Nhiều kỳ vọng tại dự án cảng Vạn Ninh hơn 2.200 tỷ đồng

(PLVN) -  Được xây dựng ở khu vực chiến lược kinh tế thuộc thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), Cảng biển Vạn Ninh được kỳ vọng không chỉ là điểm trung chuyển hàng hoá trong nước mà còn giữ vai trò cửa ngõ kết nối giữa Trung Quốc, các nước Đông Bắc Á với Việt Nam và ASEAN.
Nhân viên đơn vị tư vấn, thiết kế làm việc tại khu vực xây cảng Vạn Ninh

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã bổ sung bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (Móng Cái, Quảng Ninh) vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bến cảng Vạn Ninh được đề xuất quy hoạch là bến tổng hợp, hàng lỏng, khí, hành khách; có các bến cho các phương tiện thủy nội địa; tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 20.000 DWT và lớn hơn khi đủ điều kiện.

Ông Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, khu vực kinh tế cửa khẩu Móng Cái rất sôi động, năng động nhưng lại thiếu cảng biển. Do vậy, việc xây dựng cảng Vạn Ninh vừa phù hợp với quy hoạch của Bộ GTVT, vừa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ninh, hiện nay, các cơ quan liên quan đang khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật để dự án sớm được khởi công xây dựng. Sau khi cảng Vạn Ninh hoàn thành, sẽ phục vụ nhu cầu hàng hóa thông qua thành phố Móng Cái, liên vùng cũng như cả nước và quốc tế.

Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết, hiện nay mặt bằng của dự án đã có sẵn, không cần phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, rất thuận lợi cho việc triển khai dự án. Theo quy hoạch, dự án được thực hiện trên diện tích gần 83 ha, có vị trí thuận lợi cho tiếp nhận hàng hoá vận tải đường thuỷ, không chỉ là vận tải trong nước mà cả vận tải quốc tế từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Phối cảnh cảng tổng hợp Vạn Ninh.

Theo ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, địa phương đang thực hiện các thủ tục cần thiết để tìm nhà đầu tư cho dự án hơn 2.200 tỷ đồng này. Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng 500m bến cầu chính có thể đậu, đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; xây dựng 180m bến sà lan ở phía trong, tiếp giáp bờ; xây dựng 3 cầu dẫn cùng hệ thống hạ tầng kho, bãi và các công trình phụ trợ, thiết bị.

Khi dự án xây xong, sẽ hình thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển tại khu vực cửa khẩu Móng Cái. Đặc biệt, ngoài là điểm trung chuyển hàng lỏng/khí, cảng sẽ là điểm trung chuyển hàng nông sản từ miền Nam ra Bắc để xuất sang Trung Quốc. Cũng là điểm trung chuyển hàng hoá từ khu vực Đông Bắc Á đến Trung Quốc, Asean và ngược lại.

Liên quan đến công tác đấu thầu tìm nhà đầu tư, ông Hoàng Trung Kiên cho biết, nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi chung theo quy định khi đầu tư tại khu kinh tế Quảng Ninh. Hiện, đơn vị đã đưa thông tin mời thầu lên mạng đấu thầu quốc gia được khoảng 1 tuần nay. Nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án có thể nộp hồ sơ đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu, đồng thời gửi về Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh trước ngày 13/10/2021. Dự kiến, sau khoảng 30 ngày, đơn vị sẽ “đóng thầu” và kiểm tra hồ sơ, năng lực các nhà đầu tư.

Để tạo thuận lợi cho việc phát triển dự án nói trên, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện xây dựng dự án giao thông đường bộ nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh, dài 9,5km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 521 tỷ đồng, do thành phố Móng Cái làm chủ đầu tư. Hiện nay một số gói thầu của dự án đang được triển khai thi công.

Đọc thêm