Hội An tổ chức Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016

(PLO) -Vào ngày 28 và 29/3, “Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam- châu Á 2016” diễn ra tại Làng Lụa Hội An (TP. Hội An, Quảng Nam). 
Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam- châu Á sẽ tổ chức tại Làng Lụa Hội An
Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam- châu Á sẽ tổ chức tại Làng Lụa Hội An
Đây là hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi sự kiện mừng kỷ niệm 41 năm giải phóng TP. Hội An.
Theo chị Đỗ Khải Ly, phụ trách công tác đối ngoại của Làng Lụa Hội An, Festival sẽ có hai chủ đề. Thứ nhất, khôi phục nét văn hóa truyền thống của lụa Việt Nam gồm những sự kiện: Lễ hội dâng hương Bà Chúa tơ tằm xứ Quảng; Giới thiệu và trình diễn kỹ thuật dệt truyền thống của các làng nghề Tân Châu với sản phẩm Mỹ Á một thời nổi tiếng; kỹ thuật dệt hoa văn cổ đám cưới của người Chăm; dệt thổ cẩm dân tộc Cơ-tu, lụa tơ tằm thiên nhiên làng nghề miền Bắc tại tỉnh Bắc Giang.
Festival có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn
Festival có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn 
Tất cả các cuộc trình diễn đều được phối hợp với nghệ nhân các làng nghề, trình diễn, hình ảnh và sản phẩm thật.
Ngoài ra, còn có trưng bày sản phẩm hiện đại của 7 làng dệt tiêu biểu Việt Nam như Nha Xá, Vạn Phúc, Mã Châu, Tân Châu… và đưa khách tham quan quy trình ươm tơ dệt lụa của Làng lụa Hội An. Đặc biệt, một phiên chợ ẩm thực “Hồn quê” sẽ đưa khách trở về với không gian phiên chợ làng dệt, những món ăn dân dã cổ truyền.
Chủ đề 2, “Con đường tơ lụa đi vào đời sống hiện đại” với các sự kiện: Hội thảo với chủ đề “Tơ lụa trong đời sống hiện đại” với các ý kiến của các nghệ nhân trong nước, các nhà thiết kế thời trang và các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh lụa tơ tằm đến từ Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Chương trình có sự góp mặt của nhiều nhà thiết kế thời trang và đơn vị kinh doanh, sản xuất tơ lụa nhiều nước trên thế giới
 Chương trình có sự góp mặt của nhiều nhà thiết kế thời trang và đơn vị kinh doanh, sản xuất tơ lụa nhiều nước trên thế giới
Ký kết hợp tác giữa các nhà sản xuất và thiết kế thời trang; Chương trình trình diễn thời trang tối 28/3 với sự góp mặt của các nhà thiết kế trẻ, những gương mặt mới và thành công nổi bật trong làng thời trang Việt Nam qua những bộ sưu tập trang phục từ chất liệu lụa tơ tằm đặc sắc. Đặc biệt, sự góp mặt của một nhà thiết kế thời trang đến từ Tây Ban Nha, được xem như là “một cuộc chơi thổ cẩm và lụa tơ tằm”, với những chiếc đầm tinh tế, gợi cảm của thương hiệu Chula Fashion đang chinh phục thị trường Việt.
Bên cạnh đó, sẽ có triển lãm sản phẩm lụa các nước Thái Lan, Campuchia, Lào,Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar. Người dự lễ hội có thể xem, đối chiếu so sánh sự phát triển công nghệ và khả năng tiêu dùng giữa lụa Việt và lụa của các nước làng giềng, cũng là cơ hội học hỏi trao đổi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân, các đơn vị sản xuất, và một sự chọn lựa chất liệu phong phú cho các nhà thiết kế, các nhà may ở Hội An.
Mô hình bảo tàng sống về nghề ươm tơ dệt lụa ở Quảng Nam
Mô hình bảo tàng sống về nghề ươm tơ dệt lụa ở Quảng Nam 
Sau 3 năm đi vào hoạt động, dự án trưng bày và sản xuất tơ lụa Quảng Nam với cái tên Làng Lụa Hội An đến nay đã đi vào lòng người, trở thành một mô hình bảo tàng sống về nghề ươm tơ dệt lụa ở Quảng Nam. Ngoài quy trình ươm tơ dệt lụa Việt và Chăm được tái hiện sống động bằng hiện vật, Làng Lụa Hội An còn lưu giữ hàng trăm hiện vật cổ: cây dâu cổ thụ Chăm, máy dệt Cữu Diễn và nhiều dụng cụ quay tơ thế kỷ 19, 20.
Chị Đỗ Khải Ly, cô gái trở thành "đại sứ" đưa lụa tại Làng Lụa Hội An và Việt Nam ra với bạn bè quốc tế
 Chị Đỗ Khải Ly, cô gái trở thành "đại sứ" đưa lụa tại Làng Lụa Hội An và Việt Nam ra với bạn bè quốc tế
“Trong quá trình phấn đấu trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, chúng tôi chào đón, hỗ trợ các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ để cùng tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, văn hóa, triển lãm mỹ thuật…. Đặc biệt, cuối năm 2014, tại Làng Lụa Hội An cũng diễn ra Lễ hội Văn hóa Tơ lụa Việt Nam với sự tham gia của 7 làng lụa và Nhật Bản. Cuối năm 2015, chúng tôi tổ chức Lễ hội giao lưu văn hóa Quảng Nam, giới thiệu thêm văn hóa thổ cẩm người Cơ tu, rất được du khách yêu thích. 2 năm nay cũng là giai đoạn đánh dấu các mối quan hệ quốc tế của Làng Lụa có nền tảng bền vừng. Đến nay, Làng Lụa Hội An trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam là thành viên sáng lập của Hiệp hội Tơ lụa Thế giới và Hiệp hội Tơ lụa Châu Á”, chị Khải Ly cho biết.
Được biết, tại Hội thảo tơ lụa quốc tế (Học viện Mekong, Thái Lan) và Diễn đàn tơ lụa thế giới (Trung Quốc) mới đây, chị Đỗ Khải Ly là khách mời trẻ tuổi nhất tham dự. Tại đây, Khải Ly đã trở thành “đại sứ” đưa lụa tơ tằm của làng lụa Hội An cũng như lụa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Đọc thêm