Tuy nhiên, từ thời hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh (1638 - 1661), hoàng tộc bắt đầu loại trừ phụ nữ Hán tiến cung bằng cách chỉ giới hạn chọn phi tần cho vua trong các gia đình Bát kỳ, chủ yếu là người Mãn Châu và Mông Cổ.
Nhà Thanh là triều đại do dòng họ Ái Tân Giác La ở Mãn Châu thành lập. Bát kỳ là một chế độ tổ chức quân sự đặc trưng của người Mãn Châu, mỗi đơn vị được phân biệt bằng một lá cờ khác nhau, tổng cộng có tám lá cờ cơ bản. Bát kỳ ban đầu chỉ dùng cho người Mãn Châu, sau được phát triển thêm Mông Cổ Bát kỳ và Hán tộc Bát kỳ, vì vậy gọi chung Bát kỳ.
Ba năm một lần, Bộ Hộ phối hợp với Nội vụ phủ sẽ gửi thông báo tuyển tú nữ tới quan lại ở kinh thành và các gia đình Bát Kỳ trên khắp cả nước để nhờ người đứng đầu các thị tộc hỗ trợ. Quan chức sau đó gửi danh sách những thiếu nữ đủ tiêu chuẩn tới Bộ Hộ và Nội vụ phủ ở kinh thành.
Dưới thời nhà Thanh, các cô gái được lựa chọn sẽ được đưa đến Thần Vũ Môn vào ngày đã được chỉ định. Đi cùng họ là cha mẹ, những người họ hàng gần nhất và người đứng đầu thị tộc hoặc quan lại địa phương. Nền tảng xã hội không phải rào cản và nhiều hoàng đế chọn phi tần từ thường dân. Hoàng hậu là một ngoại lệ, bà luôn được chọn từ một gia đình quan chức phẩm vị cao.
Gần 100 ứng viên được chọn sẽ được các “ma ma” đào tạo. Cơ thể họ cũng được kiểm tra để đảm bảo không mắc bệnh ngoài da, mùi cơ thể và những vấn đề khác. Những người được lựa chọn cuối cùng sẽ được rèn luyện cách nói năng, cử chỉ, đi lại, hành vi được phép. Họ cũng được dạy đọc sách, viết chữ, cầm, kỳ, thi, họa.
Cuối cùng, những ứng viên nổi bật sẽ dành ra vài ngày để hầu hạ mẹ của hoàng đế, chăm sóc các nhu cầu hàng ngày của bà. Họ cũng phải trải qua các cuộc kiểm tra trong lúc ngủ để xem có thói quen xấu như ngáy, phát ra mùi, nói mê hoặc mộng du hay không.
Vào năm 1621, hoàng đế Thiên Khải nhà Minh phái thái giám đi khắp đất nước để chọn ra 5.000 cô gái từ 13 - 16 tuổi, từ đó ông sẽ chọn một người làm vợ. Ngày đầu tiên, các cô gái xếp thành hàng 100 người theo độ tuổi và 1.000 người bị loại vì quá cao, thấp, gầy hoặc béo.
Ngày thứ hai, thái giám kiểm tra cơ thể các cô gái, đánh giá giọng nói, cách cư xử của họ. Sau đó, thêm 2.000 người bị loại. Sang ngày thứ ba, thái giám quan sát bàn chân, tay và vẻ duyên dáng khi di chuyển, 1000 người nữa bị loại. Khi 1.000 thiếu nữ còn lại trải qua các cuộc kiểm tra phụ khoa, thêm 700 người không đủ tiêu chuẩn.
300 người sau đó được đưa vào cung, nơi họ tiếp tục các cuộc kiểm tra trong một tháng về trí thông minh, khí chất và đạo đức. 50 người được chọn cuối cùng sẽ được kiểm tra thêm về toán, văn chương, nghệ thuật và được phân cấp bậc. Ba người xuất sắc nhất được phong tước vị phi tần cao nhất.
Chỉ vài người trong số những người trải qua quy trình nghiêm ngặt này nhận được sự chú ý của hoàng đế và được sủng ái. Phần lớn sẽ sống cuộc đời cô độc trong cung cấm và không có gì ngạc nhiên khi sự ghen tuông, đố kỵ thường xuyên xảy ra. Sắc đẹp có vẻ là một lời nguyền hơn là điều may mắn trong giai đoạn lịch sử này ở Trung Quốc.
|
Cung tần thời nhà Thanh |
Phi tần bị cấm quan hệ tình dục với bất cứ ai khác ngoài vua. Phần lớn hoạt động của họ đều bị giám sát bởi thái giám, những người nắm giữ quyền lực lớn trong cung. Phi tần phải tắm gội kỹ càng và được thái y kiểm tra trước khi được hoàng đế thị tẩm (ngủ với vua).
Giữa hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người được chọn vào cung, người nào được vua sủng ái cũng phải chịu sự đố kỵ từ những người khác. Các phi tần có phòng riêng và sẽ lấp đầy những ngày tháng nhàn rỗi, tẻ nhạt của họ bằng cách trang điểm, may vá, đàn hát và gặp gỡ những phi tần khác. Nhiều người trong số họ sống cả đời trong cung mà không một lần được gặp mặt vua.
