Shoyna, một làng chài ở phía bắc nước Nga lạnh lẽo trên bán đảo Kanin, nằm gần một “sa mạc lạnh” với dải cát trải dài 10km. Tác động của gió Tây mang theo cát thổi đến khu vực này. Lượng cát nhiều đến mức chúng có thể chôn vùi cả ngôi làng chỉ trong một đêm.
Vào đầu những năm 1990, hiện tượng này mới bắt đầu xuất hiện. Một đêm, người dân Shoyna sáng thức giấc ngỡ ngàng khi những ngôi nhà trong làng bị cát bao phủ, thậm chí gần như bị chôn vùi. Họ đã phải rất vất vả mới có thể thoát ra ngoài.
Từ đó, hiện tượng này lặp đi lặp lại mỗi đêm. Chính vì thế, thay vì được thảnh thơi ngồi trước nhà ngắm sao trời mỗi đêm, người làng Shoyna buộc phải ở trong nhà để tránh bị vùi lấp trong cát. Thậm chí, khi đi ngủ vào ban đêm, họ không bao giờ đóng cửa, nếu không sẽ không thể mở cửa vào sáng hôm sau vì cát đã lấp lên tới gần nóc nhà, nhốt người bên trong.
Hầu hết các ngôi nhà trong làng từng bị cát vùi. Ngôi nhà của bà Anna Golubtsova hiện tầng một đã bị cát vùi kín. Bà đang dự định thuê máy ủi để đẩy cát ra ngoài, nếu không gió cát có thể vùi lấp cả tầng hai. Ngôi nhà vẫn được cho là may mắn khi chỉ bị cát vùi lấp một nửa. Hiện ở làng có khoảng hơn 20 ngôi nhà bị cát vùi lấp hoàn toàn, do nằm ngay sát bờ biển. Gia chủ muốn vào nhà phải đi từ… đường gác mái.
|
Đi khắp ngôi làng rất hiếm thấy các khu đất có thể trồng trọt |
Ngôi làng được thành lập vào những năm 1930 khi ngư dân tìm đến đây sinh sống, vì sự phong phú của cá và sinh vật biển ngoài khơi. Trong thời hoàng kim, khi còn là cảng cá tấp nập, bến tàu Shoyna luôn chật kín với hơn 70 tàu đánh cá ra vào mỗi ngày. Đến năm 1950, ngôi làng chài nhỏ yên tĩnh này trở thành khu định cư của 1.500 cư dân. Ngày nay con số này chỉ còn khoảng 285 người.
Do biến đổi khí hậu cũng như việc đánh bắt thủy sản quá mức, nguồn tài nguyên ở đây ngày càng giảm. Sự thay đổi tự nhiên ở lòng sông chảy qua Shoyna vào Biển Trắng, cộng với việc hệ sinh thái dưới đáy biển bị phá vỡ, những tàu đánh cá bằng lưới rà, khiến đáy biển không còn rong và bùn để giữ lại lớp cát. Hậu quả là sóng biển bắt đầu đẩy cát vào bờ.
Theo một người già trong làng, trước đây Shoyna từng được bao phủ bởi những đồng cỏ xanh tươi, nơi đàn bò được chăn thả và nhà nào cũng có trang trại. “Tôi vẫn nhớ lúc đó làng tràn ngập sự sống chứ không phải ngập cát như bây giờ”, bà Evdokiya Sakharova, 81 tuổi, kể lại.
Quá trình suy thoái này diễn ra từ từ. Đầu tiên, các nhà máy chế biến cá đóng cửa, sau đó đến hoạt động xây dựng. Các trang trại trụ được một thời gian ngắn. “Chúng tôi đã tiếp tục trồng rau, bón phân vào đất và quét đi lớp cát bị đẩy vào từ bờ biển, cho tới khi mọi nỗ lực trở nên vô dụng”, bà Sakharova nói.
Những năm gần đây, một kiến trúc sư tên là Jan Gunnar Skjeldsoy đã tìm đến đây và cố gắng thiết kế cho người dân những ngôi nhà có thể chịu được gió và cát. Các nhà khoa học cũng đã bắt tay vào nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân để ngăn chặn hiện tượng này, nhưng chưa thành công.
Ngôi làng được kết nối bởi cả đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên vào mùa hè, đi máy bay nhỏ và trực thăng là cách duy nhất để mọi người tiếp cận ngôi làng. Vì địa hình giống hệt sa mạc, những phụ nữ làng Shoyna không khi nào được xỏ chân vào giày cao gót.
|
Sau một đêm, ngôi nhà có thể bị vùi trong cát |
Làng không có hệ thống thoát nước thải. Nước sạch sinh hoạt hàng ngày lấy lên từ giếng. Không có hệ thống sưởi, người ta phải đốt củi hoặc than đá vào mùa đông.
Vào mùa thu, dân làng đi săn ngỗng hoang và dự trữ thịt đến cuối mùa đông. Đôi khi họ cũng trao đổi hàng hóa với những người du mục chăn tuần lộc ghé qua làng. Chỉ có duy nhất một cửa hàng lương thực trong làng với giá cao gấp đôi so với thị trấn gần nhất. Nhiều cư dân tìm cách tự nuôi trồng thức ăn ở những khu vực chưa bị cát xâm lấn. Không thể trồng được bất kỳ loại rau củ nào ngoài cây mâm xôi.
Giờ đây, người làng Shoyna không còn kiếm sống duy nhất nhờ nghề đánh bắt cá như trước đây. Khu chợ gần nhất cách đó khá xa. Mùa đông, họ phải vận chuyển cá bằng xe trượt tuyết trên mặt sông đóng băng từ 8-10 tiếng đồng hồ mới đến được thị trấn gần nhất Mezen.
Suốt hàng thập kỷ, dân làng Shoyna đã tranh luận về việc tiếp tục ở lại hay rời bỏ ngôi làng. Chính phủ cũng đã có chương trình hỗ trợ có thể trợ cấp cho dân làng Shoyna tái định cư. Nhiều người trẻ quyết định ra đi, có điều sau một thời gian, một số đã quay trở lại vì không thể thích ứng với cuộc sống đô thị sau nhiều năm sống tại ngôi làng.
Còn về bà Sakharova, đều đặn sáng nào cũng ngồi đào bới ngôi nhà của mình trong lớp cát. “Con cháu tôi muốn tôi chuyển tới thành phố, nhưng tôi không muốn rời khỏi đây. Shoyna là nhà, rất yên bình”, bà nói.