Lâm Đồng xử lý người đứng đầu để nhà kính mọc trên đất lâm nghiệp

(PLVN) - Quan  điểm của tỉnh  Lâm Đồng  là việc dựng nhà lưới, nhà kính trên đất quy hoạch lâm nghiệp là sai pháp luật. Nếu địa phương nào không thực hiện nghiêm túc, sẽ xử lý trách nhiệm lãnh đạo địa phương đó.
Lâm Đồng kiên quyết xử lý nhà kính trên đất lâm nghiệp.

Tình trạng xây dựng nhà lưới, nhà kính trên đất quy hoạch lâm nghiệp, diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng những năm qua, tập trung tại các khu vực như: Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc. Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đưa ra nhiều biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 227,4 ha diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp bị lấn chiếm gồm: 210,1 ha nhà kính và 17,3 ha nhà lưới với 649 hộ đang sử dụng. Trong đó, nhiều nhất là TP Đà Lạt, hơn 184,8 ha với 475 hộ đang sử dụng; thứ hai là huyện Lạc Dương, trên 21,4 ha với 106 hộ; Đơn Dương, trên 16,2 ha với 44 hộ; còn lại các huyện Đam Rông, Di Linh, Đức Trọng.

Trước đó, UBND huyện Lạc Dương cho biết, đã xác minh được 75 hộ/13,6 ha diện tích sai phạm trên đất lâm nghiệp. Các địa phương đã bước đầu làm việc, tuyên truyền, vận động và tháo dỡ được một phần diện tích sai phạm. Khu vực sai phạm chủ yếu nằm trên diện tích thuê đất, thuê rừng của các công ty, doanh nghiệp với 18,53 ha.

Một khu nhà kính có dấu hiệu lấn vào đất rừng

Qua làm việc, vận động, 75 hộ dân đã cam kết tháo dỡ một phần diện tích nhà kính trên đất quy hoạch lâm nghiệp, với 21.476 m2. Ngay sau đó, đã có 14 hộ tháo dỡ nhà kính với diện tích 5.580 m2 và trồng xen cây lâm nghiệp. Các hộ còn lại sẽ thực hiện việc tháo dỡ trong thời gian tới, sau khi các hộ thu hoạch xong nông sản.

Đất lâm nghiệp nói riêng và các loại đất nói chung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện đã có quy hoạch khá rõ ràng. UBND tỉnh ban hành chỉ đạo thực hiện, xử lý giải tỏa, khắc phục, nhưng ở một số địa phương vẫn còn tỷ lệ khá lớn diện tích chưa thể giải quyết.

Điển hình như ở TP Đà Lạt, đây là địa bàn “nóng” nhất về đất đai hiện nay và đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giải tỏa diện tích vi phạm để trả lại đất rừng.

Mặc dù, thời gian qua TP Đà Lạt cũng ra nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo thành phố, cũng đã trực tiếp tổ chức nhiều đợt kiểm tra thực tế và có những chỉ đạo khá kiên quyết; tuy nhiên, kết quả đạt được thì mới nằm ở con số khá khiêm tốn, chỉ tháo dỡ được hơn 15 ha/184,8 ha nhà kính với diện tích hơn 9.000 m2.

Theo UBND TP Đà Lạt, nguyên nhân gặp khó khăn trong xử lý vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp là do các hộ dân có công trình, nhà kính, nhà lưới trên đất quy hoạch lâm nghiệp không đồng ý, tự nguyện tháo dỡ. Một số diện tích đất của người dân có nguồn gốc, quá trình sử dụng ổn định, lâu dài và hiện nay đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Thậm chí một số diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Suốt thời gian qua, tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh quan điểm: Việc dựng nhà lưới, nhà kính trên đất quy hoạch lâm nghiệp là việc làm sai pháp luật, mà đã sai thì phải chỉnh sửa lại sao cho đúng quy định để đưa công tác quản lý quy hoạch về đúng trật tự, và để tiến tới trả lại rừng cho đất rừng, nhằm tạo dựng môi trường sinh thái bền vững. Vì vậy, nếu địa phương nào không thực hiện nghiêm túc, sẽ xử lý trách nhiệm lãnh đạo địa phương đó.

Thực tế, hiểu quả xử lý vi phạm đất rừng ở một số địa phương chưa cao, là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo vẫn còn thiếu kiên quyết. Công tác vận động, tuyên truyền và tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa khoa học, thiếu kiên quyết và còn tình trạng nể nang.

Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng đề ra phương án giải quyết hết sức nhân văn cho người dân khi xử lý vấn đề trên. Trường hợp chủ sử dụng tự giác chấp hành tháo dỡ, UBND huyện, TP chỉ theo dõi, hướng dẫn làm đúng quy định, nếu không thực hiện thì lập hồ sơ xử lý. Các trường hợp chủ sử dụng không tự giác chấp hành thì tiến hành cưỡng chế tháo dỡ hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Diện tích đất trống sau khi tháo dỡ được sử dụng trồng cây rừng, trồng hoa ngoài trời kết hợp trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích theo đề án "Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030".

Đọc thêm