Kinh tế ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thu nhập sụt giảm, không ít gia đình lao đao, một số cặp vợ chồng rơi vào cảnh khủng hoảng tâm lý, sống tự ti khép kín, cáu giận con vô cớ. Họ chỉ trích, đay nghiến nhau khi phát sinh các khoản nợ nần kể từ ngày chồng, vợ thất nghiệp.
Những khó khăn về kinh tế có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần không chỉ một người mà cả với các thành viên còn lại trong một gia đình. Chính sự không chia sẻ, đổ lỗi nhau này đã đẩy họ càng bi quan, chán nản hơn. Hạnh phúc gia đình dễ bị chao đảo, nhấn chìm.
Khủng hoảng tâm lý vì… thu nhập
Từ Tết ra, không ngày nào gia đình chị Hoa Lan, 35 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) không lục đục, cãi vã. Gia đình chị Lan như sống trong cơn “ác mộng” vì sức ép kinh tế. Trước đây, chị Lan làm kế toán tại một trường học tư thục, còn chồng chị thì kinh doanh quán ăn. Tổng thu nhập của anh chị 40 triệu đồng. Năm trước, anh chị mua chung cư để ổn định cuộc sống.
Anh chị có chút tiền, còn lại đi vay. Mỗi tháng, anh chị phải trả cả lãi lẫn gốc là 20 triệu đồng. Chị Lan nhẩm tính, nếu làm việc chăm chỉ thì 7-8 năm sau, anh chị trả hết nợ nhà. Cuộc sống đang yên ổn bỗng đâu dịch bệnh Covid xuất hiện khiến gia đình anh chị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Học sinh nghỉ hơn hai tháng, trường tư thục đóng cửa, chị làm kế toán cũng phải nghỉ việc theo.
Lương hơn 10 triệu bỗng sụt xuống 3 triệu đồng nhà trường trả để “cầm cự”. Về phần chồng chị Lan, quán ăn của anh kinh doanh gần trường đại học. Sinh viên nghỉ học về quê, khách quanh đó cũng èo uột đến ăn. Quán ăn của anh vắng khách, chỉ còn 1/5 so với trước đây. Tiền lãi không đủ chi trả các loại tiền: thuê nhân viên, thuê mặt bằng kinh doanh, điện nước...
Hai tháng nay anh bị lỗ vốn nói chi tới việc mang tiền về đưa cho vợ. Thu nhập cả hai giảm sút không phanh. Cả gia đình chỉ trông vào vài triệu đồng của vợ trong khi tiền ăn uống, chi tiêu gia đình vẫn phải lo. Đau đầu nhất là việc phải trả nợ 20 triệu đồng/tháng tiền mua nhà. Tuần đầu tiên ở nhà, chị hơi lo lo, hy vọng tuần sau dịch bệnh qua đi, chị đi làm lại và chồng chị bán hàng hanh thông hơn.
Nhưng sang tuần thứ 2, thứ 3 rồi thứ... khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, chưa biết lúc nào kết thúc, trong người chị Lan như bốc hỏa, còn chồng như người mất hồn. Cơm nước chẳng ai muốn ăn, nghĩ đến khoản nợ hàng tháng anh chị không ngủ được.
Tinh thần bất ổn, bế tắc, anh chị quay sang trách móc nhau mua nhà mà vay nợ quá nhiều tiền. Nếu vẫn ở nhà thuê thì có phải đỡ áp lực hơn không. Quán ăn ế ẩm, anh chồng chị Lan còn buồn chán, uống rượu. Về nhà say sưa, cà khịa chị khiến sự việc càng đẩy vào ngõ tối.
“Cơn bão” dịch bệnh cũng khiến đại gia đình của anh Hoàng Tuấn, 40 tuổi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) “chao đảo”. Anh ở cùng với bố mẹ, vợ con và em trai. Anh làm việc tại công ty in ấn. Vợ anh làm nhân viên một khách sạn lớn ở Hà Nội, còn em trai làm hướng dẫn viên du lịch. Trước đây, với 3 người đi làm, kinh tế gia đình anh đủ để duy trì 6 miệng ăn.
