Phụ nữ lái xe là “hành động cám dỗ”?
Dù luật pháp không cấm phụ nữ lái xe, nhưng chiếu theo luật Hồi giáo, chính quyền nước này không cho phép cấp bằng lái xe cho phụ nữ. Lệnh cấm phụ nữ lái xe tại Ả-rập Xê-út đã được đưa lên thành điều luật chính thức vào tháng 11/1990, thời Chiến tranh vùng Vịnh. Đại giáo chủ (The Grand Mufti) tại Ả-rập Xê-út thời đó chiếu theo luật Saria (Luật Hồi giáo) và tuyên bố một sắc lệnh tôn giáo không cho phép phụ nữ lái xe. Theo Đại giáo chủ này, phụ nữ lái xe là hành động “cám dỗ”, dẫn đến “đảo lộn xã hội”.
Bên cạnh đó, một số giáo sĩ còn cho rằng, “cho phép phụ nữ lái xe sẽ làm nảy sinh sự phóng đãng”. Hoặc có ý kiến cho rằng “phụ nữ lái xe sẽ gây hại cho buồng trứng”. Hoàng tử Nayef bin Abdulaziz, sau này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành một nghị định dựa trên sắc lệnh đó và cứ thế kéo dài đến tận bây giờ. Theo CNN, khi Quốc vương Abdallah bin Abd al-Aziz Al lên nắm quyền năm 2005, ông từng có bình luận, “ngày đó (ngày xã hội bị đảo lộn) sẽ đến nếu phụ nữ được phép lái xe”.
Tuy nhiên, quy luật của tự nhiên, điều gì bất công ắt sẽ có đấu tranh. Năm 2010, phụ nữ Ả-rập Xê-út bắt đầu xuống đường để phản đối và đòi quyền được lái xe của họ. 47 phụ nữ đã lái môtô diễu hành qua thành phố đều bị bắt. Lệnh cấm được áp đặt bằng luật tôn giáo và cả luật pháp của nhà nước. Từ đó đến nay, các nhà hoạt động đã thực hiện nhiều cuộc vận động và biểu tình nhằm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Từ năm 2011 đến nay, nhiều phụ nữ Ả-rập Xê-út liên tục phát động các chiến dịch “Phụ nữ lái xe” (Woman 2 Drive) để phản đối quy định trên. Nhà hoạt động Aziza Youssef (Giáo sư tại Trường Đại học Hoàng gia Ả-rập Xê-út) cho biết, các nhà tổ chức biểu tình đã nhận được 13 video và 50 tin nhắn điện thoại chia sẻ hình ảnh họ đang lái xe hoặc tuyên bố họ đã từng lái xe bất chấp luật.
Tháng 10/2013, hơn 60 phụ nữ trên khắp Ả-rập Xê-út thách thức quy định bằng cách trực tiếp ngồi sau tay lái mà không cần nam giới, với thông điệp: “Lái xe hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người phụ nữ”. Được biết, tất cả những người biểu tình đều có bằng lái xe nước ngoài.
Đầu tháng 3/2014, các nhà hoạt động về quyền phụ nữ ở Ả-rập Xê-út đã gửi kiến nghị lên Hội đồng tư vấn Nhà nước Shura (cơ quan có trách nhiệm cố vấn chính sách cho nhà vua) yêu cầu nới lỏng các quy định khắt khe với phụ nữ tại nước này, trong đó có quy định cấm phụ nữ lái xe.
Nhà hoạt động Aziza Yousef cho biết: “Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ kiến nghị lên Hội đồng tư vấn Shura xóa bỏ ‘những đặc quyền tuyệt đối của nam giới đối với phụ nữ’. Đồng thời, đưa ra ‘một số biện pháp bảo vệ quyền của phụ nữ’. 10 nhà hoạt động đã cùng ký vào bản kiến nghị, trong đó có điều khoản đòi quyền được cầm lái cho nữ giới”.
Tuy nhiên, khi bản kiến nghị đến tay các thành viên Hội đồng tư vấn, chỉ có 3 thành viên nữ trong Hội đồng Shura đồng ý nên trao quyền lái xe cho nữ giới nước này vào tháng 10/2014. Nhưng lại có tới 150 thành viên nam còn lại đồng loạt bác bỏ đề nghị này.
