Nạn nhân bạo lực giới “chới với” trước khoảng trống pháp lý?

(PLO) - Bạo lực giới bao gồm các hình thức bạo lực như bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ mại dâm, vấn đề quấy rối và xâm hại tình dục với trẻ em gái…, ở Việt Nam vẫn đang “chới với” trước khoảng trống pháp lý?. Làm thế nào để kẻ phạm tội bị trừng trị?...
Bạo lực giới là việc tự giải quyết?
Tìm hiểu vấn đề này, PV được Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cung cấp thông tin về việc một bé gái 11 tuổi (Ba Vì, Hà Nội) bị xâm hại tình dục. 
Theo lời kể của người mẹ, vừa về đến nhà, cô con gái 11 tuổi đang khóc, chạy ra mách bị chú hàng xóm “làm chuyện người lớn” với mình. Nghe con kể xong chị rất hoang mang, không biết phải làm gì, phải nói với ai vì sợ mọi người hành xử không như mong muốn ảnh hưởng đến tâm lý của con mình.
“ Đêm hôm đó, hai mẹ con ôm nhau sợ hãi và hoảng loạn. Suốt 3 tháng sau đó, bé vẫn luôn ở trong tâm trạng sợ hãi, hoảng loạn. Để con được cân bằng tâm lý, gia đình tôi đã cho cháu đi chơi ở vài nơi cho quên đi sự việc đau lòng trên…”, người mẹ ngậm ngùi.
Được biết sau khi sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân làm đơn gửi ra cơ quan chức năng nhưng nhận được lời khuyên hai gia đình nên tự giải quyết với nhau? Chứng kiến sự thờ ơ của chính quyền, ông bực bội: “Không những không ăn năn hối hận, thủ phạm còn đi rêu rao với nhiều người ở địa phương là nhà tôi bán con cho nó giá 30 triệu đồng và nó đã quan hệ với cả vợ, con gái tôi. Vợ chồng tôi chỉ mong mỏi duy nhất một điều rằng kẻ phạm tội phải bị xử lý trước pháp luật để không còn những gia đình lâm vào tình cảnh như chúng tôi”. 
 
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Ths. Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng - Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đưa ra một dẫn chứng: Nạn nhân Nguyễn Thị Hoan ở Ứng Hòa (Hà Nội) bị chồng đánh đập đến chảy máu mũi, tìm đến Chủ tịch xã nhưng chỉ được lời “an ủi”. Ngày hôm sau, chị gọi điện báo công an xã thì nhận lời khuyên: Đây là việc gia đình. Khi quay trở về, chị đã bị chồng đánh một trận nặng hơn vì tội đi bêu xấu chồng. Rốt cuộc nửa đêm, chị phải bỏ chạy khỏi nhà để tìm đến Ngôi nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và phát triển. 
Khoảng trống hình thành từ nhận thức
Số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình và phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 cho thấy sự phổ biến của bạo lực giới tại Việt Nam là rất cao, trong đó 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình. Trung bình mỗi năm xảy ra 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em, 8.000 vụ ly hôn và 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng mà nguyên nhân là do bạo lực giới. 
Thế nhưng, một con số đáng buồn là có tới 87% người bị bạo lực giới đã không tìm đến sự giúp đỡ từ các dịch vụ công cộng; 54% người bị bạo lực giới nghĩ rằng các biện pháp xử lý của công an chưa nghiêm, chỉ có 8% người bị bạo lực giới đã được cán bộ tư pháp/trợ giúp pháp lý trợ giúp, 66% người bị bạo lực giới không hài lòng với việc hòa giải tại cộng đồng…. Những lý do khiến người bị bạo lực giới không sử dụng các dịch vụ công ngoài việc thiếu hiểu biết về các dịch vụ công, thì còn do họ không tin tưởng vào chất lượng của các dịch vụ vì thái độ và cách xử lý của các cơ quan chức năng. 
Theo TS. Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện nay các Bộ, ngành vào cuộc trong phòng chống bạo lực gia đình không nhiều, họ chưa cảm thấy đây là vấn đề vô cùng bức xúc cần phải giải quyết cấp thiết. Khi khảo sát thì rất nhiều các vị Chủ tịch UBND xã không biết gì về các văn bản luật phòng chống bạo lực gia đình. 
“Phải chăng đây chính là lý do mà khi nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng tìm đến UBND xã hoặc công an ở một số địa phương đã không được xử lý kịp thời dẫn tới khi trở về còn bị bạo lực dã man và hậu quả lớn hơn?”- TS Nguyễn Văn Tiên đặt câu hỏi. 
Ông Nguyễn Bá San – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bắc Ninh khung hình phạt cho tội danh này và việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, khiến gia đình bị hại cho rằng chưa thích đáng, chưa đủ tính giáo dục. Mặt khác, theo ông San việc thiếu quy định kỷ luật những người tiếp nhận xử lý thông tin làm lộ bí mật, danh tính, thông tin vụ việc đã khiến nhiều gia đình e ngại việc tố cáo do lo ngại phải chịu áp lực từ xã hội cũng như ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và sự trưởng thành của người bị xâm hại.
Theo  ông Trần Nguyên Tú - Phòng Quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2014, các trung tâm trong cả nước đã thực hiện được 85 vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình; 54 vụ việc đối với phụ nữ, trẻ em bị xâm hại tình dục… Tuy nhiên, hiện nay không phải tất cả nạn nhân bạo lực giới đều được trợ giúp pháp lý. Điều này có thể thấy qua các rào cản trong hoạt động trợ giúp pháp lý như chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục riêng đối với phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới; nhiều nạn nhân còn chưa biết đến hoặc e ngại khi tiếp cận trợ giúp pháp lý; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực giới nhất là giữa các tổ chức thực hiện còn chưa hiệu quả…