Ngoài ra, có chút tiền tích cóp sửa sang lại ngôi nhà thêm tươm tất. Đang sống êm đềm thì bỗng đâu “em” Covid “hạ cánh” tới Việt Nam khiến cho đời sống nhiều gia đình xáo trộn, trong đó có gia đình anh Tuấn. Khách du lịch vắng, vợ anh phải nghỉ vô thời hạn. Khách sạn hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng. Em trai anh cũng thất nghiệp vì chẳng có tour mà hướng dẫn.
Họa vô đơn chí, bố mẹ anh Tuấn người bị bệnh tim, người bị huyết áp cao rủ nhau đi viện. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào lương anh. Tiền tiết kiệm ngày càng hao hụt có nguy cơ vét sạch ví, vợ anh lo lắng sinh bệnh cằn nhằn, nhiếc móc. Tình cảm gia đình vơi đi ít nhiều.
Hình minh họa. |
Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, do lo sợ dịch bệnh, nhiều người có tâm lý e ngại nên hạn chế đi ăn uống, mua sắm tại các trung tâm thương mại hay các chợ truyền thống. Điều này đã khiến nhiều quán hàng, khu chợ ở Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách, doanh thu sụt giảm.
Tại các chợ: Đồng Xuân, Nghĩa Tân, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Mơ… các quầy hàng gia dụng, quần áo, vải vóc các tiểu thương cũng “ngáp ngắn, ngáp dài” vì không có khách. Chị Hoàng Ngân, một tiểu thương bán quần áo lâu năm tại chợ Hôm buồn bã: “Hơn 10 năm kinh doanh ở chợ, chưa bao giờ tôi thấy ế ẩm như đợt này. Nhưng ngày trước, trung bình mỗi ngày tôi bán khoảng 7-8 bộ quần áo nhưng bây giờ, cả tháng mới bán được chừng đó. Kinh tế khó khăn nên mọi người cũng hạn chế mua sắm. Cứ đà này, vài tháng nữa tôi không trụ nổi”.
Tại một số tuyến phố ở Hà Nội tập trung khá nhiều cửa hàng kinh doanh khách sạn, dịch vụ như: Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Cót, Chả Cá, Hàng Điếu... Tuy nhiên, những ngày gần đây, không ít cửa hàng đã phải tạm đóng cửa, hoặc sang nhượng lại do lượng khách giảm sút, kinh doanh ế ẩm.
Do không có khách thuê phòng, một số người phải cho nhân viên nghỉ việc. Dù tạm dừng hoạt động, chủ khách sạn vẫn đang phải căng mình tìm kiếm các nguồn lực để bù đắp chi phí cố định, trả lương trợ cấp cho nhân viên.
Bà Nguyễn Bích Phương (Hàng Bạc, Hà Nội) trực khóc khi đã phải đóng cửa 3 trên 4 khách sạn ở phố cổ do lượng khách giảm tới 95%. Theo bà, khó khăn bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12 - khi Trung Quốc bắt đầu khởi phát dịch bệnh. Từ đó, khách đặt phòng hủy hàng loạt, còn đến giờ không còn khách nào. Không có doanh thu, trong khi vẫn phải chi trả các chi phí vận hành mỗi ngày, bà Phương đành đóng cửa dần khách sạn, cho nhân viên nghỉ việc từ đầu tháng 2.
Hết khách Trung Quốc, Hàn Quốc… bây giờ khách châu Âu sụt giảm nữa, cứ đà này tôi phải đóng nốt khách sạn thứ 4. Cả 4 khách sạn tôi đều phải đi thuê. Tiền thuê 4 khách sạn, hàng chục nhân viên (trả tiền trợ cấp thất nghiệp)… cứ mỗi ngày tôi mất đứt hơn 150 triệu đồng. Tình trạng này kéo dài chắc tôi trầm cảm mất.
