Mường Phăng (Sơn La)
Mường Phăng hiện nay cũng là một thị trấn ở Sơn La, có suối Phăng chảy vào sông Nậm Rốm. Mường Phăng đã từng chứng kiến những cuộc chiến đấu của nghĩa quân Giàng Tả Chay chống Pháp. Nhưng tại sao lại có cái tên này?
Có người nói tên Mường Phăng bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử. Nghĩa quân Hoàng Công Chất (thế kỷ XVII) có đánh một trận rất lớn ở đây (chưa rõ đánh nhau với phỉ hay với quân triều đình Lê - Trịnh). Trận đánh rất thần ký. Đêm tối đen như mực, đối phương bất thình lình đánh úp nghĩa quân.
Bỗng từ trên núi cao, có hàng ngàn ngọn lửa tràn xuống dốc lao về phía đối phương, tưởng chừng như thần Hỏa trên trời sai quân lao xuống để giúp đỡ chủ tướng Hoàng Công Chất. Thực ra, chỉ là mẹo của ông Hoàng dùng một đàn dê, con nào cũng được buộc thỏi sáp dài vào sừng, đuôi, thắp lửa lên và cho ùa xuống. Đối phương hoảng hốt rút lui. Nghĩa quân ào vào đâm chém, vì thế đất này mới lấy tên Mường Phăng. Phăng có nghĩa là đâm chém.
Cầu Bươu (Hà Nội)
Vào một mùa hạn hán, cây cối khô héo, ruộng đất nứt nẻ, ở vùng bắc huyện Thường Tín, sau này là Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội có một thầy đồ đang dạy học trò.
Cứ như thường lệ, mỗi một hôm đến lớp thì phải có một anh học trò mài mực từ trước để cho thầy đồ dùng. Hôm ấy, đến lượt một học trò mài mực nhưng kỳ lạ thay, mài được bao nhiêu thì anh ta lại uống mất bấy nhiêu.
Đến lúc vào lớp, thầy đồ hỏi đến mực thì anh ta cứ đứng ỳ ra. Thầy đồ tức giận đã đánh anh học trò này bươu cả đầu lên. Cũng lạ thay, càng bị đánh thì anh học trò này càng phun mực ra phì phì. Mực phun đến đâu thì mưa tuôn đến đó. Nhân dân vô cùng sung sướng vì có nước để cấy cày.
Sau trận mưa đó, anh học trò về đến gần chiếc cầu mà hàng ngày anh vẫn thường qua thì bị sét đánh chết. Lúc đó mọi người mới cho rằng anh học trò này là con vua Thủy Tề phái lên để giúp dân. Việc anh phun mực làm mưa là trái lệnh trời nên Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi đánh chết.
Nhân dân quanh vùng thương tiếc anh nên đã lập đền thờ. Có lẽ vì không biết tên anh là gì mà chỉ biết đến việc anh bị thầy đồ đánh bươu đầu nên người ta đặt tên cho cái cầu anh thường đi học qua và cũng là nơi anh bị Thiên Lôi đánh chết là Cầu Bươu (có người gọi chệch là Cầu Biêu).
Ở dòng nước chảy qua cầu Bươu xưa kia có hai cái gò, nằm chắn hai bên, làm lệch dòng nước, nhưng qua bao đời, không bao giờ bị dòng nước chảy xiết làm mòn đi, dân quanh vùng bảo rằng đó là hai con mắt của con rồng thần, tức là anh học trò làm mưa kia.
Hồ Tây, hồ Trúc Bạch (Hà Nội)
Hồ này gọi là hồ Tây, vì ở phía Tây kinh thành; chứ thật ra tên hồ Tây cũng chỉ là một tên chung, trở thành tên riêng và tên hồ này cũng thay đổi từ thời này qua thời khác, ví dụ như tên dân gian là hồ Trâu Vàng hay tên chữ là Lãng Bạc nghĩa là cái bến có sóng lớn; hay Dâm Đàm, nghĩa là cái đầm có sương mù bốc lên.
