Một đứa trẻ

(PLVN) - Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác nóng bỏng tay khi bế trên tay hình hài bé nhỏ ấy, cứ tựa như một cảm giác vô cùng hạnh phúc nhưng cũng chớm đầy những âu lo.
Ảnh minh họa

Lo về một tương lai mới với những kí ức có phần hơi vụn vỡ, lo vì lần đầu làm mẹ sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ và cũng lo vì mình có con khi còn trẻ, sợ không thể hi sinh như những gì mẹ đã từng dành cho tôi. Mẹ tôi hay bảo: “Ai cũng lần đầu làm mẹ mà, không biết thì phải tập. Mà đôi khi tự lúc đó con sẽ tự có những yêu thương, tự phát sinh những hành động thành hình nhờ tình mẫu tử”.

Ngày đó tôi vẫn chưa hiểu ý mẹ lắm, nhưng lâu dần giữa tôi và con bắt đầu có một sợi dây vô hình gắn kết lại. Sợi dây đó nhìn thưa mỏng và long lanh nhưng lại vô cùng bền chặt. Vì hoàn cảnh gia đình, tôi sinh trưởng trong một gia đình không hạnh phúc nên đôi khi tôi thường bị ám ảnh bởi những lối sống tiêu cực. Thậm chí, hôn nhân của tôi cũng tan vỡ khi đứa trẻ vừa chập chững bước đi nên khi nhìn thấy nó tôi vừa thương mà vừa có cảm giác khó tả đau nhói bờ tim khi đứa trẻ càng ngày càng giống bố. Chiếc nhẫn trên tay đã tháo ra tự lúc nào nhưng chứng nhân của tình yêu vẫn đang ngày càng lớn lên và trưởng thành bên cạnh tôi. Đôi khi, dẫu chỉ đôi khi thôi tôi ghét bỏ nó thì dường như nó vẫn biết, những lúc ấy không hiểu sao nó thường tỏ ra ngoan ngoãn và hi sinh hơn. Nhiều lúc, những câu nói ngây thơ của nó như những tiếng trống đánh dội vào lồng ngực tôi từng trảng thật to khiến cho tôi tự cảnh tỉnh mình.

Tôi sinh nó vào ngày trung thu và cứ đến ngày đó mỗi năm tôi lại lấy trung thu làm sinh nhật nó dù thường là người ta lấy ngày dương. Vì với tôi, nó là tất cả những điều đẹp đẽ nhất còn để lại cho tôi, là một ánh trăng tinh khiết nhất mà người ta thường ngưỡng vọng khi nhìn vào. Vì thế, tôi đặt tên cho nó là Nguyệt. Tôi kì vọng vào nó rất nhiều và dường như nó biết, khi nó càng ngày càng trưởng thành theo những tháng năm, nó già sạn dần hơn với cuộc đời. Chúng tôi ở trong một căn nhà trọ và vì suốt ngày phải đi làm nên hầu như khi thì gửi nó nhà trẻ, lớn hơn chốc thì cho nó đi học và đến cuối giờ khi tôi tan ca chiều mới đón nó về nhà. Vì điều kiện kinh tế nên hầu như trung thu mỗi năm, bánh trung thu mà công ty phát cũng là bánh sinh nhật tôi tặng nó nhưng lúc nào nó cũng háo hức. Khi nó lớn lên chút, tôi hỏi nó:

- Con có buồn không khi không được ăn bánh kem như các bạn?

- Sao con lại buồn, vì mấy ai được ăn bánh trung thu vào ngày sinh nhật.

Có thể nói nó luôn hướng tôi đến một lối sống tích cực hơn. Ở cùng một vấn đề, đôi khi người bi quan sẽ chỉ nhìn ra tiêu cực, nhưng nếu họ có cái nhìn thoáng hơn có lẽ cuộc sống sẽ dễ thở hơn rất nhiều.

Trung thu của những năm nó lên bảy, nó là một đứa trẻ rất thích vẽ. Hộp màu tô khi ấy là những cây bút chỉ còn gãy nửa nên tôi muốn mua một hộp màu mới để tặng nó nhân sinh nhật. Chiều đó tan ca sớm, tôi dẫn nó đi siêu thị. Trong khi nó cũng đang vô cùng háo hức với đủ thứ đồ chơi đủ sắc màu và có cả những tập vẽ và những hộp màu nước, tôi nhẹ nhàng:

- Mẹ sẽ tặng con một hộp màu vẽ mới làm quà sinh nhật.

Thì đột nhiên nó khựng lại, nó dẫn tôi đi nhanh ra khỏi cửa hàng đồ chơi, dẫn tôi đi sâu hơn vào siêu thị và dừng lại trước một cửa hàng quần áo phụ nữ.

- Con muốn quà sinh nhật năm nay của mình là quần áo cho mẹ, đồ mẹ cũ cả rồi.

Đột nhiên tôi thấy rơi lệ trước lời của một đứa trẻ, rồi nó cứ như một bà cụ non vào săm soi từng cái váy cái áo và đưa tay lên chống cằm:

- Mẹ xem, mẹ ốm quá đó, mẹ cần phải ăn nhiều lên để mặc vừa đồ đẹp.

Trung thu năm nó tốt nghiệp cấp hai, khi chúng tôi bắt đầu chuẩn bị chọn trường mới để học và cũng là lúc tôi dẫn nó đi giải tỏa sau những kì thi căng thẳng. Khi nhìn một mô hình đồ chơi nhà cửa, có nhà có vườn, tôi cười với nó:

- Con phải ráng học thật tốt để sau này nuôi dưỡng ước mơ xây được nhà to, có cuộc sống no đủ.

Nó nghiêm túc nhìn tôi:

- Còn với con, ước mơ lớn nhất của con là mẹ có thật nhiều sức khỏe.

Tự bấy, tôi chợt trở thấy ước mơ của mình sao thật nhỏ bé, tầm thường.

Qua thời gian, nó lớn dần, những lời nói trẻ thơ thay bằng sự chín chắn trước tuổi của người trưởng thành. Đôi khi nhớ lại, tôi vẫn kể cho nó nghe về những lời nói ngây thơ của nó trong quá khứ, đã là động lực cho tôi suốt những năm tháng dài như thế nào. Những khi ấy, cô bé của tôi chỉ cười xòa: “Sao con nói chuyện nghe già vậy?” rồi cười thật tươi. Sự yêu thương và an ủi tôi suốt những tháng năm ngày ấy, đều là từ nó mà ra, ánh trăng lớn đã soi sáng đời tôi, chào đời vào một mùa trăng rất tròn năm ấy…