“Không thể có cầu vồng nếu chẳng có mưa”
Vì ảnh hưởng dịch bệnh, nền kinh tế có nhiều biến động. Và khủng hoảng là một điều khó có thể tránh khỏi. Việc này sẽ khiến công việc của nhiều người cũng có nhiều biến động theo chiều hướng tiêu cực. Làm ăn khó khăn, lương ít ỏi khiến nhiều người cảm thấy vô cùng khó khăn về vấn đề tài chính, tiền bạc. Lâu dần, họ trở nên stress, bị áp lực tiền bạc.
Thu nhập sụt giảm, không ít gia đình lao đao, một số cặp vợ chồng rơi vào cảnh khủng hoảng tâm lý, sống tự ti khép kín, cáu giận vô cớ. Họ chỉ trích, đay nghiến nhau khi phát sinh các khoản nợ nần kể từ ngày chồng, vợ thất nghiệp. Những khó khăn về kinh tế có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần của không chỉ một người mà cả với các thành viên còn lại trong một gia đình. Chính sự không chia sẻ, đổ lỗi nhau này đã đẩy họ càng bi quan, chán nản hơn. Vì điều này, hạnh phúc gia đình bị ngả nghiêng.
Bà Như Hoa, chuyên gia tâm lý gia đình chia sẻ: “Việc ảnh hưởng kinh tế trước dịch bệnh là điều không ai muốn. Rất nhiều gia đình, ngành nghề đều bị ảnh hưởng ít, nhiều bởi “cơn bão” Covid này”. Theo bà Hoa, cuộc sống không chỉ có màu hồng và sẽ có những lúc bạn rơi vào khủng hoảng tưởng như không có lối thoát. Trong mắt bạn, dường như mọi thứ xung quanh đang vỡ vụn và bạn không thể thoát khỏi nó, không thể quay ngược thời gian để trốn chạy. Bạn buộc phải đối mặt với nó.
Ai cũng có những khoảng thời gian cảm thấy tuyệt vọng, đau đớn tới mức chỉ muốn trốn chạy khỏi thực tại. Đừng lo lắng nếu bạn đang có suy nghĩ như vậy. Cuộc sống luôn vận động và chúng ta cũng cần liên tục học tập và hoàn thiện chính bản thân mình.
Trong cơn khủng hoảng, bạn có cảm giác như đang bị nhấn chìm trong tâm bão. Nhưng chỉ cần bạn tập trung vào những điều bạn có khả năng tác động và học cách chấp nhận những điều hiển nhiên, bạn sẽ dễ dàng tìm ra cách thoát khỏi nó. Tình trạng tồi tệ này sẽ không kéo dài mãi mãi và những điều tốt đẹp đang chờ bạn ở phía trước.
Chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên: “Thay vì chỉ trích, đổ lỗi hay cằn nhằn nhau, các cặp vợ chồng cần bình tĩnh, bàn bạc tìm ra cách giải quyết ổn thỏa nhất. Kinh tế eo hẹp, các cặp vợ chồng cần hạn chế chi tiêu những khoản không cần thiết. Ngoài ra, có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè để giúp mình phần nào giải quyết vấn đề nợ nần, túng thiếu.
Càng lúc khó khăn, các gia đình càng vững tâm cùng nhau vượt qua khó khăn. Thất nghiệp tạm thời trong thời gian này, các cặp vợ chồng hãy tự “thưởng” cho mình, coi đó là thời gian nghỉ ngơi, dành thời gian chăm sóc, quan tâm yêu thương nhau nhiều hơn.
Cùng nhau xem một cuốn phim hay, cùng nhau nghe bản nhạc trữ tình… để bù đắp những ngày cả hai vất vả, bươn chải, đi làm kiếm tiền. Ngay cả những chú sâu cũng cần phải nghỉ ngơi một thời gian trong kén trước khi hóa thành những chú bướm xinh đẹp.
…Dịch bệnh sắp được đẩy lùi. Sau cơn mưa trời lại sáng và không thể có cầu vồng nếu chẳng có mưa. Những điều mà các cặp vợ chồng có thể cho là “khủng hoảng” ở hiện tại có thể lại là chìa khóa để mở ra một chân trời tốt đẹp phía trước.