Vốn là một công cụ quản lý nhà nước để khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, nhân lực, điều kiện tự nhiên xã hội cho sự phát triển; thế rồi quy hoạch trở thành công cụ quyền lực cho một số người khuynh đảo trục lợi. Nhiều hệ lụy liên quan đến quy hoạch: Vướng quy hoạch đồng nghĩa với mất đất mất tài sản, phải ly hương; được quy hoạch có nghĩa là sắp từ chân lấm tay bùn nhảy phóc lên thành “đại gia”; chạy quy hoạch là dịch vụ kinh doanh béo bở…
Chính những biến tướng ấy đã dẫn đến la liệt những khu quy hoạch treo và treo luôn cả số phận người dân. Sôi động hơn là tình trạng nhà nhà, ngành ngành cùng làm quy hoạch.
Nhân danh lợi ích chung, nhân danh sự phát triển, mạnh ai nấy làm quy hoạch để xí phần lợi ích cho mình, phát sinh quy hoạch chồng lấn lên nhau.
Để chấm dứt tình trạng “loạn quy hoạch” đó, Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Quy hoạch. Vấn đề đặt ra là dù bộ luật hay đến thế nào đi nữa thì vẫn do con người điều hành, liệu Luật có trị được “loạn”?
Ước tính đến tháng 4/2016, có 80 luật và pháp lệnh, 80 nghị định quy định về quy hoạch. Theo quy định tại các văn bản này, thời kỳ quy hoạch 2011-2020, số lượng quy hoạch phải lập lên tới 19.285 quy hoạch.
Cảng biển tỉ đô bỏ không vì thiếu đường bộ
Không tính toán, cân đối nguồn lực, biết bao nhiêu dự án vẽ ra để rồi cất ngăn tủ. Chỉ tính riêng số dự án thuộc loại ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nằm trong các quy hoạch đã được phê duyệt giai đoạn 2011-2020, nhu cầu tổng vốn lên đến khoảng 390 tỉ USD, nhưng khả năng huy động trên thực tế lại rất mịt mùng.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết các nhà đầu tư đã chi khoảng 2 tỉ USD để đầu tư hàng chục cảng container nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải, tổng công suất thiết kế của các cảng ở đây lên tới gần 7 triệu TUEs/năm nhưng hiện chỉ mới khai thác chưa đầy 20% công suất, một số cảng container phải làm hàng rời. Nguyên nhân được xác định là do hệ thống cảng ở đây chưa có giao thông kết nối, thiếu tiền làm cầu, thiếu đường sắt nối Biên Hòa - Vũng Tàu.
Người ta còn tranh giành trục lợi bằng quy hoạch quản lý đến những con vật bé xíu. Trong cuộc đua tranh xuất khẩu thủy sản, để độc quyền nguyên liệu chủ động chiếm giữ độc quyền đầu ra, người ta đã đề ra cả kế hoạch nuôi cá rô phi.
Rất nhiều quy hoạch không phù hợp với thực tiễn, không gắn với nguồn lực thực hiện. Qua tổng hợp số liệu các dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nằm trong các quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2011-2020, nhu cầu vốn cho các dự án này vào khoảng 390 tỉ USD, song khả năng huy động thực tế chỉ đạt khoảng 50%.
Hiệp hội Thép cũng kêu gào đề xuất xây dựng quy hoạch ngành Thép, rượu bia có quy hoạch của Rượu bia. Hiệp hội mía đường cũng xây dựng quy hoạch phát triển ngành mía đường trong đó dự liệu những vùng dất lớn hàng chục ngàn ha để làm vùng nguyên liệu.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông nói “chúng ta đã rất sai lầm khi có quá nhiều quy hoạch, thậm chí có cả quy hoạch cá tra, cá rô phi… Chúng ta sống trong thời đại kinh tế thị trường, sản phẩm tăng trưởng hay phát triển thế nào là do thị trường quyết định.
Con cá tra chúng ta nuôi sản lượng thế nào đâu phải chỉ do thị trường trong nước, mà còn do thị trường quốc tế với nhiều yếu tố tác động. Đẻ ra quy hoạch ngành sản phẩm như vậy sẽ không quản lý được.
Thậm chí những quy hoạch này còn tạo rào cản cho sản xuất, kinh doanh khi tạo cớ xin - cho. Chính vì vậy, Luật Quy hoạch lần này Chính phủ thống nhất cao trong việc bỏ quy hoạch ngành sản phẩm”.
Lập quy hoạch chỉ để… trình diễn
Có rất nhiều quy hoạch được lập ra nhưng lại không thực hiện được mục tiêu quản lý, ví dụ như Quy hoạch phát triển ngành cà phê quy định đến năm 2015, diện tích cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên giảm xuống 470.000 ha. Nhưng sau 3 năm công bố quy hoạch, diện tích này không những giảm mà còn tăng.
