Lập sẵn di chúc, ảnh thờ chuẩn bị ngày bị chồng đánh chết

(PLO) - Bị chồng hành hạ đánh đập, bà Lê Thị Tư (SN 1960) phải làm sẵn di chúc, ảnh thờ để lại cho con cháu phòng hờ ngày bị chồng giết lúc nào không hay. Sự “lo xa” đau lòng này đã suýt trở thành hiện thực, khi ngày 4/6 vừa qua, bà bị chồng vác dao đâm gây thương tích nặng. 
 Bà Tư bị chồng đâm gần chết
Bà Tư bị chồng đâm gần chết
Đã ly hôn vẫn đâm vợ cũ gần chết
Sau sự việc, người chồng Huỳnh Tấn Long (SN 1960, tạm trú đường 38, quận Thủ Đức, TP.HCM) đã bị bắt tạm giam về hành vi “Cố ý gây thương tích”, người vợ mới có cơ hội kể lại câu chuyện đời mình.
Từ hơn một tháng trước đó, sau khi ly hôn, bà Tư chuyển qua sống cùng người con gái cách ngôi nhà cũ của hai vợ chồng không xa. Mỗi lần không có ai để “trút giận”, ông Long lại thất thểu đi tìm vợ mắng chửi. 
Ngày 4/6, ông Long bực tức chuyện bà Tư chưa đóng tiền nước nên hùng hục chạy ra chỗ vợ bán hàng ngoài chợ để “tính sổ”. Đôi co vài lời, ông lao vào đánh vợ. Nhiều người chứng kiến chạy tới can ngăn, ông Long mới ấm ức bỏ về nhà. 
Đến chiều, thấy bà Tư đi bán hàng về, ông bèn chạy qua mắng chửi, đánh đập tiếp. Bị vợ chống cự, người chồng vớ lấy con dao trên kệ bếp, ép vợ vào góc tường đâm nhiều nhát. Nghe tiếng kêu cứu, người con gái hốt hoảng chạy vào thấy cha đang đâm mẹ. Chị thất thanh kêu người nhà chạy tới kéo cha ra, đưa mẹ đi cấp cứu. 
Trở về sau ba tuần nằm viện, sức khoẻ nạn nhân mới dần bình phục. Trong câu chuyện, có lúc người đàn bà dùng từ “nó” vẻ uất ức để gọi chồng mình. Bà ôm cánh tay băng trắng, khuôn mặt nhăn nhó, đau đớn rồi phân trần: 
“Tôi bị đâm chưa chết có lẽ là ngoài ý muốn của ổng. May mà được làm phẫu thuật kịp thời nên tôi mới còn sống sót đến giờ, chứ trong nhà ai cũng sợ tôi không qua được bận này. Từ ngày lấy nhau về, chịu bao nhiêu trận đòn, dao kề cổ nhiều lần nên giờ chẳng còn nước mắt mà chảy, hay thấy hoảng sợ”. 
Dứt lời, bà dùng cánh tay còn lại lật đật lấy đồ đạc trong bọc ni lông ra phân bua: “Đây là di chúc tôi lập từ lâu, còn cả tấm ảnh này là để lại cho con cháu làm di ảnh thờ. Bị đánh nhiều lần tưởng chết nên tôi chuẩn bị sẵn, lỡ ngày nào bị ổng giết con cháu còn biết đường làm theo di nguyện”. 
Bà Tư bảo, sống với ông Long, điều đầu tiên là phải biết nhịn nhục, cam chịu vì tính ông độc đoán. Dù ông nói đúng hay sai cũng không được cãi, nếu lỡ mồm câu nào bèn bị chồng lao tới đánh rồi chửi “mày dám cãi chồng mày à?”, rồi còn ngang ngược tuyên bố “chồng là cha, vợ phải biết nghe lời”. 
Thời con gái đi học may ở nhà người bác, kế bên là nhà ông Long, hai người biết nhau từ đó. Gia đình bà Tư biết chuyện ra sức cấm cản, khuyên nhủ con gái không nên gắn kết đời mình với người thanh niên có phong cách ngang ngược. Tuy vậy, vì còn quá trẻ, suy nghĩ bồng bột, cô gái bỏ ngoài tai hết những lời khuyên, quyết làm vợ chàng trai. 
