Nhà nghiêng gần 1m tại Hà Nội: 7 năm chưa xong thỏa thuận phá dỡ

(PLO) -Gần 10 hộ dân ở con hẻm của ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ dừa (quận Đống Đa – Hà Nội) phải sống trong nỗi sợ hãi suốt nhiều năm nay vì ngôi nhà 4 tầng gần đó đã nghiêng gần 1m, có nguy cơ đổ xuống bất cứ lúc nào.
 Chính quyền địa phương mới treo biển cảnh báo nguy hiểm tại ngôi nhà.
Chính quyền địa phương mới treo biển cảnh báo nguy hiểm tại ngôi nhà.

Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá độ nghiêng của ngôi nhà là 65/15,5m (chiều cao ngôi nhà là 15,5m - PV), tương đương 4% (vượt quá độ nghiêng cho phép là 1%), thuộc dạng công trình nguy hiểm. Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu quận Đống Đa, phường Ô Chợ Dừa thực hiện ngay công tác cảnh giới, cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người và công trình xung quanh.

Nơm nớp sống gần nhà nghiêng

Người dân cho biết ngôi nhà bị nghiêng đã nhiều năm, lấy thước đo độ nghiêng đã lên đến 80cm. Người dân đã gửi đơn lên chính quyền nhiều lần về việc này, nhưng chưa được giải quyết. 

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Khích (72 tuổi, nhà đối diện nhà 177), tổ trưởng Tổ dân phố 81, phường Ô Chợ Dừa cho biết: Ngôi nhà số 177 và 3 nhà liền kề được xây dựng từ năm 1998. Nền đất của 4 ngôi nhà này trước đây là ao hồ nên rất yếu, nhưng thời điểm xây dựng, chủ nhà đã xử lý phần móng không chắc chắn. Có thể đó là nguyên nhân dẫn đến ngôi nhà số 177 bị nghiêng như hiện tại.

“Ngôi nhà bị nghiêng và 3 ngôi nhà liền kề trước đây là của một người, sau khi xây xong họ đã bán đi. Nhà tôi xây năm 1997, nên tôi biết rất rõ họ xây dựng như nào, mặc dù đất ao hồ nhưng họ xử lý phần móng rất kém, chỉ dùng cọc tre dài khoảng hơn 1m và đóng xuống bằng phương pháp thủ công thì sao an toàn được. Chủ nhà số 177 mua về ở cũng được hơn 10 năm, đến năm 2012 thì họ chuyển đi do nhà nghiêng quá”, ông Khích cho biết.

Cũng theo ông Khích, do ngôi nhà số 177 và 179 cùng chung móng, chung tường nên muốn phá dỡ phải được sự đồng thuận của hộ liền kề.

“Sau khi tổ dân phố, chính quyền địa phương vận động, làm công tác tư tưởng thì 3 hộ dân đã đồng ý phá dỡ, nhưng riêng có hộ dân số 181 không đồng ý vì cho rằng nhà họ không vấn đề gì. Chính vì thế việc này mới không thể giải quyết ngay được”, ông Khích nói.

Bà Phạm Đỗ Thanh Thùy (63 tuổi), chủ nhà 4 tầng bị nghiêng nói trên cũng cho biết đã gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng suốt từ năm 2010 nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Nhà nghiêng số 177 ngõ Quan Thổ 1, Hà Nội
Nhà nghiêng số 177 ngõ Quan Thổ 1, Hà Nội

Bà Thùy cho biết, gia đình bà mua ngôi nhà trên vào năm 1999 với giá khoảng hơn 500 triệu đồng, của một người đàn ông tên Phúc. Đến năm 2009, gia đình bà Thùy phát hiện ngôi nhà bị nghiêng do để đồ vật hình cầu dưới nền nhà bị lăn về phía một bên tường. Thời điểm này, gia đình bà cũng nghe chủ nhà kế bên (nhà số 179) nói cũng bị nghiêng sang nhà bà.

“Chủ nhà bên cạnh còn phát hiện bị nghiêng trước nhà tôi, vì hệ thống nước họ thiết kế chảy sang nhà bên cạnh, nhưng lại cứ chảy sang nhà tôi. Năm 2009, tôi có mời một người trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng đến xem xét ngôi nhà tôi, họ nói phải được sự đồng ý của những nhà kế bên thì mới tiến hành “nắn” lại nhà tôi được. Nhưng thời gian đó, mấy nhà hàng xóm không đồng ý sửa lại, nên gia đình tôi cũng không làm cách nào được, đành tiếp tục liều ở”, bà Thùy cho biết.

Cũng theo bà Thùy, năm 2010, gia đình bà đã làm đơn kiến nghị tới UBND phường Ô Chợ Dừa, lãnh đạo phường có triệu tập cuộc họp 4 gia đình (nhà số 177, 179, 181, 183) nhưng các hộ này không thống nhất được phương án tháo dỡ.

Đến năm 2011, gia đình bà Thùy tiếp tục làm đơn lên UBND quận Đống Đa, sau đó đại diện các phòng ban của quận này có xuống triệu tập cuộc họp với các hộ gia đình liên quan, yêu cầu gia đình bà Thùy phải mời đơn vị thẩm định chất lượng về để đánh giá hiện trạng ngôi nhà. 

Gia đình bà Thùy đã mời một công ty chuyên về kỹ thuật xây dựng đến thẩm định, nhưng đại diện công ty này nói phải có sự đồng ý của những hộ liền kề mới tiến hành lấy mẫu được. Nhưng tại thời điểm này, các hộ liền kề vẫn không đồng ý nên gia đình bà Thùy một lần nữa không thực hiện được việc này.