Các quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Ví dụ, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 13 quy hoạch các loại do Thủ tướng phê duyệt và 53 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm do chính quyền địa phương phê duyệt.
Hoặc trong một lĩnh vực có nhiều cơ quan cùng lập những quy hoạch riêng rẽ nhau như ngành dược với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dược và Quy hoạch phát triển ngành dược liệu.
Long An vốn dĩ là tỉnh nông nghiệp gần TP HCM đã phát triển công nghiệp khá sớm với nhiều khu công nghiệp, khu dân cư Đức Hòa 1&2, Tân Đức..
Rất nhiều khu dân cư đã mọc lên trên vùng đất màu mỡ nhất như Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước… Thế nhưng tỉnh vẫn quy hoạch thêm 19 sân golf với diện tích hàng ngàn ha. Quy hoạch cảng biển ở Phước Vĩnh Đông hàng chục năm nay cũng tạo ra hệ quả vô số ha đất bỏ hoang.
Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận trong tờ trình dự án Luật quy hoạch là: “Quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch”.
TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, chuyên gia tư vấn về quy hoạch cho biết: “Tôi đi nhiều nơi thấy lập họ lập quy hoạch chỉ để là quy hoạch, là một sản phẩm trên giấy chứ không phải là quá trình, tức là không có tính thực thi. Có nơi lập quy hoạch chỉ để trình diễn khi lãnh đạo trung ương tới làm việc. Cũng còn may là đó chỉ là sản phẩm trên giấy chứ mang ra thực thi còn tệ nữa”.
Cần quy định rõ hơn việc phản biện xã hội
Theo dự thảo Luật Quy hoạch, thay vì lập quy hoạch tràn lan như hiện nay, thời gian tới chỉ còn 32 quy hoạch cấp quốc gia do các bộ lập, các quy hoạch vùng, 63 quy hoạch của 63 tỉnh và xuống phía dưới là các quy hoạch cụ thể cho đô thị, nông thôn.
Thêm một quy hoạch hoàn toàn mới là quy hoạch không gian biển do Thủ tướng lập để bảo tồn môi trường biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh quốc gia biển.
Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Nguyễn Lâm Thành mong muốn làm luật này để nâng cao giá trị pháp lý cho công tác quy hoạch, khắc phục sự tùy tiện trong quy hoạch: “Cần đề cập rõ trách nhiệm của Nhà nước trong quy hoạch, bởi nó là công cụ quản lý của Nhà nước.
Luật cần quy định rõ hơn việc phản biện xã hội đối với quy hoạch lớn cấp vùng, cấp quốc gia; phải lấy ý kiến người dân trong những quy hoạch có liên quan trực tiếp đến họ, quy hoạch cấp phường - xã; đồng thời quy định rõ vai trò của QH, Hội đồng nhân dân”.
Dự kiến Luật Quy hoạch sẽ thông qua vào năm 2017 và có hiệu lực vào năm 2018. Những người đề xuất, soạn thảo kỳ vọng Luật sẽ xóa được tình trạng loạn quy hoạch và sử dụng hiệu quả các tài nguyên vốn liếng cho công cuộc phát triển. Thế nhưng cũng có ý kiến e rằng kỳ vọng này khó nhanh thành sự thật.
Thực tế cho thấy, tại Long An, những đề án thông qua quy hoạch 19 sân golf mà bất kỳ người dân nào cũng đều thấy vô lý đều được HĐND tỉnh thông qua với đa số tán thành. Ở một địa phương miền Tây khác, 3 nhiệm kỳ lãnh đạo có 3 quy hoạch phát triển khác nhau, cũng đều được HĐND thông qua.
Đề án Formosa Vũng Áng Hà Tĩnh ngay từ đầu đã bị dư luận phản đối mạnh mẽ nhưng vẫn được đưa vào quy hoạch và cấp phép. Trong khi hậu quả Formosa chưa khắc phục, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm mới không tiếp nhận đầu tư bằng mọi giá, phải chọn lọc những dự án đầu tư thân thiện với môi trường, thì nay lại xuất hiện dự án thép nguy cơ đem đến nhiều hậu quả môi trường.
Nguồn gốc, động lực của sự rối loạn quy hoạch một phần là sự rối loạn quản lý do những người trục lợi gây ra. Nếu không có cơ chế quyền lực phù hợp, hiệu quả ngăn chặn, thì mọi luật lệ đều chỉ là hình thức, bình phong để những người trục lợi lộng hành.