Quyết định của IOC về vụ việc này không hẳn hoàn toàn theo khuyến nghị của tòa án thể thao quốc tế mà để cho các liên đoàn thể thao chuyên ngành tự quyết định cho phép hay cấm từng vận động viên của Nga tham dự thi đấu tại Thế vận hội mùa hè ở Rio.
Đương nhiên, tất cả những vận động viên Nga đã bị chứng minh là có dính dáng đến doping thì đều không thể được tham gia Thế vận hội Rio. Dư luận trên thế giới rất khác nhau về quyết định của IOC.
Từ phía các nước Phương Tây, tông điệu dư luận chung là thất vọng về quyết định của IOC bởi họ đều muốn không để cho Nga tham dự Thế vận hội mùa hè ở Rio. Họ phê phán IOC là hèn và phản bội lý tưởng và tôn chỉ mục đích của phong trào Thế vận hội. Họ cáo buộc IOC bị khuất phục trước ảnh hưởng và tác động chính trị từ phía Nga.
Phía ủng hộ cho rằng quyết định như thế của IOC là đúng đắn và hợp lý bởi IOC không được vơ đũa cả nắm và phải công bằng với những vận động viên Nga không hề dính líu gì đến doping. Theo thông báo của các liên đoàn thể thao chuyên ngành thì sẽ có khoảng 270 vận động viên Nga tham gia thi đấu ở Thế vận hội Rio, đồng nghĩa với việc có khoảng 100 vận động viên Nga không được thi đấu.
Chuyện ở đây là chuyện thể thao và chính trị, nhưng cũng đồng thời còn là chuyện về luật và lệ. Có thể thấy IOC đã để cho luật rất nghiêm đối với doping trong thể thao. Không thể không như thế bởi doping làm hủy hoại tính công bằng và thượng võ của thi đấu thể thao, làm mất đi những giá trị nhân văn và văn hóa của thể thao, biến thể thao thành một phi vụ kinh doanh danh vọng và tiền của.
Nhưng cái lệ ở đây cũng rất mạnh. Cái lệ đó là chính trị hóa thể thao, hay nói cách khác là dùng thể thao để theo đuổi mục tiêu chính trị. Chuyện doping trong thể thao vốn đã có từ lâu và trong thế giới thể thao cho tới nay vốn không thiếu bê bối và tai tiếng về doping. Nhưng chưa có lần nào một quốc gia bị không cho tham dự các mùa Thế vận hội.
Nga là một trong những cường quốc thể thao trên thế giới nhưng mối quan hệ giữa Nga và các nước Phương Tây hiện rất trục trặc. Chuyện doping trong thể thao tạo cho Phương Tây cơ hội thuận lợi hiếm thấy để hạ thấp uy tín quốc tế của Nga, reo rắc hoài nghi về những thành tựu thể thao mà Nga đã đạt được và cô lập Nga trên quốc tế. Thể thao trở thành công cụ chính trị và vũ khí giống y hệt ở thời chiến tranh lạnh.
Mặt khác, khi quyết định về vụ việc này, IOC không thể không lưu ý đến tác động chính trị của quyết định và mối quan hệ giữa IOC với các thành viên, trong đó có Nga. Lợi ích chính trị của IOC trong chuyện này có phần khác với lợi ích của các nước Phương Tây. IOC cũng phải làm chính trị chứ không phải chỉ quyết định thuần túy về thể thao.
Vì thế, luật nghiêm không trùm phủ lên cả lệ và lệ mạnh điều tiết tác động và hiệu lực thực tế của luật. Việc IOC để cho các liên đoàn thể thao chuyên ngành quyết định không hề trái luật và đã mở đường cho các liên đoàn này tự quyết định mức độ áp dụng luật và lệ.../.