Làng chài Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) từ lâu đã nổi tiếng với món cá “ông trời” độc đáo, cầu kỳ trong chế biến nhưng lại dễ dàng trong thưởng thức. Nguồn gốc món ăn xuất phát từ ước mong mưa thuận gió hòa của người dân biển xưa, và đến ngày nay nó thực sự đã giúp nhiều gia đình đổi đời.
Cầu kỳ chế biến cá “ông trời”
Nghi Thủy là một làng nghề lâu đời ở Nghệ An. Mới đi đến đầu làng đã ngửi thấy mùi cá, mùi mực, mùi của các loại hải sản tươi, khô thơm nồng. Các cột khói từ hoạt động nướng cá, luộc cá cuộn lên mù mịt nhưng không gây cảm giác ngột ngạt mà khiến lòng người phấn chấn bởi sự ấm no và không khí lao động rộn ràng. Người dân ở đây không có ruộng đất, cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào biển cả. Đàn ông khỏe mạnh thì đi biển đánh bắt. Đàn ông có tuổi và phụ nữ thì ở nhà chế biến cá để bán.
Ông Nguyễn Văn Huệ - Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy cho biết, món cá “ông trời” chế biến từ cá thửng được đánh bắt ngoài khơi. Người miền biển thường xuyên phải chịu thiên tai bão lụt hoành hành nên người xưa muốn tạo ra một món ăn ngon, gọi là món cá “ông trời”, dâng lên tổ tiên và thần linh cầu mong mưa thuận gió hòa cho ngư dân đánh bắt được nhiều cá. Có lẽ họ cũng không ngờ hàng trăm năm sau, món ăn đơn giản của mình lại trở thành đặc sản độc đáo, được nhiều khách thập phương ưa chuộng và giúp thế hệ sau vươn lên thoát nghèo. Hiện có khoảng 100 hộ dân trong làng mưu sinh nhờ nghề này.
Ông Nguyễn Cảnh Hùng (SN 1953, ngụ khối 8, phường Nghi Thủy), một người lâu năm trong nghề chia sẻ: Cá thửng chế biến quanh năm, tuy nhiên vào khoảng tháng 11 đến tháng 2 âm lịch là thời điểm nhộn nhịp nhất, vì cá thửng to và ngon nhất vào những tháng này, còn bình thường chỉ có cá nhỏ. Ngoài ra, dịp này cũng trùng các ngày lễ tết nên lượng tiêu thụ rất lớn. Con cá thửng thường dài từ 15 - 30cm, xương ít, thịt nhiều, rất chắc và thơm ngon. Sau khi được chế biến, con cá thửng vàng ươm, tròn trịa, vừa vặn trong chiếc đĩa, nhìn rất đẹp mắt.
Người dân Nghi Thủy gắn bó với nghề chế biến cá thửng. |
Ông Hùng cho biết, để chế biến được món cá “ông trời” phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc chọn cá, những con cá thửng được lựa chọn phải tươi ngon, thịt rắn chắc, cá càng to thì chế biến càng đẹp. Sau khi mua cá về, phải rửa sạch, dùng muối xóc đều, sau đó bằng sự khéo léo của mình để cuộn cá lại, sao cho miệng cá ngậm vào đuôi tạo thành hình tròn. Con cá như thế được đưa vào nồi để luộc chín. Khi luộc, cần phải chú ý không để cá chín quá sẽ bị biến dạng, không đẹp.
Cá luộc xong vớt ra sấy khô, sau đó xông trên lửa. Củi xông không phải loại thông thường, phải xông bằng bã mía, vì khói của bã mía giúp cá ngọt hơn, mùi thơm hơn và màu vàng ươm đẹp mắt. Nếu xông bằng loại củi thông thường, cá sẽ đen sì, vừa không đẹp vừa không ngon bằng.
Món quê xuất ngoại
Người Nghi Thủy kể, ngày xưa cứ mỗi dịp lễ tết cúng giỗ, dân làng thường chỉ cúng cá thửng với bánh chưng, không cúng thịt gà hay thịt lợn. Bánh chưng tượng trưng cho đất vuông, cá thửng tượng trưng cho trời tròn. Giờ đây, tuy mâm cỗ đã có thêm thịt lợn, thịt gà nhưng truyền thống cúng cá thửng vẫn được người dân duy trì. Mâm cỗ cúng trời đất, tổ tiên mà chưa có con cá thửng nằm tròn xoe trên đĩa là còn thiếu sót.