Khoảng tháng 9/2015, căn biệt thự Pháp cổ trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) đổ sập làm 2 người chết, nhiều người bị thương. Sự cố này có lẽ đã làm những hộ dân cạnh nhà số 177 “giật mình”, nên khi UBND phường Ô Chợ dừa triệu tập cuộc họp để bàn phương án tháo dỡ đã nhận được sự đồng ý của các hộ này.

Tuy nhiên, theo bà Thùy, ngay khi 3 hộ dân nói trên đồng ý cùng tháo dỡ thì chính quyền địa phương lại không quyết liệt làm ngay. Đầu năm 2016, chủ nhà số 181 đã bán ngôi nhà này cho một người khác. Chủ mới nhà số 181 lại không đồng ý tháo dỡ, dẫn đến tình trạng kéo dài, khó giải quyết như hiện nay.

“Năm 2012, nhà nghiêng quá nên gia đình tôi đã chuyển đi nơi khác thuê ở cho an toàn. Mặc dù có nhà nhưng bây giờ gia đình tôi mỗi tháng vẫn phải bỏ ra 9 triệu đồng để thuê nhà. Tôi không ở đây nữa nhưng vẫn lo lắng. Hôm nào mưa bão là không ngủ được, chỉ sợ nhà mình đổ sập vào ai đó thì ân hận”, bà Thùy nói.

Mới đây, bà Thùy lại có mang đơn kiến nghị lên UBND TP Hà Nội mong có cách tháo dỡ ngôi nhà để xây lại. Nhưng thành phố nói mang đơn về phường, quận.

Còn lãnh đạo UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết đơn vị thẩm định chất lượng công trình của Sở Xây dựng Hà Nội đã đưa đề cương thẩm định hiện trạng 2 ngôi nhà 177 và 179. Ngay khi có đề cương này, UBND phường Ô Chợ dừa đã báo cáo lên UBND quận Đống Đa để xin ý kiến.

Nghiêng vượt mức cho phép, cần sớm tháo dỡ

Đại diện phòng Quản lý Kỹ thuật – Giám định chất lượng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, ngôi nhà 4 tầng bị nghiêng gần 1m ở phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa – Hà Nội) là dạng công trình nguy hiểm, UBND quận Đống Đa cần sớm ra quyết định phá dỡ.

Ông Nguyễn Quang Huy – Phó phòng Quản lý Kỹ thuật và Giám định chất lượng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, việc quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ do UBND cấp quận, phường quản lý.

Do nhà bị nghiêng nên lối đi cạnh nhà cũng bị bong gạch lát.
 Do nhà bị nghiêng nên lối đi cạnh nhà cũng bị bong gạch lát.

Tuy nhiên, ngay khi nắm bắt được thông tin, ngày 7/8 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ động cho phòng ban chuyên môn phối hợp với UBND quận Đống Đa, phường Ô Chợ Dừa, Viện khoa học Công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội, tổ dân phố xuống kiểm tra thực tế hiện trạng ngôi nhà số 177 nói trên.

“Tại thời điểm kiểm tra, bằng phương pháp dùng quả rọi trực tiếp từ đỉnh mái tầng 4 xuống và dùng thước dây để đo thì nhà số 177 nghiêng sang nhà số 161 khoảng 65cm. Nền nhà tầng 1 thấp hơn so với mặt ngõ là 25cm.

Tại con ngõ nhỏ ở giữa nhà 177 và 161, gạch lát có hiện tượng nổi vỡ, có thể do nhà 177 nghiêng nên mới bị như vậy. Tường ở ban công xây trên sàn bê tông từ tầng 2-4 của ngôi nhà này có hiện tượng bị nứt”, ông Huy cho biết.

Cũng theo ông Huy, ngay khi có đánh giá sơ bộ về hiện trạng ngôi nhà 177, Sở Xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn cho UBND quận Đống Đa và phường Ô Chợ Dừa căn cứ theo tiêu chuẩn 9381 TCVN: 2012 hướng dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm kết cấu nhà. Độ nghiêng của ngôi nhà số 177 là 65/15,5m (chiều cao ngôi nhà là 15,5m – PV), tương đương 4% (vượt quá độ nghiêng cho phép là 1%).

Nhà số 177 thuộc dạng công trình nguy hiểm. Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu quận Đống Đa, phường Ô Chợ Dừa thực hiện ngay công tác cảnh giới, cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người và công trình xung quanh.

Căn cứ vào luật xây dựng, UBND quận Đống Đa cần sớm ra quyết định phá dỡ, trước mắt là nhà số 177 và 179. Quyết định phá dỡ giao cho chủ nhà thực hiện, đảm bảo an toàn cho công trình và công trình liền kề.

“Theo như báo cáo của phường Ô Chợ Dừa thì trường hợp này đã có 3 hộ đồng ý cùng phá dỡ, chỉ riêng nhà số 181 chưa đồng ý. Theo Luật xây dựng và Thông tư 05/2015 TT-BXD của Bộ Xây dựng về nhà ở riêng lẻ thì người dân phải có trách nhiệm phải kiểm tra thường xuyên trong quá trình vận hành tòa nhà mình, nếu xảy ra sự cố phải chịu trách nhiệm, vì ảnh hưởng đến cộng đồng.

Do đó, nhà số 181 và 183 nếu không phá dỡ thời điểm này sẽ phải mời đơn vị thẩm định về đánh giá hiện trạng công trình, và báo cáo kết quả cho UBND quận, phường. Nếu cố tình không thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Huy nói thêm.

Đọc thêm