Huyền tích về Dương Qúy Phi và tục thờ Tứ vị Thánh Nương

(PLVN) - Tại Hưng Yên, Nghệ An và nhiều tỉnh, thành khác, Dương Quý Phi và Tứ vị Thánh Nương được nhân dân tôn cấp lập đền thờ phụng với nhiều huyền tích linh thiêng.
Huyền tích về Dương Qúy Phi và tục thờ Tứ vị Thánh Nương

Thần tích về Dương Quý Phi tại Hưng Yên

Đền Dương Quý Phi tọa lạc ở bên hồ Bán Nguyệt, xưa thuộc xã Hoa Dương, tổng An Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc phường Quang Trung, thị xã Hưng Yên). 

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép về ngôi đền này đại ý như sau: “Tương truyền, khoảng đời Thiệu Bảo, có người Nội thị ở triều đình Bắc quốc, theo thuyền buôn của người châu Hoan ra đến khúc sông thuộc xã Xích Đằng làm nhà ở trên bãi cát, lại dựng một gian đền, thờ Dương thị là Quý Phi, cầu đảo thường được linh ứng, từ đấy người đến tụ họp mỗi ngày một đông, thành một thôn xóm, lập thành thôn Hoa Dương, đền miếu được sửa sang thêm rộng rãi đẹp đẽ.

Bỗng một hôm, người Nội thị họp người trong thôn nói rằng: “Tôi là Thái giám nhà Tống, năm Tường Hưng thứ 1 (1278), theo Bính hoàng đế nhà Đại Tống chạy ra bãi biển, bị Hoành Phạm nhà Nguyên đuổi sát, đế Bính cùng thái hậu, phi tần đều nhảy xuống biển tự vẫn. Tôi nhảy sang một chiếc thuyền chài mới được thoát thân, lưu lạc đến bãi biển Chà Bàn, hơn một năm trời.

Một hôm, tôi nằm mộng thấy Thái hậu Dương thị, cùng em là Quý Phi, mỹ nhân là Kim thị và Liễu thị từ trong biển bước ra, tôi đi vội đến trước mặt sụp lạy. Thái hậu bảo tôi rằng: “Chị em ta sau khi nhảy xuống biển, thượng đế khen là người trinh liệt, phong cho làm Hải thần các cửa biển ở châu Hoan và Sơn Nam đều thuộc chị em ta quản lãnh.

Ông là tôi con bản triều, nay lưu lạc đất khách quê người, nên đến cửa Cờn ở châu Hoan thăm hỏi một lần, rồi lại đến chỗ thượng lưu là Đằng giang, hạ lưu là Hoàng giang ở huyện Kim Động, thuộc Khoái Châu, trấn Sơn Nam mà phụng thờ Quý Phi, chỗ ấy non nước thanh tú, sau này người nước ta đến đấy tụ họp không phải là ít, nhân vật đông đúc thịnh vượng, hậu thân ông cũng được nương tựa lâu dài”.

Khi thái giám mất, dân làng tôn làm thành hoàng làng, ngôi mộ được giữ gìn trong khuôn viên của đình Hiến. Trong hậu cung đền có tượng Dương phi cùng hai người hầu là Kim Thị và Liễu Thị.

Như vậy, Dương Quý Phi ở đây là Dương Thái hậu được tuyển vào cung thời vua Tống Độ Tông (1265-1274), được phong là Dương Thục phi, sinh ra Triệu Cương. Khi Triệu Cương lên ngôi, sách phong bà làm Thái hậu. (Trích Đại Nam Nhất thống chí). Trong tích quan thái giám của Dương Quý Phi cũng kể lại chuyện này và danh xưng là theo Bính Hoàng đế nhà Đại Tống.

Theo “Đại Nam nhất thống chí” Đền Mẫu xây dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279). Trải qua các triều đại, Đền đều được trùng tu. Năm Thành Thái thứ 8 (1896), Đền Mẫu được trùng tu lớn có quy mô như ngày nay. Năm 1990, Đền Mẫu đã được Bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Xưa đến nay, đền Mẫu Hoa Dương nổi tiếng là ngôi đền thiêng của cứ nhãn. Những ngày tuần tiết, lượng người đổ về đây rất đông để lễ bái, cầu xin điều bình an cho gia đình. Mọi người truyền nhau về việc xin thẻ Thánh mẫu vô cùng “linh nghiệm”, hay việc cầu con, cầu cái đều thuận nếu nhất tâm. Vì vậy, mới đủ thấy vị trí của bà Dương Quý Phi trong tâm thức người dân, được coi thần nữ bảo hộ cho cuộc sống, gia đình mọi người. 

