Bà Chúa Mẫu là ai?
Tìm đến ngôi miếu nhỏ uy nghi, nằm giữa cánh đồng thôn Đại Đồng, chúng tôi được các cụ cao niên kể lại về giai thoại của vị nữ Thần linh thiêng được thờ tại đây với nhiều câu chuyện huyền bí.
Bà Chúa Mẫu tên thật là Nguyễn Thị Bảo, sinh ra ở ấp Lại Ỷ Trang, nay là thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa. Xuân thì bà rất đẹp, nét mặt tươi như hoa, vẻ đẹp như tiên giáng thế. Bà làm bạn đời với ông Trần Đạo Huấn, là con cụ Trần Tướng Công xã Vạn Hải, huyện Phú Ninh.
Sau 3 năm hương lửa, ông bà sinh được người con trai đầu đặt tên là Trần Đạo Trí. Cách 3 năm sau sinh thêm người con gái đặt tên là Trần Thị Nhuận. Trần Đạo Trí khi lên 5 tuổi đã đọc sách, xem chữ không đợi thầy bảo, đam mê đàn sáo, tinh thông âm luật. Năm 12 tuổi, Trần Đạo Trí đỗ Trạng nguyên, Vua Anh Tông gọi gả công chúa cho, song Đạo Trí từ chối.
Sau này, Trạng nguyên về núi Yên Tử (thuộc Chí Linh, Hải Dương ngày nay) cùng với ông Pháp Loa là Đệ nhị Tổ sư nước Nam lúc bấy giờ tuyên diễn kinh kệ. Ông mất ngày 12 tháng 2 âm lịch. Đến đời Vua Hưng Long năm thứ 3 (1295) đã gia phong cho ông là Trúc Lâm Huyền Quang Tổ.
Người con gái Trần Thị Nhuận lúc nhỏ lấy tên hiệu là Kim Hoa. Lúc Kim Hoa 16 tuổi tóc dài, nhan sắc dịu dàng, cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Bảo bán hàng nước trước cửa chùa Tiểu Long. Ngày ngày mẹ con bà hiến quả cúng Phật ở chùa để tu nhân tích đức.
Khi vị sư trụ trì chùa Tiểu Long sắp viên tịch có gọi mẹ con bà vào và nói rằng: “Mẹ con bà thành tâm nơi cửa Phật, bần tăng không có gì báo đáp, nay tặng cho bà quả gỗ, sau này sẽ có duyên phận giúp ích quốc gia”. Sau khi trao quả gỗ vị sư nói nhỏ: “Khi nào có mộng vua mời thì mang quả gỗ đó để cứu hoàng tử “.
Năm Kỷ Mão 1279, con Vua Trần Nhân Tông tên là Thuyên lên 2 tuổi mắc bệnh khóc dạ đề không ai dỗ được, các thầy thuốc ở Thái y viện đều bó tay. Vua cho sứ giả đi tìm danh y về triều chữa bệnh cho Hoàng tử. Nhận được chiếu Vua ban, mẹ con bà vội mang quả báu theo sứ giả về Thăng Long vào cung thăm bệnh cho Hoàng tử.
Trông thấy Hoàng tử gầy còm, hình hài tiều tụy gào khóc, bà liền đưa quả gỗ ra, Hoàng tử cầm quả gỗ nín khóc và giơ tay theo bà. Thấy lạ, Hoàng hậu tâu lên Vua, Vua mời bà ở lại trong cung làm mẹ nuôi Hoàng tử. Niên hiệu Trùng Hưng thứ 3 (1287), Hoàng tử Thuyên được lập làm Thái tử.
|
Tượng bà Chúa Mẫu |
Năm Quý Tỵ 1293, Vua truyền ngôi cho Thái tử Thuyên, tức Vua Trần Anh Tông, lấy niên hiệu là Hưng Long. Năm Hưng Long thứ 3 (1295), mẹ nuôi đã già yếu và muốn xin nhà vua cho về quê hương ở làng Lại Ỷ.
Vua Anh Tông phong tôn hiệu Trần Triều Hoàng Thái Hậu, bà Trần Thị Nhuận làm Thái phi, được phong tôn hiệu Bảo Từ Vương Công Chúa; phê chuẩn 1287 mẫu lộc điền thuộc xã Kim Kê, huyện Chân Định, sống để lập ấp, chết làm hương hỏa không cùng, cho dân dọn đường, rước thầy địa lý xây cung phủ để mẹ nuôi ở và một số cung nữ hầu hạ.
Năm Kim Long thứ 15 (1308), mẹ nuôi qua đời, Vua Anh Tông ngự giá về làng Lại Ỷ lo việc tang. Dâng tôn hiệu Hoàng Thái Hậu, xây lăng mộ phía sau cung phủ, cho sửa sang cung phủ thành Miếu thờ Hoàng Thái Hậu. Trải qua trên 700 năm, lăng mộ và miếu thờ Hoàng Thái Hậu vẫn nguyên vị trí cũ, song kiến trúc đã thay đổi nhiều lần.