Trong hậu cung nhà Thanh, thứ bậc vẫn ổn định nhưng số lượng vợ và phi tần khác nhau dưới thời các hoàng đế khác nhau. Hoàng hậu (vợ cả của vua) và Thái hậu (mẹ của vua) có địa vị tương đương nhau. Dưới hoàng hậu là một hoàng quý phi, hai quý phi, bốn phi và sáu tần.
Chế độ đa thê là thông lệ phổ biến ở Trung Quốc thời phong kiến, dù thực tế chỉ những đàn ông giàu có thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu mới có thể lấy thêm vợ. Đa thê như một sự khẳng định về quyền thế của người đàn ông, trọng tâm là việc sinh con nối dõi và kế thừa gia tộc.
Nho giáo nhấn mạnh khả năng "tề gia trị quốc" của đàn ông. Trong trường hợp của vua, việc sinh con để đảm bảo người kế vị ngai vàng là điều tối quan trọng.
Để duy trì chế độ đa thê, vợ cả, người có uy quyền vượt trội hơn những người vợ khác, chịu trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc và khuyên bảo những người vợ khác chung sống hòa thuận với nhau.
Phụ nữ phải vượt lên những cảm xúc thông thường, không được ghen tuông, đố kỵ hay ganh đua. Người chồng phải dành tình cảm đồng đều cho các bà vợ, không được đặc biệt ưu ái ai hay để người phụ nữ nào độc chiếm.
Thời phong kiến, người ta tin rằng đời sống tình dục của vua là điều cần thiết để duy trì sự thịnh vượng của triều đại. Từ thế kỷ thứ mười, lịch của Trung Quốc không phải dùng để theo dõi thời gian mà để kiểm soát chuyện chăn gối của vua. Vòng luân chuyển các phi tần được thị tẩm được kiểm soát chặt chẽ và được ghi chép cẩn thận.
Ở Trung Quốc và một số nước châu Á, tuổi được xác định từ thời điểm thụ thai, không phải thời điểm sinh ra. Hoàng tộc Trung Quốc tin rằng phụ nữ có khả năng thụ thai nhiều nhất vào thời điểm trăng tròn.
Hoàng hậu và các phi tần phẩm vị cao sẽ được thị tẩm vào thời điểm trăng tròn để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, có phẩm hạnh. Các phi tần cấp thấp hầu hạ vua vào những ngày trăng non để nuôi dưỡng dương khí cho vua.
Trong số các phi tần thời nhà Thanh, Trân Phi là một người nổi tiếng. Bà vào cung năm 1899 dưới thời hoàng đế Quang Tự khi mới 13 tuổi. Bà được phong làm hoàng quý phi, chỉ đứng sau hoàng hậu Long Dụ, cháu của Từ Hy Thái hậu.
Trân Phi là một phụ nữ xinh đẹp và thông minh. Là phi tần được hoàng đế Quang Tự rất yêu thích, Trân Phi rất có ảnh hưởng trong triều đình. Bà ghét các quy tắc, có xu hướng nổi loạn nên khiến Từ Hy tức giận, luôn tìm cách trừng phạt.
Ngày 20/6/1900, liên minh tám nước bao vây Bắc Kinh, Từ Hy buộc Quang Tự phải cùng bà tạm lánh đến Tây An. Trước khi rời đi, Từ Hy ra lệnh cho Trân Phi phải tự sát với lý do tuổi trẻ và nhan sắc của bà sẽ gây nguy hiểm cho hoàng tộc và cũng sẽ làm ô uế nếu bà bị lính nước ngoài cưỡng hiếp.
Trân phi không chấp thuận, yêu cầu được gặp hoàng thượng để nói chuyện. Người ta tin rằng Từ Hy đã đáp lại yêu cầu này bằng cách ra lệnh cho các thái giám ném Trân phi xuống một cái giếng phía sau cung Ninh Hạ.
Với số lượng lớn phi tần trong hậu cung, sự cạnh tranh để giành ưu ái từ hoàng đế là điều không thể tránh khỏi. Vị trí được thèm muốn nhất là hoàng hậu, việc mang thai một đứa con trai cho hoàng đế cũng là điểm lợi lớn trong hậu cung.
Những người đầy tham vọng sẽ lên kế hoạch chống lại các đối thủ của mình bằng cách hình thành liên minh với thái giám. Nếu mưu đồ thành công, người phụ nữ này có thể lên được vị trí cao hơn. Đổi lại, họ sẽ thưởng cho thái giám hỗ trợ mình tiền bạc và địa vị quyền lực.
Tuy nhiên, không phải tất cả hậu cung đều đầy rẫy âm mưu. Truyền thuyết về hoàng đế Hiên Viên kể rằng ông có bốn phi tần, không chọn lựa theo bề ngoài mà dựa trên năng lực của họ. Một người được coi là người phát minh ra nghệ thuật nấu ăn và đũa, trong khi một phi tần khác được cho là đã phát minh ra lược. Họ đã cùng nhau giúp hoàng đế cai trị đất nước.
Nhiều thê thiếp có số phận bi thảm khi hoàng đế qua đời. Họ bị hiến tế, thường là chôn sống, để đoàn tụ với chủ nhân của mình ở thế giới bên kia.