Tên Dâm Đàm vẫn được dùng đến đời nhà Trần, các vua đời Lý và Trần có xây Dâm Đàm hành cung cạnh hồ để hóng mát. Năm 1573, vì kiêng tên húy của vua Lê Thánh Tông là Duy Đàm, nên mới đổi là Tây hồ và tên đó dùng cho đến ngày nay. Cần chú ý rằng ở nước ta, ngoài hồ Tây này, xưa kia còn hai hồ Tây khác nữa, một ở vùng Côn Sơn (Hải Dương) và một ở gần Lam Kinh (Thanh Hóa).
Theo sách Tây Hồ chí, thì hồ này từ thời Hùng Vương là một cái bến ở cạnh sông Hồng, thuộc động Lâm Ấp của thôn Long Đỗ, và mãi cho đến thời Hai Bà Trưng, bến này vẫn thông với sông Hồng. Xung quanh bến đó có một khu rừng lim rậm rạp, có nhiều hang động, phía Tây có Giá La Động, phía Đông có Nha Lâm Động, phía Nam có Bình Sa Động và phía Bắc là sông Hồng.
Thời xưa, ngư dân đi đánh cá thỉnh thoảng vớt được gỗ lim có dạng trầm tích. Theo địa chất học, hồ này là một hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo, chủ yếu do tác dụng xâm thực của sông Hồng mà thành.
Nói đến hồ Tây, là phải nói đến hồ Trúc Bạch, vì xưa kia hai hồ vốn liền nhau. Về sau, vì hồ Tây rộng quá, nhân dân ba làng Trúc Yên, Trúc Phụ, Yên Quang mới đắp con đê chắn ngang, để giữ phần cá về phía mình. Con đê đó nay là đường Thanh Niên. Nhân dân sống ven hồ làm ruộng vẫn là chủ yếu, kết hợp với nghề nuôi cá, cùng với một số nghề thủ công khác như nuôi tằm, dệt vải, làm giấy, trồng hoa...
Thị Nghè (TP HCM)
Ngày xưa, quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân có người con trai tên là Nguyễn Cửu Đàm và con gái là Nguyễn Thị Khánh. Khi lớn lên, Nguyễn Cửu Đàm theo phò Nguyễn Phúc Chu, năm 1772, được phong chức điều khiển nhờ có công đánh đuổi quân Xiêm xâm lược.
Ông đã tham gia dựng một cái lũy gọi là Bán Tích cổ lũy chạy dài từ sau đồi Cây Mai qua trường đua Phú Thọ vùng Hòa Hưng, bến Tắm Ngựa, gò Tân Định đến Cầu Bông để phòng ngự mặt trận tây nam Gia Định. Ngoài ra, ông lập một cái chợ, nên dân chúng gọi là chợ Điều Khiển (tức chợ Thái Bình sau này).
Còn bà Nguyễn Thị Khánh sau là vợ của một ông nghè làm thơ lại trong thành Gia Định, nhà ở làng Thạch Mỹ Tây, cách thành Gia Định một con sông tên là Bình Trị Giang (tức Nghi Giang). Hằng ngày, ông nghè phải sớm đội nón đi, tối đội nón về.
Bà lo nhiều là mỗi khi đi làm việc quan, chồng bà phải đi đò sang sông, khi nắng ráo thì không nói làm gì, nếu gặp mưa to gió lớn thì thật là vất vả, nguy hiểm. Bà rất lo ngại cho chồng khi đi làm việc và cũng không quên bà con trong thôn xóm bởi khi đi làm ăn, mua bán hoặc có việc phải sang sông là điều hết sức phiền phức.
Bà bèn xuất tiền mua vật liệu, huy động nhân lực, trông coi xây dựng một cây cầu bằng gỗ khá rộng và chắc chắn, xe ngựa có thể qua lại dễ dàng.
Cầu bắc xong, dân chúng gọi là cầu Bà Nghè, về sau gọi là Thị Nghè, rồi dần dần cái xóm nơi bà ở, con sông chảy ngang qua cũng được gọi bằng tên Thị Nghè.
Mỏ Cày (Bến Tre)
Hồi người xưa tới đây lập nghiệp, đất đai còn rộng rãi nhưng hiểm trở. Hai bên bờ các sông lớn là lau sậy trắng xóa. Thỉnh thoảng có những cây cao vút như cây dừa, cây sống rắn.