Miếu thiêng “bất khả xâm phạm”
Để rõ hơn về vẻ kỳ bí và những câu chuyện xung quanh miếu bà Chúa Mẫu của làng, chúng tôi tìm đến những vị cao niên trong thôn. Bà Vũ Thị Thìn là người hương khói tại miếu lâu năm cho biết: “Trước đây, có hai người đi bắt rắn tại khu vực đồng làng nơi có mộ của Bà. Không may phạm phải đất mộ, thế là về tự nhiên họ bị “hành” cho chóng mặt, nhức đầu, nằm mơ thấy ma quỷ. Họ phải mua lễ vật, tiền vàng đến kêu cầu 3 ngày, 3 đêm tại miếu mới hết”.
Trước đây nhiều người đã từng nhìn thấy có một con rắn hổ rất lớn, thường bò quanh ngôi miếu, cây ổi nhưng lạ hơn, đó là dù thấy người, nó vẫn không tỏ ra sợ hãi, mà bò một cách chậm rãi. Người dân trong làng cho rằng, đó là vị rắn thần trông giữ ngôi miếu. Bất cứ ai trong thôn không dám xâm phạm đến miếu hoặc hái ổi để ăn vì sợ bị “quở phạt”.
Dân làng cũng truyền nhau nhiều câu chuyện từ xa xưa các cụ kể lại từ khi lập miếu thờ và khu lăng mộ của Thánh Bà tại đây. Đặc biệt, ai cũng nhớ chuyện về bốn cô gái hầu cận nguyện quyên sinh được chôn sống theo Bà lúc về trời.
|
Nhiều câu chuyện huyền bí khiến ngôi miếu càng thêm linh thiêng, bất khả xâm phạm. |
Hiện nay, bốn phía mộ Thánh Bà đều có bốn ngôi mộ nhỏ tương truyền chính là bốn cô gái vô cùng xinh đẹp, được ngậm sâm, chôn bằng hũ đồng cùng nhiều vàng bạc khác để cận kề Thánh Bà lúc còn sống đến khi thác đi. Trong hậu cung miếu thờ vẫn còn tượng thờ hai thị nữ, còn 2 pho tượng khác đã bị kẻ gian đánh cắp nhiều năm trước.
Theo các cụ cho biết, do có linh hồn bốn cô gái hầu cận quyên sinh nên nơi đây cực kỳ linh thiêng. Từ xưa đến nay chưa ai dám đào bới hay xâm phạm đến mộ đức Thánh Bà. Những câu chuyện truyền tai rùng rợn đó còn chưa rõ thực hư. Tuy vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng khu mộ cổ của làng Đại Đồng mang giá trị lịch sử, văn hóa lớn.
Cũng là chốn tâm linh đặc biệt trong tâm thức người dân Đại Đồng và nhiều địa phương khác đến chiêm bái, kính ngưỡng, cầu xin bình an, hạnh phúc.
Hiện nay, miếu thờ vẫn giữ được nhiều sắc phong và cổ vật của các đời vua, phong thần, ban bế nhân dân thờ phụng. Trải qua hàng trăm năm, khu mộ và miếu thờ vẫn giữ nét uy nghi, phong quang, là chốn đi về của nhiều người dân trong làng.
Nhân dân thôn Đại Đồng vẫn giữ nếp cũ, hàng năm tổ chức lễ hội trang nghiêm tưởng nhớ ơn đức Thánh Bà đã khai phong mảnh đất, giúp dân làm ăn, phù trợ bách gia trăm họ được ấm no, hạnh phúc. Nhiều đoàn khách từ Hà Nội, Hà Nam nghe tiếng linh thiêng ngôi miếu cũng về chiêm bái, cầu xin sức khỏe, công danh cho gia đình.
Tại miếu vẫn giữ hai câu đối cổ ca ngợi ơn đức của Thánh Bà:
‘‘Công tại hoàng gia, tên ở sử/ Tôn làm Mẫu hậu, hưởng làm thần’’.
Theo ông Hoàng Văn Hải - Trưởng thôn Đại Đồng chia sẻ: “Khu di tích lịch sử văn hóa Bà Chúa Mẫu thôn Đại Đồng còn là nơi cơ sở hoạt động cách mạng, nơi thành lập chi hội thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên của xã Tân Hòa.
Từ đây khu lăng miếu trở thành cơ sở hoạt động cách mạng trong suốt thời kỳ bí mật 1930 - 1945. Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945, các đoàn cán bộ của tỉnh, của huyện về thăm và chỉ đạo phong trào. Đồng thời đây cũng là nơi kết nạp những thế hệ đảng viên kế tiếp sau này. Chính vì vậy, nơi đây là nơi linh thiêng và ý nghĩa trong tâm thức người dân chúng tôi từ xưa đến nay”.
Một trong những “giai kiệu” trẻ của làng, anh Vũ Hồng Đam cho biết: “Dù là một người trẻ, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng cùng các cụ trong làng giữ gìn cho ngôi miếu trang nghiêm, linh thiêng. Người làng chúng tôi đều cẩn mật bảo vệ ngôi miếu linh thiêng để giữ gìn những dấu tích tiền nhân để lại”.
Hơn 700 năm lịch sử, khi tìm về lại nơi đây như vọng về những câu chuyện của tiền nhân để lại. Ngôi miếu nhỏ nhưng uy nghi, nghi ngút khói hương mỗi dịp lễ hội. Dù những câu chuyện kỳ bí về ngôi mộ và sự “hiển linh” của đức Thánh là câu chuyện dân gian nhưng càng tôm đậm thêm nét huyền bí cho khu di tích này.