Ở cùng gia đình chồng được dăm bữa nửa tháng đã xảy ra mâu thuẫn kịch liệt giữa mẹ chồng nàng dâu. Tủi nhục ê chề, bà cùng chồng về nhà mẹ ruột xin tá túc. “Song ba má tôi sợ mang tiếng con gái làm dâu chẳng ra gì, bị đuổi về, nên không đồng ý cho vào nhà. Tôi phải khóc lóc cầu xin dữ lắm ba má mới đồng ý cho ở lại, nhưng phải vào sâu trong vườn dựng chòi ở”, người phụ nữ tâm sự. 
Chưa hết ấm ức về gia đình chồng, bà Tư lại đau đớn hơn khi chịu cảnh bị chồng khinh thường, hành hạ bằng những lời chửi rủa, những trận đòn roi. “Lúc tôi mang thai đứa đầu tiên, ổng bắt phải đi bỏ vì bảo chưa muốn có con với không có điều kiện nuôi. Đau đớn lắm nhưng cũng phải nhắm mắt làm theo lời chồng vì tính ổng độc đoán, chỉ cần cãi nửa lời cũng đã bị đánh thậm tệ”. 
Người con gái đầu tiên được sinh ra, người chồng càng quá đáng hơn xem vợ như “con ở”, chửi bới, đánh đập không thương tiếc. Khi đứa con lớn được 3 tuổi, ông Long đòi bỏ vợ rồi ôm con về nhà mình sống. Người vợ khóc lóc, quỳ lạy van xin giữ đứa con lại, ông vẫn không mảy may mủi lòng, gói đồ đạc ôm con đi. Bà Tư nhớ lại:
“Qua ngày hôm sau, ổng bồng con quay lại trả tôi vì rời mẹ là nó khóc dữ lắm, không ai dỗ được. Rồi tôi cũng đành lòng quay lại sống với ổng, vì cũng còn tình cảm vợ chồng, lại sợ mang tai tiếng. Khi mang thai đứa con tiếp, ổng cũng bắt tôi bỏ, bảo “ăn còn không có thì lấy gì nuôi””. Vài năm sau bà sinh tiếp được người con trai nay đã hơn 20 tuổi. 
Người chồng vũ phu đã bị bắt
 Người chồng vũ phu đã bị bắt
Chồng “ra giá” 200 trăm triệu mới ly hôn
Thiếu phụ hồi ức: “Lần nào đánh vợ, ổng cũng lăm lăm con dao trên tay dọa giết. Mặt mũi tôi khi nào cũng bầm dập, hàng xóm xung quanh can ngăn mãi không được đành làm ngơ. Có lần ổng lấy viên gạch đập vào đâu tôi máu me bê bết, người đi đường phải chạy vào cứu đưa tôi đi bệnh viện”.
Đau khổ, tuyệt vọng, nhiều đêm người mẹ nằm ôm hai đứa con khóc lóc ướt đầm gối, từng có ý định kết liễu đời mình cho hết khổ. Nhưng nghĩ tới hai con, bà lại tiếp tục gắng gượng và cũng không dám bỏ chồng vì sợ các con lại mang tiếng không cha. 
Sau này các con đã lớn, bà Tư van xin chồng buông tha cho mẹ con mình và đề nghị ly hôn, song ông Long nhất quyết không đồng ý, trước toà còn ngon ngọt nói “vẫn yêu thương vợ”. 
Bà tố cáo, thật ra ông ra giá nếu bà chịu đưa 200 triệu đồng thì ông mới ly hôn. Bà không kiếm đâu ra số tiền lớn ấy nên đành cắn răng chịu đựng. Sau nhiều lần ra toà giải quyết ly hôn bất thành, mẹ con bà Tư bèn nghĩ ra kế ghi âm những lời đe doạ giết, đánh đập của ông để làm bằng chứng. Đến lúc này, toà mới giải quyết ly hôn cho bà. 
Không chỉ hành hạ vợ, ông Long còn đánh đập người bên gia đình bà mỗi khi lao vào can ngăn việc ông “dạy vợ”. “Lần thì ổng dùng cây sắt lùa đánh đứa cháu họ tôi, lần thì nhúng đầu thằng em tôi vào thùng phuy nước. Ba má tôi ốm nặng, phải vào viện, ổng cấm không cho đi chăm”, bà nói. 
Sau vụ án, người nhà ông Long tới bệnh viện van nài bà làm đơn bãi nại. Bà bảo “tôi quyết không làm đơn tha cho ổng, cứ để pháp luật xử lý”./.