- Bên cạnh thảm họa tự nhiên, thảm họa do con người gây ra như cháy nổ, sập công trình xây dựng, sập hầm lò… cũng rất thường xuyên xảy ra tại Việt Nam. Đặc biệt là thảm họa cháy nổ, hàng năm có hàng trăm vụ cháy nổ đã xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và kinh tế như cháy chợ, cháy khu công nghiệp, cháy khu dân cư. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt sự phát triển chưa đi kèm những điều kiện bảo đảm quản lý nguy cơ thì khả năng xảy ra các thảm họa do con người gây ra sẽ tăng lên và gây hậu quả vô cùng lớn.
- Sau một loạt các thảm họa xảy ra, thực tế cho thấy chúng ta vẫn còn rất bị động và lúng túng trong khâu khắc phục. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì? Để lĩnh vực này hoạt động có hiệu quả hơn, chúng ta phải làm gì?
- Tôi cho rằng Việt Nam đã có những thành tựu đáng tự hào, nhiều kinh nghiệm tốt trong chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với những thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là bão lụt. Tuy nhiên, sau mỗi sự kiện bão lụt lớn vẫn còn những bài học từ việc thiếu chủ động, chủ quan của một số chính quyền tỉnh, huyện và các ngành cũng như của người dân trong chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với thảm họa. Kết quả là nhiều thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người, có thể tránh được nhưng vẫn xảy ra.
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể tóm tắt một số nguyên nhân chính sau đây: Công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thảm họa chưa thật sự hiệu quả ở một số nơi, kể cả việc chuẩn bị của chính quyền cũng như của các ngành; chưa kiên quyết trong việc di tản người dân hoặc ngăn không cho người dân đi vào khu vực nguy hiểm; cộng đồng thì hiểu biết chưa đầy đủ hay thiếu hiểu biết về thảm họa và hậu quả của thảm họa dẫn đến chủ quan, thiếu chủ động trong phòng và giảm thiệt hại do thảm họa gây ra…
Để khắc phục thực trạng này, trước hết chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến khâu chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó mỗi khi thảm họa xảy ra. Bởi vì hầu hết các sự kiện tự nhiên, ví dụ như bão, lụt, là không thể ngăn cho chúng không xảy ra.
Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng không để những sự kiện này trở thành thảm họa nếu chúng ta chuẩn bị tốt và đáp ứng kịp thời, hiệu quả với những sự kiện này. Để thực hiện tốt chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thảm họa, có rất nhiều việc cần làm và cần có thời gian như:
Tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” tại từng địa phương, ban, ngành và tại cộng đồng; triển khai hiệu quả và duy trì bền vững chiến lược “Quản lý rủi ro thiên tai dựa cộng đồng” của Nhà nước; tăng cường giáo dục truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, thực hành của cộng đồng về phòng và giảm nhẹ thiệt hại do thảm họa, đồng thời thực thi hiệu quả các luật, quy định về phòng, chống thảm họa; đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành quản lý thảm họa…
- Từ góc độ của một chuyên gia, TS bình luận gì về lĩnh vực Y học thảm họa (YHTH) ở Việt Nam hiện nay?
- Thực ra, ngành YHTH chỉ có thể nói là mới đối với Việt Nam, còn trên thế giới ngành này rất phát triển. Tại Việt Nam, cho đến nay ngành học này vẫn chưa phát triển mặc dù việc giảng dạy và nghiên cứu về thảm họa đã được thực hiện từ lâu, đặc biệt là tại Học viện Quân y, nơi GS. TSKH Lê Thế Trung là người đã rất tâm huyết và có nhiều công trình nghiên cứu và đào tạo về chuyên ngành này.
Tạp chí Y học Thảm họa và Bỏng đã được xuất bản nhiều năm nay. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu được đăng tải trong tạp chí này rất ít. Điều này cho thấy nghiên cứu về lĩnh vực YHTH chưa được nhiều người quan tâm. Đây cũng là kết quả của công tác đào tạo về YHTH còn chưa phổ biến.
Nhận biết được sự phổ biến của thảm họa và hậu quả y tế công cộng của thảm họa cũng như nhu cầu đào tạo đáp ứng việc phòng và giảm nhẹ thiệt hại, đặc biệt là hậu quả y tế công cộng, Trường Đại học Y tế công cộng đã thành lập bộ môn “Phòng chống thảm họa” từ năm 2011.
Hiện nay, Bộ môn đã xây dựng chương trình và giảng dạy về quản lý thảm họa cho các đối tượng. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu về hậu quả của thảm họa và công tác quản lý thảm họa của ngành Y tế đã được thực hiện. Tuy nhiên, Phòng chống thảm họa mới chỉ là một môn học trong toàn bộ chương trình đào tạo của Trường, chứ chưa có chuyên ngành về YHTH.
Thực tế cho thấy, chỉ một bộ môn (hiện nay là duy nhất trong trường đại học ở Việt Nam) là chưa đủ, do đó việc thành lập bộ môn này ở một số trường đại học, cơ sở đào tạo và tạo ra mạng lưới đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực này là cần thiết.
Để làm được việc này cần có chính sách từ Nhà nước, từ các Bộ, ngành và sự quan tâm của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong cả nước. Duy trì đào tạo thường xuyên nhằm đào tạo những cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực quản lý thảm họa góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thảm họa, giảm thiểu thiệt hại do thảm họa gây ra.
- Cám ơn TS về cuộc trao đổi!