Nguy hiểm rình rập từ những bến đò “chui” ở Hà Nội

(PLO) - Dù đã bị đình chỉ hơn 4 tháng nhưng những một số bến đò có tên trong danh sách vi phạm vẫn công khai hoạt động. Với đặc thù “nhiều không” như: không được trang bị đầy đủ những thiết bị an toàn, không dụng cụ cứu sinh, trên bến không có bảng niêm yết giá vé… những bến đò đã cũ với bến bãi rất xuống cấp, có thể gây nguy hiểm cho người đi đò bất cứ lúc nào.
Ảnh minh họa từ internet.

Ghi nhận của phóng viên tại huyện Đan Phượng, hiện tại bến Liên Trung vẫn hoạt động tấp nập, chỉ duy nhất có bến Đoài là chấp hành nghiêm chỉnh quy định của UBND TP nên đã tạm dừng hoạt động. Tại bến Liên Trung, một ngày đò vẫn hoạt động từ 5 giờ sáng tới 6 giờ tối, cứ 20-30 phút lại có một chuyến đò. Các đò hầu như đã khá cũ, điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, không có thiết bị cứu sinh, người đi đò không mặc áo phao. Vào những giờ cao điểm mỗi chuyến chở rất đông khách, đò bé nhưng chứa được 20-30 người chưa tính xe và hàng hóa.

Chị Hồng, một người buôn hoa quả đi đò Liên Trung chia sẻ, chị không biết bến đò có bị cấm hay không, nhưng cần đi thì vẫn phải đi thôi. Tại huyện Phúc Thọ, bến Vân Nam tuy đã bị đình chỉ nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Đáng nói, dù ở ngay gần Vân Nam, bến đò Vân Phúc được phép hoạt động với việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn cho người đi đò, nhưng vẫn có nhiều người sang đi lại bằng đò trên bến Vân Nam. 

Ngày 20/6/2016, Sở GTVT Hà Nội ra Thông báo số 741/TB-SGTVT về việc đình chỉ hoạt động bến đò chở khách ngang sông. 

Theo đó, có 7 bến bị đình chỉ do giấy phép hoạt động hết hiệu lực hoặc chưa được cấp phép, gồm: Bến Pheo xã Minh Quang và bến Thuần Mỹ (Ba Vì), bến Vân Nam (Phúc Thọ), bến Liên Trung và bến Đoài (huyện Đan Phượng), bến Tân Hưng và bến Bắc Phú (huyện Sóc Sơn). Ngày 13/7/2016, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 4152/UBND-ĐT yêu cầu thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn nêu rõ, Sở GTVT, Công an TP Hà Nội chỉ đạo lực lượng Thanh tra GT-VT, Cảnh sát giao thông đường thủy… tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; đặc biệt các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như: chạy quá tốc độ quy định, phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; cảng, bến thủy không phép, không bảo đảm điều kiện an toàn; phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; xây dựng công trình ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa…

Hàng loạt Thông báo, Chỉ thị được UBND TP đưa ra, nhưng trên thực tế không ít bến bãi xuống cấp vẫn hoạt động công khai. Thiết nghĩ, thời gian tới, các công tác quản lý, thanh kiểm tra từ các cơ quan có thẩm quyền cần được thực hiện một cách chặt chẽ và nghiêm khắc hơn.

Đọc thêm