Nhiều cây bản địa bị chặt hạ trái phép khi thực hiện khai thác, tỉa thưa rừng phòng hộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 18 năm trồng cây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định cho phép tỉa thưa và trồng dặm cây keo tràm để phát triển cây bản địa gồm 12 lô, khoảnh 13, 14 tiểu khu 134 thuộc xã Bình Thành, thị xã Hương Trà. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án khai thác tỉa rừng, nhiều cây bản địa đã bị chặt hạ; ngoài  cây chưa có dấu sơn đỏ (dấu bài) cũng đã bị đốn hạ.
Nhiều cây bản địa bị chặt hạ khi thực hiện tỉa thưa rừng phòng hộ tại tiểu khu 134 xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nhiều cây bản địa bị chặt hạ khi thực hiện tỉa thưa rừng phòng hộ tại tiểu khu 134 xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế

Dự án rừng trồng phòng hộ JBIC được giao cho cộng đồng thôn Hoà Dương (cộng đồng thôn Hòa Bình và thôn Bình Dương cũ) xã Bình Thành, thị xã Hương Trà triển khai từ năm 2004 với việc trồng mới rừng keo và cây bản địa. Sau 18 năm trồng cây, đến nay Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phê duyệt phương án tỉa thưa 10,9ha gỗ nhằm tạo không gian dinh dưỡng cho cây bản địa sinh trưởng, trồng bổ sung nâng cấp chất lượng rừng.

Đồng thời giao trách nhiệm cho UBND xã Bình Thành phổ biến quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo quyết định số 109/2008/QĐ-BNN ngày 11/11/2008 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành quy chế hưởng lợi áp dụng đối với dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên vay vốn ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đến cộng đồng thôn Hòa Dương; và kiểm tra, giám sát việc thực hiện tỉa thưa, khối lượng gỗ khai thác theo phương án phê duyệt.

Nhiều diện tích rừng trồng phòng hộ JBIC dù là khai thác tỉa thưa, nhưng đã có dấu hiện chặt hạ gần hết.

Nhiều diện tích rừng trồng phòng hộ JBIC dù là khai thác tỉa thưa, nhưng đã có dấu hiện chặt hạ gần hết.

Vị trí thực hiện khai thác gồm 12 lô, khoảnh 13, 14 tiểu khu 134. Đối tượng cây tỉa thưa là các cây keo cong queo, sâu bệnh chèn ép cây bản địa và tập trung mật độ dày để giải phóng tán; cây keo chặt hạ đã được đánh dấu sơn đỏ tại vị trí D1,3m và vị trí gốc cây. Cây keo giữ lại phải đảm bảo phân bố đồng đều trên toàn bộ diện tích. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án khai thác tỉa rừng trồng phòng hộ đã xảy ra tình trạng như đốn hạ cây chưa có dấu bài, làm gãy đổ nhiều cây bản địa.

Theo ông Trần Minh (SN 1963, thôn Hòa Dương, xã Bình Thành) cho biết: "vào khoảng 17h ngày 12/4/2022, chúng tôi vào thăm rừng JBIC phát hiện hàng chục cây keo và cây bản địa đã bị chặt hạ và cắt khúc chuẩn bị vận chuyển đi ra khỏi rừng. Thôn Hòa Dương có 132 hộ dân là những người có công trồng và chăm sóc rừng JBIC từ nhiều năm nay. Lẽ ra lực lượng khai thác phải là người dân ở cộng đồng có tham gia trồng rừng; với quy định lượng gỗ thu về sẽ bán đấu giá và chia đều cho các khoản chi như công khai thác, chi phí quản lý, công chăm rừng mới...và phải được thông qua tại cộng đồng. Thế nhưng, khi có người trúng thầu đã không họp dân để bàn bạc, thay vào đó đưa người ngoài vào tham gia khai thác gây bức xúc cho những thành viên trồng và chăm sóc rừng bao lâu nay".

Sau khi có phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng liên quan đã kiểm tra và đình chỉ hoạt động khai thác tỉa thưa tại đây.

Sau khi có phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng liên quan đã kiểm tra và đình chỉ hoạt động khai thác tỉa thưa tại đây.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, sau khi nhận được phản ánh, Chi cục đã phối hợp với lực lượng liên quan đi đến hiện trường để kiểm tra vụ việc. Tại hiện trường, đã phát hiện có 19 cây đã bị chặt hạ trái phép. Trong đó có 1 cây keo 18 năm tuổi đường kính 30cm không đánh dấu bài và 18 cây bản địa gồm 16 cây dầu rái, 2 cây sao đen với đường kính từ 3-5cm. Không chỉ vậy, hoạt động khai thác tỉa thưa tại đây cũng thi công đường vào sai thiết kế.

“Theo chúng tôi thì các cây bản địa bị đốn hạ là do trong quá trình phát thực bì, người trúng thầu đã cắt hạ nhầm chứ không phải vì mục đích khai thác. Hiện đã tổ chức thu hồi các cây bị chặt hạ trái phép và vận chuyển về UBND xã Bình Thành để tiến hành giám định. Chi cục kiểm lâm tỉnh cung đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động khai thác tỉa thưa tại đây và đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để xử lý theo quy định của pháp luật ”- ông Tuấn cho biết thêm.

Việc làm đường vào khai thác, tỉa thưa rừng cũng sai thiết kế

Việc làm đường vào khai thác, tỉa thưa rừng cũng sai thiết kế

Đây là dự án phát triển rừng bền vững, trồng xen cây keo tràm với các loài cây bản địa, sau đó khai thác tỉa thưa và trồng dặm mới cây keo tràm để phục hồi đất, đảm bảo độ che phủ cho cây bản địa phát triển. Vì vậy việc giám sát cộng đồng trong khai thác, tỉa thưa rất cần thiết và cần có kế hoạch tổ chức thực hiện đúng quy định tránh khai thác sai kỹ thuật ảnh hưởng đến rừng cây bản địa. Ngoài ra, việc tổ chức khai thác lâm sản theo phương án phê duyệt và bàn giao sản phẩm cho người trúng đấu giá. Trường hợp thiếu nhân lực được thuê lao động bên ngoài để khai thác nhưng phải bố trí đủ nhân lực để giám sát chặt chẽ quá trình tỉa thưa, khối lượng gỗ khai thác; đảm bảo đúng các quy định về tỉa thưa nâng cấp rừng, chất lượng rừng sau khai thác.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Đọc thêm