Nhiều vùng biển trên cả nước có cá thửng, nhưng chỉ có duy nhất ở làng chài Nghi Thủy mới chế biến theo cách độc đáo này. Người dân ở đây từ nhỏ đã được ông bà, bố mẹ truyền lại cách chế biến. Bắt đầu từ việc chế biến cá để phục vụ nhu cầu trong gia đình, hiện nay cá thửng làng Nghi Thủy đã trở thành một nét độc đáo trong du lịch của làng chài này. Không chỉ được bày bán trong tỉnh, cá thửng còn được đưa đến các vùng Bắc, Nam và xuất khẩu tới nhiều nước. Khách du lịch khi có dịp đến Cửa Lò đều tìm mua bằng được vài chục con cá thửng hình tròn lạ mắt về làm quà.
Cá thửng sau khi chế biến thì có ba cách để ăn: kho nguyên con cá ăn với cơm, hoặc xé nhỏ ra làm mồi nhậu, hoặc nấu canh ăn cũng rất ngon. Thịt cá thửng vừa ngọt vừa thơm, người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà ăn đều tấm tắc khen ngon. Và câu chuyện về lịch sử ra đời món cá “ông giời” lại tô điểm thêm ý nghĩa cho món đặc sản này.
Vào những ngày cao điểm, một hộ dân như gia đình ông Hùng chế biến khoảng một tạ cá/ngày, có khi vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Nhiều hộ gia đình đã làm giàu nhờ nghề này.
Với giá bình dân, cá thửng là món quà được nhiều du khách lựa chọn. |
Cá thửng bán rất chạy vào mùa lễ tết. Có thời điểm, sản phẩm làm ra không đủ bán cho khách hàng. Rất nhiều khách du lịch thích thú đặt mua vì thịt cá ngon thơm, hình dáng độc đáo, đặc biệt còn để được rất lâu, có thể cất giữ được khoảng 6 - 7 tháng. Một ưu điểm nữa của món này là giá cả lại bình dân, nhiều khách du khách đều chọn mua về làm quà biếu tặng bạn bè, người thân. Thời điểm nguồn cung không đủ cầu, người làng Nghi Thủy phải nhập cá thửng từ các địa phương khác để chế biến.
Ông Nguyễn Văn Phong (SN 1958, ngụ phường Nghi Thủy) hơn 20 năm làm cá thửng cho biết: “Nhiều khi chúng tôi phải nhập hàng từ tận trong tỉnh Quảng Bình hay các tỉnh phía Nam về làm, bởi nguồn hàng ở địa phương không đủ để các cơ sở chế biến phục vụ nhu cầu khách hàng”.
Ngư dân mong mùa cá thửng
Những người già làng Nghi Thủy kể, ngày xưa các cụ chưa chế biến cá thửng theo hình tròn như hiện nay, thường chỉ để nguyên để chế biến hoặc uốn cá theo hình dạng chữ U. Nguyên nhân do trước đây phương tiện kĩ thuật còn kém, không thể bảo quản được cá lâu, ngư dân phải chế biến cá trên tàu ngay sau khi đánh bắt, mức độ tỉ mỉ, kỳ công không thể bằng bây giờ. Hiện nay, phương tiện kĩ thuật phát triển, ngư dân bảo quản cá được lâu hơn, có thể đưa cá về đất liền chế biến sau mấy ngày lênh đênh trên biển.
Cá thửng cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với các loại cá khác. Mỗi kilôgam cá tươi có giá 50.000 đồng, sau khi chế biến có giá gấp đôi. Vào dịp Tết, mỗi con cá thửng to đẹp có giá từ 50.000 - 80.000 đồng. Ngày bình thường giá thấp hơn nhưng vẫn có lãi nhiều.
Ông Dương Ngọc Xô, Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy cho biết: “Món cá thửng của địa phương được rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhất là vào mùa du lịch, lượng hàng không đủ cung cấp nhu cầu của khách hàng. Nhờ cá thửng, nhiều hộ gia đình ở địa phương không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của nghề chế biến cá thửng là một năm chỉ làm được trong khoảng 3 tháng là thời điểm cá ngon, đẹp nhất. Còn những tháng khác loại cá này ít, không to đẹp bằng, chỉ có một số ít hộ dân vẫn duy trì làm. Do vậy, khi hết mùa làm cá thửng, các hộ dân lại phải xoay qua chế biến các loại cá khác như cá thu, cá nục…”.
Món cá “ông trời” ngày càng được nhiều người biết đến. Nhưng hiện nay việc sản xuất chế biến vẫn do các hộ gia đình tự phát, không có tổ chức quy củ. Điều này phần nào khiến món đặc sản này chưa được phát triển xứng với tiềm năng.