Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa cả đợt có khả năng đạt từ 150mm đến 250mm, có nơi trên 250mm.
Trước đó, để phòng, chống bão, 3.485 phương tiện trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển đã vào bờ trú tránh bão an toàn. UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 15h ngày 13/10/2020.
Trên 1.061 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có những hồ lớn như: hồ Vực Mấu, hồ Sông Sào mức nước đều đảm bảo an toàn.
19 hồ chứa thủy điện gồm: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mộ, Bản Ang…đang vận hành bình thường theo đúng quy trình.
Nhiều con thuyền được người dân đưa lên bờ để tránh bão |
Để đối phó với tình hình mưa bão, tỉnh dự kiến kế hoạch di dời dân tổng số 2.702 hộ với 10.689 khẩu. Trong đó, huyện Quỳnh Lưu 490 hộ với 1.639 khẩu; thị xã Hoàng Mai 640 hộ với 3.202 khẩu; huyện Nghi Lộc 940 với 3.503 khẩu…
Để chủ động ứng phó với mưa, bão, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân tỉnh Nghệ An đề nghị các đơn vị liên quan cần triển khai những công việc trọng tâm như: Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, từ vĩ tuyến 17,5 đến vĩ tuyến 21,0 độ Vĩ Bắc;
Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác bảo đảm an toàn về người, tài sản, đối với hoạt động du lịch trên dọc tuyến biển và lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản ven biển và đất liền. Không để người dân trên các lồng bè, chòi canh, tàu thuyền khi bão đổ bộ vào;
Để tránh thiệt hại do bão, ngư dân đã mang thuyền bè, các tài sản lên bờ để chằng néo |
Chỉ đạo hướng dẫn người dân, chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ công trình, chặt tỉa cành cây,… để hạn chế thiệt hại do bão gây ra.
Các đơn vị cứu hộ, cứu nạn (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh,…) sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu;
Rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho nhân dân biết; huy động phương tiện, lực lượng trực gác để hướng dẫn giao thông, cảnh giới, cấm đường để đảm bảo an toàn.
Các phương tiện thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới để các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.