Tục thờ Tứ vị Thánh Nương tại Nghệ An

Tục thờ Tứ vị Thánh Nương xuất hiện nhiều ở các vùng văn hóa sông nước của Việt như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội (các khu vực sông lớn)… Theo thống kê của Ninh Viết Giao, chỉ riêng huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ngoài đền Cờn còn có tới 30 nơi khác thờ, ở huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) cũng có tới 20 làng thờ bốn vị thánh nữ này, theo cuốn Thanh Hóa chư thần lục thì ở Thanh Hóa có tới 81 nơi thờ. Một số công trình nghiên cứu của các tác giả khác cho biết, tục thờ này có ở Quảng Ninh, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam… Nổi tiếng nhất đền Cờn Môn (Nghệ An), đền Đại Lộ (Hà Nội)…

Truyền thuyết lưu truyền ở các địa phương có thờ Tứ vị Thánh nương đều kể rằng, họ có bốn người, trong số đó, nhân vật chính là mẹ của vị vua cuối cùng của nhà Tống. Có một số tích xuất hiện 2 thị nữ theo hầu Kim Thị và Liễu Thị (tại đền Hoa Dương, Hưng Yên), thái hậu họ Dương, hoàng hậu và hai công chúa (đền Cờn, Nghệ An)…

Tuy các nhiều dị bản, nhưng việc xuất hiện Dương Quý Phi và Tứ vị Thánh Nương cũng đã làm phong phú thêm đời sống tâm linh người dân tại các địa phương. Cũng như các thần tích, hệ thống đền thờ khẳng định vị trí quan trọng của bà trong tâm thức người dân, đặc biệt người đi biển.

Dù ngày nay, phố Hiến, Hưng Yên đã là vùng đất đồng bằng trù phú, nhưng xưa kia đây được coi  là thương cảng lớn. Hiện nay, cạnh đền còn chiếc giếng tròn, nhân dân tương truyền đó “rốn biển” xưa để lại, cũng gần nơi Dương Quý Phí trôi về nơi đây và nhân dân lập đền thờ. Ở bất cứ  câu chuyện nào, bà vẫn là vị thần nữ linh thiêng và được nhân dân tôn kính. Trong đền Cờn  có nhiều câu đối và hoành phi ca ngợi gương hy sinh để giữ tấm lòng trinh liệt của bà. 

Vẫn còn nhiều bí ẩn của huyền sử và tín ngưỡng về vị Quý Phi này trong văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, móc nối hai thần tích tại hai ngôi đền lớn có sự xuất hiện của bà thì thấy đều là một người, có vai trò và vị trí lịch sử được tiền nhân chép lại.

Còn Tứ vị Thánh Nương là sự biến thể văn hóa từng vùng miền, mỗi nơi, người dân họ có sự phụng thờ riêng với từng vị Thần hình thành gần gũi trong tâm thức của họ. Duy chỉ vị trí trung tâm hình thành tục thờ này vẫn là nhân vật Dương Quý Phi, sau này được nhân dân tôn thờ Thánh Mẫu – vị thần bảo hộ người dân vùng biển.

Thần tích ghi lại về sự linh thiêng của bà Dương Quý Phi như sau:  Đời Vua Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 2 (1294), thân chinh đi đánh Chiêm Thành, khi qua đây nằm mộng thấy thần nữ (chỉ Dương Quý Phi) đến xin âm phù giết giặc. 

Thắng trận trở về, vua Lê Thánh Tông không quên dừng lại ở Đền Cờn để cảm tạ công đức của Thánh nữ, ban sắc là “Đại Càn Thánh Nương Quốc gia, Nam Hải Tứ vị Thượng đẳng thần”. 

Từ đó, Đền Cờn là một trong nơi linh thiêng phụng thờ Dương Quý Phi và các Thánh nương khác. Đền là chốn gửi gắm tâm linh của người dân làng Phương Cần mỗi khi vào lộng ra khơi. Thuyền bè từ nơi khác qua lại cũng vào thắp hương cầu xin Tứ vị Thánh Nương cho bình yên, phúc lộc. Hàng năm, người dân tổ chức Lễ hội Đền Cờn vào dịp đầu xuân, lễ hội kéo dài gần tháng trời. Không chỉ vậy, khắp trong nam ngoài bắc đều đổ về cầu sức khỏe, bình an tài lộc.

Dù còn nhiều huyền tích, nhưng Dương Quý Phi và Tứ vị Thánh Nương đã bồi đắp thêm đời sống tâm linh người dân thêm phong phú. Họ có vị trí quan trọng, được nhân dân tôn cấp lập đền thờ phụng đến ngày nay. 

Đọc thêm