Nhiều tỉnh nợ xây dựng cơ bản vẫn được rót vốn?

(PLO) - Vi phạm các quy định về quản lý vốn đầu tư công tại các địa phương là khá trầm trọng, thậm chí có tỉnh nợ xây dựng cơ bản lên đến cả nghìn tỷ đồng nhưng vẫn được rót vốn, bất chấp Chỉ thị số 23/CT - TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Luật Đầu tư công.

Nhiều sai phạm

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, hiện có 17 tỉnh, thành đang nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) trên 1.000 tỷ đồng, điều này đã ảnh hưởng lớn đến ngân sách nhà nước và là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nợ công ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khi những địa phương nằm trong “danh sách đỏ” về nợ đọng XDCB vẫn tìm cách để được Trung ương rót vốn. Theo phản ánh của dư luận, tại một số tỉnh, việc phân bổ vốn kế hoạch trung hạn 5 năm (2016 -2020) thực hiện theo Chỉ thị số 23, Văn bản hướng dẫn số 916 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn bị làm trái quy định khi có tới 17 địa phương được xếp vào diện nợ đọng XDCB “khủng” của cả nước nhưng vẫn trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin khởi công nhiều công trình mới có mức đầu tư rất lớn.

Hiện nay còn tồn tại tình trạng các tỉnh chưa giải quyết xong nợ đọng XDCB đã khởi công dự án mới dù chưa được bố trí vốn, nhưng vẫn tổ chức lựa chọn nhà thầu và để nhà thầu ứng vốn thi công, gây phát sinh nợ đọng. Một số tỉnh, thành phố chưa bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành, bàn giao và dự án đang thi công dang dở, nhưng vẫn khởi công các công trình mới, dẫn đến nợ đọng XDCB. 

Đặc biệt, nhiều công trình chưa được quyết định đầu tư, chưa hề được ghi vốn trong kế hoạch nhưng các chủ đầu tư vẫn tiến hành triển khai. “Việc bố trí vốn như vậy vừa trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa gây ra những gánh nặng cho các nhà thầu khi một lượng lớn vốn bị đọng lại, không được thanh toán trong thời gian dài”, một chuyên gia xây dựng đánh giá.

Trước tình trạng này, dư luận đặt câu hỏi phải chăng có sự “bật đèn xanh” của cơ quan chủ quản thì những dự án này mới công khai tăng thêm nợ công cho tỉnh nhà.

Theo Chỉ thị 23, việc phân bổ vốn trung hạn phải được ưu tiên trả nợ những công trình đã có khối lượng hoàn thành, công trình chuyển tiếp; nghiêm cấm việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn để khởi công mới các dự án (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Nặng công nợ dây dưa

Thế nhưng thời gian vừa qua có nhiều công trình được khởi công mới, được bố trí vốn khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ vẫn diễn ra ở 7 tỉnh nợ đọng XDCB  lớn nhất cả nước với lý do đã được thẩm định ở cấp Bộ.

Đáng nói, những công trình khởi công mới này được cấp vốn từ 30-80 tỷ trong giai đoạn 5 năm (2016-2020). Việc này dẫn đến nợ đọng trong XDCB triền miên, dàn trải kéo dài gây lãng phí tiền của Nhà nước, trong khi đó có nhiều công trình đã hoàn thành và công trình chuyển tiếp thì không được bố trí trả nợ, hoặc trả nợ quá ít gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Liên quan đến tồn tại này, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố tập trung thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng đến năm 2015, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT - TTg ngày 5/8/2014 về triển khai Luật Đầu tư công.

Theo các chuyên gia, những dấu hiệu sai phạm nêu trên là rất nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa phản ánh hết những hạn chế trong công tác quản lý vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ tại các địa phương.

Dư luận nghi ngờ để xảy ra tình trạng trên, có sự bày vẽ, chỉ đường của ai đó? Bởi vậy, dư luận đang rất quan tâm tới việc hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc kiểm tra, rà soát phân bổ vốn trung hạn tại những tỉnh nợ đọng XDCB lớn cả nước theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT - TTg ngày 5/8/2014 về triển khai Luật Đầu tư công./.

Đọc thêm