Nam Định: Một người bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, tại tỉnh Nam Định đã có 1 người bị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, với hình thức xử lý là khiển trách.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 6 tháng đầu năm 2021 vừa được UBND tỉnh Nam Định gửi Thanh tra Chính phủ.

Theo báo cáo, liên quan đến việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã thực hiện công khai tài chính ngân sách theo quy định.

Các quyết định liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ, công chức như kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, Quyết định nâng lương trước hạn, quyết định liên quan đến quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức đều được công khai tại các đơn vị.

Tỉnh đã tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong đấu thầu, đảm bảo tính cạnh tranh, bình đẳng giữa các đơn vị tham gia dự thầu.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định các dự án đầu tư, dự toán công trình xây dựng để tránh lãnh phí, thất thoát vốn ngân sách nhà nước ngay từ công tác thẩm định; thực hiện tốt công tác thẩm tra quyết toán dự án, công trình hoàn thành, nhất là công tác nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng để hạn chế thất thoát, lãng phí.

Về chuyển đổi vị trí công tác, tỉnh đã rã rà soát các trường hợp định kỳ phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định và xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của đơn vị mình; số cán bộ công chức viên chức được chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng trong kỳ báo cáo là 58 người.

Về kiểm soát tài sản thu nhập, Nam Định là một trong 13 tỉnh thành trên cả nước hoàn thành việc nộp bản kê khai tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kiểm soát của Thanh tra Chính phủ đúng thời hạn quy định.

Số người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ là 8.239 người, số người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập là 516 người. Không có trường hợp nào bị phản ánh về việc kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không trung thực.

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, theo báo cáo, tổng số vụ việc tham nhũng được phát hiện trong kỳ báo cáo là 13 vụ việc với 60 đối tượng.

Trong đó, không phát hiện trường hợp nào qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; qua hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Có 2 vụ việc được phát hiện qua xem xét phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng và qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; 11 vụ việc tham nhũng được phát hiện qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Về kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý, báo cáo cho hay, toàn tỉnh đã xem xét, xử lý 13 vụ án tham nhũng, trong đó có 4 vụ án đang trong giai đoạn điều tra; 1 vụ chuyển Tòa án chờ xét xử; 8 vụ án đã được Tòa án nhân dân các cấp xét xử theo thẩm quyền.

Về kết quả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, theo báo cáo, trong kỳ báo cáo, đã có 1 người bị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, với hình thức xử lý là khiển trách.

Đánh giá về tình hình tham nhũng 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh Nam Định cho biết, so với cùng kỳ năm 2020, số vụ việc tham nhũng bị phát hiện bị khởi tố hình sự tăng 2 vụ; đối tượng tham nhũng đa phần bị khởi tố về tội lạm quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ việc chủ yếu xảy ra ở cấp xã.

Tham nhũng đã và đang từng bước được kiềm chế, nhưng vẫn có thể xảy ra trong những điều kiện, thời điểm cụ thể, song không phải là những vụ việc tham nhũng lớn, phức tạp.

Trong thời gian tới, khả năng số vụ việc và số đối tượng tham nhũng sẽ không tăng nhiều. Những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhất vẫn là lĩnh vực đất đai, tài chính ngân sách, xây dựng.

Cán bộ, công chức, viên chức do không nhận thức được trách nhiệm, quyền hạn của mình hoặc có nhận thức được nhưng do lòng tham mà cố tình vi phạm, lạm quyền trong khi thi hành công vụ để trục lợi cho bản thân. Nhóm hành vi dễ xảy ra tiêu cực gồm: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thẩm định dự toán, quyết toán, phân bổ ngân sách; luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; thẩm định dự án đầu tư; đấu thầu...

Thời gian tới, tỉnh Nam Định cho biết sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định 59/2019/NĐ-CP, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Trung ương liên quan đến công tác PCTN tới cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN.

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Nâng cao chất lượng công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chấn chỉnh và giám sát chặt chẽ việc xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Giám sát chặt chẽ việc thực hiện Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; nhất là quy định về kiểm soát xung đột lợi ích. Đôn đốc các đơn vị thực hiện Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác năm 2021 nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2021. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực thi nhiệm vụ, công vụ, chú trọng công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN.

Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tố cáo, phản ánh tham nhũng; thực hiện nghiêm túc quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý theo kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực thi hành.

Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; đồng thời chú trọng phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng mới. Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc thi hành các bản án về tham nhũng đã có hiệu lực thi hành; kiên quyết xử lý thu hồi tiền, tài sản, đất đai bị tham nhũng.

Tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể; nhất là trong việc tiếp nhận thông tin về phát hiện, xử lý tham nhũng, vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng.

Đọc thêm