Trong những trận bão, lũ xảy ra liên tiếp trong thời gian tháng 10 và đến giữa tháng 11/2020 vừa qua, đặc biệt là các cơn bão số 10, 11, 12, 13 đã trực tiếp ảnh hưởng nặng nề đến tỉnh Quảng Bình nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng.
Trong đó, các xã như Phúc Trạch, Xuân Trạch và thị trấn Phong Nha của huyện Bố Trạch đã bị nước lũ dâng lên ngập sâu, gây cô lập. Do vậy, hoạt động giao dịch xã của NHCSXH huyện không thể thực hiện được theo thời gian niêm yết và gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản cũng như nguồn vốn vay từ PGD này.
Sau khi các trận bão lũ liên tiếp vừa ngớt, NHCSXH huyện Bố Trạch đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể cấp xã, tổ TK&VV để nắm tình hình về mức độ thiệt hại về vốn vay, tình hình thực tế tại các xã bị ảnh hưởng trực tiếp. Qua công tác nắm tình hình, đơn vị đã phối hợp lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định 201 món vay với tổng số tiền 2,636 tỉ đồng. Cùng với đó, PGD này cũng nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng đủ điều kiện vay để khôi phục sản xuất sau bão lũ thiệt hại nặng nề.
Sau bão lũ, đông đảo người dân xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đến điểm giao dịch xã để thực hiện vay vốn. |
Xuất phát từ nhu cầu vay vốn của các đối tượng đủ điều kiện được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách, PGD NHCSXH huyện Bố Trạch đã chủ động báo cáo Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị để kịp thời phân giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng từ nguồn vốn thu hồi của các xã chưa có nhu cầu vay vốn để bổ sung kịp thời cho các xã có nhu cầu; đồng thời hướng dẫn bà con lập hồ sơ đề nghị vay vốn để khôi phục sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Theo đó, ngày 19/11 vừa qua là ngày giao dịch xã theo thời gian quy định, NHCSXH huyện Bố Trạch đã kịp thời chuyển tải giải ngân cho các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng có nhu cầu vay vốn ngay tại điểm giao dịch xã Phúc Trạch với số tiền 2,5 tỷ đồng cho 57 hộ vay vốn.
Được biết, xã Phúc Trạch hiện có tổng dư nợ hơn 75 tỷ đồng, với số khách hàng vay vốn là trên 1.500 khách hàng. Đồng thời, Phúc Trạch cũng là xã có số dư nợ lớn nhất huyện Bố Trạch và toàn tỉnh Quảng Bình. Cụ thể, bình quân dư nợ 1 tổ TK&VV ở xã này đều đạt hơn 2 tỷ đồng.
Có thể nói rằng, hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi của NHCSXH tỉnh Quảng Bình nói chung và PGD NHCSXH huyện Bố Trạch nói riêng trong đợt vừa qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng để giúp các hộ vay vốn nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, khắc phục những hậu quả nặng nề do bão, lũ liên tiếp và góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới.