Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Đề án đã có đóng góp về phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tại các địa phương. Trong 500 đội viên tham gia Đề án này, 64,3% là người dân tộc thiểu số.
Vì vậy, Đề án này cũng là chính sách phát triển nguồn nhân lực đồng bào thiểu số. Hiện còn 414/500 trường hợp chưa được bố trí công việc. Trong đó, 91 trường hợp đã có phương án, 323 trường hợp chưa có phương án bố trí nên Bộ Nội vụ phải bàn với các địa phương.
Một trong những tồn tại là một số địa phương có tư tưởng, quan niệm đây là Đề án của Trung ương, của Bộ Nội vụ, dẫn đến việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội viên là trách nhiệm của Trung ương, Bộ Nội vụ chứ không thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Do đó, một số địa phương chưa chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí sử dụng đội viên sau khi kết thúc Đề án; chưa gắn công tác bố trí, sử dụng đội viên với công tác tuyển dụng công chức, viên chức của tỉnh dẫn đến việc khi Đề án kết thúc, nhiều tỉnh không còn vị trí, biên chế để tuyển dụng đội viên Đề án.