Từ nạn nhân thành bị cáo?
Theo Cáo trạng số 17/VKSTC-V1 ngày 10/9/2012 của VKSNDTC truy tố đối với ông Phạm Công Ngà về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì hành vi “phạm tội” của ông Phạm Công Ngà được mô tả như sau:
Trong thời gian từ tháng 5/2001 đến tháng 11/2011, Chi nhánh Công ty Vật tư vận tải và xếp dỡ Hà Nội do ông Ngà làm Giám đốc ký 3 hợp đồng nhập khẩu ủy thác phôi thép với Chi nhánh Công ty Thương mại đầu tư và phát triển Hà Nội tại Đà Nẵng do Lê Việt Dũng làm Giám đốc.
Theo đó, hợp đồng thứ nhất doanh nghiệp của ông Ngà nhập khẩu ủy thác số phôi thép có giá trị hơn 27 tỷ đồng; hợp đồng thứ hai nhập khẩu số phôi thép gần 27 tỷ đồng và hợp đồng thứ ba doanh nghiệp của ông Ngà nhập khẩu hơn 14 tỷ đồng phôi thép, giao cho doanh nghiệp của Lê Việt Dũng.
Tuy nhiên, sau khi nhận và bán hết hàng, Lê Việt Dũng đã không trả tiền cho doanh nghiệp của ông Phạm Công Ngà mà sử dụng tiền bán thép để đầu tư sang Mỹ, Dũng cũng bỏ trốn sang Mỹ luôn. Do không thu hồi được số tiền hàng trên, ông Phạm Công Ngà, thay vì được xác định là bị hại, đã bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Ngà còn bị khởi tố về tội tham ô tài sản nhưng sau đó được đình chỉ vì không đủ căn cứ.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra còn chứng minh được rằng, Lê Việt Dũng làm giả giấy ủy quyền ủy thác nhập khẩu. Điều này càng chứng minh việc Lê Việt Dũng cố tình chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp do ông Ngà làm Giám đốc và thân phận của ông Ngà thực chất là nạn nhân chứ không phải là tội phạm.
Thế nhưng, theo cáo trạng do Vụ 1 VKSNDTC khởi thảo thì cơ quan này quy kết ông Ngà cố ý làm trái Điều 1, 3 và Điều 23 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Do đó, VKSNDTC đã truy tố ông Ngà với mức cao nhất của tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thiếu căn cứ buộc tội
Nhưng, theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, việc căn cứ vào các điều khoản trên để buộc tội ông Phạm Văn Ngà cho thấy VKSNDTC đã “bí” và thiếu căn cứ buộc tội. Vì Điều 1 của Pháp lệnh mà VKSNDTC viện dẫn chỉ định nghĩa “hợp đồng kinh tế” là gì; Điều 3 thì quy định “hợp đồng kinh tế” phải tự nguyện, còn Điều 23 thì quy định về thời hạn thanh toán khi ký hợp đồng.
Do đó, không thể viện dẫn các điều khoản này để quy kết ông Ngà “cố ý làm trái” được, và việc viện dẫn điều này cho thấy việc buộc tội rất tùy tiện của cơ quan truy tố.
Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát (VKS) cũng quy kết ông Ngà phạm tội vì không bắt đối tác của ông phải đặt cọc hoặc thế chấp. Viện dẫn lý do này để buộc tội cũng hết sức nực cười vì việc chậm thanh toán của hai pháp nhân có ký hợp đồng thương mại hay kinh tế vốn là “chuyện thường ngày” trong kinh doanh và tòa án đã được thành lập để chuyên giải quyết những vụ kiện tranh chấp kiểu này chứ không phải là VKS được giao việc bắt bớ, khởi tố những người có tranh chấp hợp đồng.
Bản thân TAND TP.Hà Nội cũng đã trả hồ sơ để làm rõ việc hai doanh nghiệp có tranh chấp hợp đồng hay không. Và sự thật thì vì lý do chậm trả tiền của Lê Việt Dũng mà Công ty của ông Ngà đã phải khởi kiện ra Tòa án Hà Nội.
Song, chính vì việc Cơ quan điều tra khởi tố ông Ngà mà vụ kiện đã phải đình chỉ để chờ giải quyết vụ án. Như vậy, rõ ràng là việc khởi tố vụ án này đã có dấu hiệu trái pháp luật khi Hình sự hóa một tranh chấp Thương mại, Dân sự.
Phải nói thêm rằng, Vụ 1, VKSNDTC cũng là tác giả của các bản cáo trạng đầy ắp dấu hiệu oan sai như vụ án Mai Thị Khánh kéo dài từ năm 2000 đến năm 2013 (TAND kháng nghị hủy án và xác định bà Khánh không phạm tội) và vụ án Trần Minh Anh từ năm 2009 đến nay và Tòa án đã trả hồ sơ về Vụ 1 gần một năm nhưng chưa thấy “hồi âm”. Nếu cứ truy tố, kết tội kiểu này, bao giờ mới hết án oan?