Ngành Hậu cần toàn quân nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội

(PLVN) - Bảo đảm khẩu phần ăn, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí quyết định đến sức chiến đấu, nhất là với các lực lượng hoạt động trên biển xa, dài ngày, trong điều kiện khó khăn, phức tạp. Năm 2019, ngành Hậu cần Quân đội đã thực hiện đột phá nghiên cứu các sản phẩm quân nhu đáp ứng yêu cầu huấn luyện, chiến đấu của quân đội trong tình hình mới, được trên ghi nhận, đánh giá cao… 
Các anh nuôi chuẩn bị bữa ăn sáng trên tàu ngầm HQ186-Đà Nẵng. (Hình: Văn Tý)
Các anh nuôi chuẩn bị bữa ăn sáng trên tàu ngầm HQ186-Đà Nẵng. (Hình: Văn Tý)

Ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng

Mới đây, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần đã tổ chức Hội nghị ngành Quân nhu toàn quân năm 2019. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hải, Cục trưởng Cục Quân nhu cho biết, năm 2019, ngành Quân nhu các đơn vị luôn chủ động nắm chắc tình hình biến động của thị trường, tham mưu với chủ nhiệm hậu cần, cấp ủy, người chỉ huy, chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm, công tác quân lương, quân trang; duy trì nền nếp các chế độ; thực hiện quản lý chặt chẽ tiền ăn, phát huy hiệu quả các trạm chế biến tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều đơn vị giữ vững và cải thiện, nâng cao chương trình ngành Hậu cần Quân đội nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội.

Trước việc dịch tả lợn châu Phi lan rộng trong cả nước, các đơn vị có nhiều cố gắng trong phòng chống, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh cũng như do thiên tai; chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy tăng gia sản xuất (TGSX) gắn với bếp ăn theo mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), kết hợp với tổ chức TGSX tập trung, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần giảm công sức bộ đội. Công tác quản lý vốn, sản phẩm tăng gia đã đi vào nền nếp. 

Các đơn vị bảo đảm đúng, đủ tiêu chuẩn, định lượng ăn cho các đối tượng theo quy định, nâng cao kỹ thuật chế biến món ăn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ đạo duy trì cơ cấu bữa ăn phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị.

Các bếp ăn “Xã hội hóa” được duy trì nền nếp, hiệu quả. Các đơn vị tổ chức nấu mẫu, nấu đối chứng, thực hiện tiêu chuẩn tiền ăn mới theo đúng quy định. Hoạt động điều tiết sản phẩm tăng gia sản xuất, chế biến giữa các cơ quan, đơn vị khoa học, hợp lý. 

Đặc biệt, trong năm 2019, ngành Quân nhu đã thực hiện đột phá nghiên cứu các sản phẩm quân nhu đáp ứng yêu cầu huấn luyện, chiến đấu của quân đội trong tình hình mới, được trên ghi nhận, đánh giá cao… 

Đột phá nghiên cứu các sản phẩm quân nhu

Quân chủng Hải quân là một trong nhiều đơn vị quyết liệt trong “Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội tàu, Không quân Hải quân”, bảo đảm bộ đội ăn đủ dinh dưỡng nhưng ít món, có khẩu phần chế biến sẵn cho các lực lượng đặc thù như tàu mặt nước, tàu ngầm, Không quân, Đặc công Hải quân.

Bảo đảm ăn uống đủ chất, hiệu quả cho các lực lượng như tàu ngầm, Không quân Hải quân luôn là bài toán khó với ngành Quân nhu Hải quân trong những năm qua. Các lực lượng này có chế độ ăn tương đối cao. Tháng cao điểm thực hiện nhiệm vụ trên biển, thủy thủ tàu ngầm có tiền ăn xấp xỉ 300.000 đồng/người/ngày, Không quân Hải quân gần 200.000/người/ngày.

Do đó, để bảo đảm dinh dưỡng và chế biến làm sao để bộ đội ăn hết tiêu chuẩn khi làm nhiệm vụ trên biển là công việc không hề dễ dàng, nhất là trong điều kiện thời tiết trên biển luôn phức tạp, không gian trên tàu, nhất là tàu ngầm thì chật hẹp, nhiên liệu (điện) dùng để đun nấu hạn chế. 

Vì vậy, ngành Quân nhu Hải quân đã phối hợp với Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, Viện Công nghệ mới, Viện Khoa học quân sự, công nghệ, Bộ Quốc phòng trực tiếp đi khảo sát, thực nghiệm ở Lữ đoàn 189, 954… để xây dựng Bộ thực đơn ăn uống khoa học cho các lực lượng này theo hướng giảm lương thực (giảm gạo), đồ ăn cứng (xương), sử dụng tổng hợp ít món, tiện cho công tác chế biến, sử dụng khẩu phần chế biến sẵn như thịt rim, cá kho, rau khô, bánh mỳ, thức ăn dạng ống tuýp.

Nếu như trước đây, việc nấu nướng trên tàu rất mất thời gian thì sau khi thực hiện bảo đảm bữa ăn trên tàu ngầm khi đi biển theo Bộ thực đơn của Viện Dinh dưỡng tư vấn, việc bảo đảm ăn uống trên tàu đơn giản hơn nhiều.

Hiện các tàu ngầm ở Lữ đoàn 189 đi biển đã có gần 80% thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế tối đa nấu nướng trên tàu. Dù sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn nhưng bộ đội vẫn hài lòng về bữa ăn trên tàu, nhất là đồ ăn như nguồn cá bống kho từ Sông Đà, các loại thịt chế biến sẵn rồi đóng hộp cấp đông, rau khô…

Với lực lượng Không quân Hải quân, đây là lực lượng đặc thù của Quân chủng nên Cục Hậu cần Hải quân rất quan tâm tới chế độ dinh dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng này nhất là các phi công. Qua khảo sát của Viện Dinh dưỡng, dù tiêu chuẩn ăn xấp xỉ 200.000 đồng/người/ngày nhưng khẩu phần ăn của các phi công vẫn nhiều lượng (gạo), chưa đủ chất, khâu chế biến vẫn bằng kinh nghiệm là chủ yếu nên chất lượng bữa ăn vẫn chưa bảo đảm. 

Sau khi được Viện Dinh dưỡng khảo sát, tập huấn chế biến thực phẩm đến nay chất lượng bữa ăn của phi công được cải thiện rất nhiều. Nhờ ăn theo định suất (mỗi phi công sử dụng 4 đĩa thức ăn riêng), thay đổi thực 4-5 thực đơn/tháng, ít nhất phải có 2 món rau trong mỗi bữa ăn, nguồn thực phẩm bảo đảm tốt, khâu chế biến kỹ, đa dạng. 

Đọc thêm