Bước tiến lịch sử
Sau nhiều năm đấu tranh, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm lái xe được công bố vào tháng 9/2017 và đến ngày 24/6/2018 đã chính thức có hiệu lực. Lệnh cấm phụ nữ lái xe được bãi bỏ sau nhiều năm tồn tại, đã mở ra nhiều cơ hội khi phụ nữ không còn phải thuê hay nhờ tài xế nam giới. Dự kiến, năm 2020, khoảng 3 triệu phụ nữ nước này sẽ đủ điều kiện lái xe.
|
Có bằng lái xe, phụ nữ đã không còn bị lệ thuộc trong chuyện đi lại bằng ô tô |
Đây là thành quả mang ý nghĩa tuyệt vời sau nhiều năm vận động của các nhà hoạt động xã hội bất chấp nguy cơ bị bắt hoặc bỏ tù vì những nỗ lực của mình. Việc bãi bỏ lệnh cấm này là một phần trong kế hoạch cải tổ mang tên “Tầm nhìn đến năm 2030” của chính quyền ở Ả-rập Xê-út, nhằm mở cửa vương quốc này ra với thế giới, thúc đẩy nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Theo quy định mới, phụ nữ từ 18 tuổi trở lên sẽ được đăng ký lấy bằng lái xe. Những người có bằng lái xe được cấp ở nước ngoài có thể đăng ký lấy bằng lái của Ả-rập Xê-út thông qua một quy trình riêng.
Các nhà lãnh đạo Ả-rập Xê-út hy vọng chính sách mới sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế, thông qua việc có thêm nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Lâu nay, nhiều phụ nữ Ả-rập Xê-út đi làm phải thuê tài xế riêng rất tốn kém, hoặc đi nhờ xe của người khác. Theo thống kê, mỗi năm Ả-rập Xê-út tốn hàng tỷ USD chi trả cho các lái xe nước ngoài.
|
Các trường dạy lái với giáo viên là nữ giới đã xuất hiện |
Ngay sau khi quy định trên được bãi bỏ, từ nửa đêm, nhiều phụ nữ ở thủ đô Riyadh và các thành phố khác đã lái xe trên các đường phố trong niềm vui mừng. Theo người dẫn chương trình truyền hình Sabika al-Dosari, việc bãi bỏ lệnh cấm là “một thời khắc lịch sử đối với từng phụ nữ Ả-rập Xê-út”, giải phóng họ khỏi sự lệ thuộc vào lái xe riêng hoặc người thân là nam giới.
Trước khi lệnh cấm được bãi bỏ, chị Daniah Al Ghalbi đã lấy được bằng lái. Ngày 23/6/2018, chị lái thử chiếc xe của mình tại khu nghỉ dưỡng Biển Đỏ ở Jeddah. Thời điểm đó, Ả-rập Xê-út đã bắt đầu cấp những bằng lái xe đầu tiên cho phụ nữ. Người sở hữu bằng lái xe nước ngoài có thể đổi bằng lái qua bài thi thực hành.
Nhiều trường dạy lái xe cho phụ nữ đã mọc lên tại các thành phố như Riyadh và Jeddah. Ở đây, phụ nữ được học cách lái xe ôtô và cả xe máy. Đây là một viễn cảnh mà chỉ 1 năm trước thôi còn khó tưởng tượng được. Giáo viên hướng dẫn tại trung tâm dạy lái xe Saudi Aramco cũng là một phụ nữ. Chính phủ hy vọng kế hoạch cải cách của Thái tử Mohammed bin Salman sẽ giúp tăng tỷ lệ lao động nữ. Theo Bloomberg, tới năm 2030, động thái cải cách này ước tính sẽ giúp đóng góp 90 tỷ USD vào nền kinh tế của Ả-rập Xê-út.
Trước khi được cấp bằng, những người này phải vượt qua một kỳ kiểm tra thực hành. Rất nhiều phụ nữ đã đổi bằng thành công tại nhiều thành phố, trong đó có thủ đô Riyadh. Hiện chưa rõ số lượng giấy phép lái xe sẽ được cấp là bao nhiêu. Tuy nhiên, Bộ Thông tin Ả-rập Xê-út dự kiến thêm 2.000 phụ nữ sẽ nhận bằng lái xe vào tuần tới.
Sau khi lệnh cấm kéo dài hàng thập kỷ được dỡ bỏ, Juffali (27 tuổi) trở thành phụ nữ Ả-rập Xê-út đầu tiên đua xe ở nước này và được ban tổ chức xem là tay đua khách mời ‘VIP’. Cô tham gia tranh tài tại cuộc đua xe chạy bằng điện Jaguar I-Pace eTrophy ở Diriyah, gần thủ đô Riyadh, trong các ngày 22 và 23/11/2019. “Lệnh cấm được dỡ bỏ năm ngoái và tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ đua xe chuyên nghiệp. Nhưng thực tế là tôi đang làm điều đó, thật tuyệt vời”, Juffali nói trên chiếc Jaguar I-Pace màu xanh và đen.
Hoàng tử Abdulaziz bin Turki al-Faisal (Bộ trưởng Thể thao Ả-rập Xê-út) gọi đây là khoảnh khắc “bước ngoặt” của vương quốc Hồi giáo này. “Với tư cách là một tay đua chuyên nghiệp, Juffali sẽ có hàng nghìn người cổ vũ cổ thi đấu”, ông nói.