Chúa sơn lâm cũng còn trong rừng nhiều lắm. Dân cư tới đây khai phá, năm ba nóc nhà quần tụ thành chòm xóm để sinh sống. Lâu lâu, cọp lại vào làng bắt heo bắt gà, đôi khi cả người. Dân làng bèn bảo nhau lấy tre vót nhọn rào làng. Từ đó, cọp không dám vào làng nữa. Nhưng khi dân làng ra ruộng, ra rẫy, hoặc vào rừng thì cọp lại hay rình bắt người.
Một hôm có chàng trai đi cày, mang theo cái mõ. Buổi chiều khi cày xong, anh thả trâu cho ăn cỏ rồi dùng mõ đánh gọi trâu về, không ngờ trong rừng cạnh đó có con cọp đang rình chờ bắt anh. Nghe tiếng mõ, cọp cong đuôi chạy vào rừng, những con cọp khác cũng co cẳng chạy luôn.
Những người đi chặt củi, thấy cọp chạy tán loạn, bèn nấp kín xem có chuyện gì xảy ra. Lát sau họ hiểu ra rằng cọp sợ tiếng mõ. Về làng, những người dân đi chặt củi kể lại chuyện này cho bà con nghe và bày cho nhau khi đi làm đem theo mõ để đuổi cọp.
Về sau, khi dân cư đông đúc người ta kêu nơi này là xứ Mõ Cày, dần dà gọi chệch ra là Mỏ Cày. Địa danh này trở thành tên huyện bây giờ.
Cao Lãnh (Đồng Tháp)
Hồi trước có vợ chồng Đỗ Công Tường, tục danh là Lãnh, từ miền Trung đến đây lập nghiệp. Sau mấy năm chí thú làm ăn, gia tư ông Lãnh cũng tạm đủ sống. Tính tình ông chính trực ngay thẳng nên được dân làng cử làm chức câu đương để phân xử những vụ tố tụng trong làng.
Ông bà trồng một vườn quít. Hàng xóm thường đến đây tụ tập để đổi chác, lâu ngày chỗ ấy thành chợ. Đó là chợ Cao Lãnh ngày nay.
Đến năm Canh Thìn (1820), nạn dịch tả hoành hành. Dân chúng trong làng bị bệnh chết rất nhiều. Xóm làng, chợ búa vắng vẻ, ảm đạm. Thuở ấy chưa có thuốc men như bây giờ. Người ta cho rằng dịch tả là do trời đất, thần thánh quở phạt. Ông Lãnh cũng nghĩ như vậy nên lập bàn thờ giữa sân chợ để khấn vái xin trời đất thần thánh giúp dân thoát khỏi tình cảnh chết chóc bệnh hoạn.
Điều đáng nói là hai ông bà nguyện thế mạng để cầu cho dân chúng thoát cảnh đau thương. Cúng xong ông bà ăn chay ba bữa từ mồng 6 đến mồng 8/6. Sáng mồng 9 thì bà Lãnh bị mắc bệnh, đến tối thì qua đời. Đương lo việc an táng cho bà, thì ông Lãnh lại phát bệnh và đến 2h khuya mồng 10 rạng ngày 11 thì ông qua đời.
Nhân dân trong làng lo việc chôn cất ông bà xong, lạ thay bệnh tả cũng dứt luôn. Dân chúng trở lại cuộc sống an lành. Dân chúng cho rằng nhờ vợ chồng ông Lãnh đã thế mạng nên cứu được chúng dân. Sau đó, dân làng lập miếu ngay trên ngôi mộ của hai ông bà, tại làng Mỹ Trà bên bờ mé kinh Thầy Khâm để thờ phụng, gọi là miếu ông Chủ Chợ.
Chợ vườn quít từ đấy được gọi theo tên ông. Vì tên tục ông là Lãnh, lại làm chức câu đương, nên dân chúng thường gọi ông là Câu Lãnh và chợ được gọi là chợ Câu Lãnh. Chợ Câu Lãnh ngày càng thịnh. Người đến mua lại đọc chệch Câu Lãnh thành Cao Lãnh và tên đó được dùng đến nay.