Người dân vùng rốn lũ Quảng Ngãi tất bật sau nước rút

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi nước rút đi để lại lớp bùn non dày đặc, có nơi lên tới 20cm, người dân phải tốn khá nhiều thời gian, công sức để cào dọn. Nhiều vật dụng khác trong gia đình cũng bị bùn đóng thành lớp, phải chà rửa nhiều lần mới có thể dùng được. Có nơi bị sạt lở gây thiệt hại nặng nề.
Một số người dân thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương dọn bùn non sau khi nước rút.
Một số người dân thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương dọn bùn non sau khi nước rút.

Sáng 25/10, nước lũ ở Quảng Ngãi bắt đầu rút chậm, người dân thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, đường sá và một số người bắt đầu trở về nhà dắt theo gia súc sau nhiều ngày tránh trú lũ.

Một số người dân đưa gia súc về khi nước rút.

Một số người dân đưa gia súc về khi nước rút.

Hai chị em bà Nguyễn Thị Thành (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Báu (90 tuổi) ở thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh gặp lại nhau không khỏi bồi hồi, lo lắng sau 2 ngày bị nước lũ chia cách.

Bà Nguyễn Thị Thành ở thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh, (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) xúc động chia sẻ: “Do nay nước lớn nhanh quá trở tay không kịp, con cái của tôi đi làm ăn tứ tán, không có ai ở chung nên lụt vừa rồi lo lắm. Nước lớn dâng lên nửa nhà, mấy chục con gà nuôi bằng cơm, bằng lúa bây giờ không còn con nào cả”.

Hai chị em bà Nguyễn Thị Thành (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Báu (90 tuổi) ở thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh cùng nhau dọn nhà.

Hai chị em bà Nguyễn Thị Thành (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Báu (90 tuổi) ở thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh cùng nhau dọn nhà.

Theo con đường bê tông, đi sâu vào xóm Soi, nước vẫn còn ngang bắp chân. Hai bên đường, bùn non còn đọng dày trên cỏ, trong vườn và cả trên hàng rào ngang cổ, ngang ngực người đi. Mấy người đang tát nước, gạt bùn, dọn cây và làm vệ sinh hai bên đường.

Nước rút đi rác còn mắc lại trên lưới sắt.

Nước rút đi rác còn mắc lại trên lưới sắt.

Ông Hồ Thuận (60 tuổi) ở thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh cho biết, nhà ông đã dọn vệ sinh xong, nếu đường không dọn bùn, vệ sinh thì như không. Mấy chú cháu làm cả buổi vẫn không xong một đoạn đường ngắn, do năm nay bùn non đóng quá dày trên đường.

Một số người dân dọn dẹp, sửa lại chuồng bò.

Một số người dân dọn dẹp, sửa lại chuồng bò.

Ở xóm Soi, những ngày lũ lụt, khi thấy mưa nhiều thì ai nấy cũng đều dắt bò, trâu, gia súc khác đi gửi ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn hoặc mấy vùng đất cao trong xã. Sau đó họ quay về nhà lo đưa lúa, bắp, tài sản quý lên rầm nhà làm bằng gỗ.

Ông Hồ Văn Hồng vừa di chuyển đồ trên gác lửng xuống vừa cho biết, vợ chồng ông ở trên đó 3 ngày rồi, có gì ăn nấy. Giờ nước rút hết mới tranh thủ dội nước dọn nhà, dọn sân.

Đoạn đường đối diện chợ Tân Phước, xã Bình Minh lũ rút đi để lại cả đoạn vỉa hè gần 100 mét bị sạt lở, hư hại nghiêm trọng. Từng mảng bê tông kiên cố, gạch lát nền, ống thoát nước lớn vỡ tan tành.

Theo số liệu thông kê của chính quyền địa phương, tính từ 6 giờ ngày 23/10 đến 16 giờ ngày 24/10, có hơn 500 hộ dân với 1.600 nhân khẩu ở xã phải đi dời đến các trường học, các địa điểm cao để tránh lũ.

Nước lũ chảy xiết làm hư hỏng, sạt lở gần 100 mét vỉa hè.

Nước lũ chảy xiết làm hư hỏng, sạt lở gần 100 mét vỉa hè.

Chủ tịch UBND xã Bình Minh, ông Nguyễn Văn Dân cho hay, xóm Soi là nơi ngập sâu nhất của xã. Xã cũng đã cử các đội tình nguyện đến tận thôn, túc trực ở đó chờ các tổ báo cáo, nếu có hộ dân nào có nhu cầu dọn dẹp, khắc phục thiệt hại thì sẽ kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ.

“Sáng nay chúng tôi đã phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng để đo lại chiều dài của đoạn sạt lở này gần 100 mét. Trước tình trạng bị sạt lở thì địa phương sẽ làm việc với đơn vị thi công để tiếp tục khắc phục hậu quả bão lụt để giao trả lại ruộng cho nhân dân sản xuất trong các vụ đến”, ông Dân cho biết thêm.

Sau khi đoạn vỉa hè bị sạt lở để lại hố sâu rất nguy hiểm.

Sau khi đoạn vỉa hè bị sạt lở để lại hố sâu rất nguy hiểm.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Bình Sơn ước thiệt hại ban đầu là trên 50 tỷ đồng.

Sau mưa bão, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan Ban, ngành và các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra. Trong đó, tập trung một số biện pháp trước mắt nhất là vấn đề về môi trường, nước uống, khắc phục các sự cố về điện để đảm bảo cái thiết yếu ban đầu cho người dân. Thứ hai là cho thống kê, đánh giá về các thiệt hại về hạ tầng đặc biệt nhất là về giao thông và thuỷ lợi để báo cáo với cấp trên đề xuất hỗ trợ trong nguồn lực có thể để địa phương chủ động khắc phục.

Đường Quốc lộ 24C, đoạn qua xã Bình Chương huyện Bình Sơn bị sạt lở do mưa lớn.

Đường Quốc lộ 24C, đoạn qua xã Bình Chương huyện Bình Sơn bị sạt lở do mưa lớn.

Theo thống kê của huyện Bình Sơn, từ đêm ngày 22/10 đến sáng ngày 24/10, trên địa bàn huyện Bình Sơn có mưa rất to gây ngập lũ trên toàn địa bàn. Có 3 người mất tích, 75 tuyến kênh mương, công trình thủy lợi và tuyến đường tại các xã, thị trấn trên địa bàn bị ngập, hư hỏng. 03 hồ nuối cá, tôm bị thiệt hại, ngập trôi gần 2.500 con gia súc, gia cầm, ngập úng hơn 235 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả.

Hiện tại, chính quyền huyện Bình Sơn đang phối hợp với các địa phương cố gắng khắc phục hậu quả sau mưa lũ trong thời gian sớm nhất.

Đọc thêm