bàn tay trái chỉ thẳng ngón tay trỏ lên trời – giá quan đệ nhất về đồng – và bàn tay cứ run bắn mãi lên, sau cùng bà ấp nó vào trán và ngửa đầu ra đằng sau.

Đó là biểu hiện quan lớn ngài chỉ về qua thôi và ngài thượng đồng ngay. Tiếng lóng của các bà gọi thế là hầu “tráng bóng”.

Ngay khi thấy bàn tay áp vào trán, bọn cung văn vội hét: “Thánh giá hồi cung” và điệu đàn tới tấp phưng phưng đến một phút đồng hồ.

Bà đồng hầu tráng qua mấy căn quan lớn xong rồi để sang đến căn chầu Thượng Ngàn. Giá chúa Thượng Ngàn lên mở khăn phủ diện và hai tay cứ xoa mãi vào hai bên má. Trong khi ấy, thì những người ngồi hầu dâng ở bên cạnh mặc áo cho chầu: một bộ quần áo kiểu người Mán miền thượng du bằng vóc màu lam thêu sặc sỡ.

Soi trong gương, chúa bà Thượng Ngàn còn thấy bọn ghế đệm chung quanh chưa đeo cho chúa cái vòng bạc lớn bằng cái kiềng bếp, ngài liền cầm nắm hương thư vào cái vòng để trước mặt để ra hiệu. Mọi người vội đeo vào cổ cho chầu.

[…] Bà đồng sau khi cởi bỏ khăn chầu áo ngự, vội quỳ xuống khấn vái xin âm dương, để bói xem chư thánh có bằng lòng ưng thuận lời cầu xin của bà Hàn (đồng mới – NS) không. Âm dương phải xin đến hai lần, lần đầu thì ngài cười, đồng tiền múa tít trên đĩa, đến lần thứ hai, sau khi bà đồng lại tha thiết kêu một lúc thì ngài ưng, đồng sấp đồng ngửa. Vừa lúc đó bà Hàn hú dài lên một tiếng và bàn tay vụng dại giơ lên. Bọn hầu dâng xúm lại kêu:

- Trăm lạy tứ phủ thánh chầu, ngài mở diện làm vui”.

Đọc thêm