Những kịch bản cho Công đoàn Việt Nam

(PLO) - Vai trò của công đoàn mờ nhạt, từ khi ra đời đến nay tổ chức này chưa thực hiện một cuộc đình công thành công. Đặc biệt một cuộc khảo sát mới đây của Viện Công nhân và Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) còn cho thấy phần lớn công nhân không tin vào công đoàn. Đó là thực trạng các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo khoa học “Việc hình thành các tổ chức công đoàn trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề pháp lý liên quan đến điều chỉnh hoạt động” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 24/8 tại Hà Nội.
Đại diện Công đoàn Đồng Nai tổ chức đối thoại với công nhân (Hình minh họa)
Đại diện Công đoàn Đồng Nai tổ chức đối thoại với công nhân (Hình minh họa)

“Đứa con một” yếu kém

Tham dự hội thảo, phần lớn các đại biểu, nhà khoa học tham dự buổi hội thảo đều nêu lên trăn trở về vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn từ trước đến nay. PGS, TS Nguyễn Như Phát, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) dẫn câu hỏi “Công đoàn đã tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa?” của Bí thư TP HCM Đinh La Thăng với lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP tại buổi làm việc sáng 23/8 ở Khu chế xuất Tân Thuận, đặt câu hỏi về vai trò của công đoàn hiện nay như thế nào?

 TS Nguyễn Huy Khoa (Đại học Công đoàn) cho rằng tổ chức công đoàn hiện nay chia thành hai dạng: Chuyên trách và kiêm nhiệm. Với người kiêm nhiệm sẽ cùng lúc đóng hai “vai” khi vừa có quan hệ lao động với chủ doanh nghiệp, đồng thời là đại diện quyền lợi cho người lao động tại doanh nghiệp đó. Do đó, công đoàn chịu tác động của chủ doanh nghiệp là điều chắc chắn. Về giải pháp, TS Khoa cho rằng bền vững nhất là luật cần có những quy định để tổ chức công đoàn hoạt động độc lập.

Cùng quan điểm, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - TLĐLĐVN) cho biết kể từ khi ban hành Bộ luật Lao động (năm 1994), Việt Nam có hơn 6.000 cuộc đình công, ngưng việc tập thể nhưng chưa có cuộc đình công nào thành công. Lí do là không có sự tham gia của công đoàn nên bị xem đình công trái pháp luật.

Viện trưởng Thọ ví von tổ chức công đoàn Việt Nam ra đời từ năm 1929, là “đứa con một” luôn được chăm bẵm mà không có bất cứ thử thách nào. Mới đây Viện này tổ chức một cuộc khảo sát với 4000 phiếu hỏi thì phần lớn công nhân cho biết họ tự tổ chức đình công vì không tin tưởng vào công đoàn. Đó là chưa kể tới những bất cập trong luật quy định về đình công hiện nay chẳng khác nào đánh đố người lao động. 

Ông lấy ví dụ như muốn tổ chức đình công phải thu thập đủ số lượng chữ kí hơn 50% người lao động tại cơ sở. Công việc này ít nhất phải mất mấy ngày liền, thậm chí cả tháng mới hoàn thành. Đó là chưa kể trình độ người lao động còn hạn chế, chưa thể hoặc thực hiện rất khó khăn những yêu cầu trên: “Nếu chờ đến khi hoàn thành các thủ tục thì người sử dụng lao động đã có thời gian xoa dịu bức xúc người lao động, thương thảo dàn xếp mọi chuyện. Thời cơ đình công đã bỏ lỡ thì rất khó thành công”, ông Thọ nói.

Giải đáp những thắc mắc trên, đại diện TLĐLĐVN cho rằng cần làm rõ thế nào là đình công. Thực tế không đủ cơ sở kết luận con số 6.000 cuộc đình công thất bại. Đây chủ yếu là những buổi ngưng việc tập thể, là phản ứng tức thì của công nhân. Còn đình công thì phải qua giai đoạn thương lượng không thành. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngàng - Phó Chủ tịch TLĐLĐVN thừa nhận quy định pháp luật về đình công hiện nay là quá phức tạp, cần thời gian dài. Thực tế nhiều trường hợp khi đại diện công đoàn tới nơi thì công nhân không còn nhu cầu đình công nữa. Lãnh đạo TLĐ cũng nhận một phần lỗi bởi vai trò mờ nhạt của tổ chức công đoàn thời gian qua và cho rằng muốn thay đổi phải cần một quá trình. 

Những kịch bản cho công đoàn Việt Nam

Tham dự hội thảo, TS Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ tưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đưa ra ba dự báo về công đoàn Việt Nam khi nước ta thực thi cam kết về quyền tự do hiệp hội, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Nhà nước sẽ ban hành pháp luật rõ ràng, chặt chẽ và có đủ năng lực đảm bảo công đoàn độc lập được thành lập nghiêm túc. Công đoàn khi đó thực sự là của người lao động, đại diện bảo vệ lợi ích người lao động. Đồng thời Nhà nước sẽ quy định chặt chẽ, kiểm soát không cho ra đời những tổ chức không trong sáng hoặc nhằm mục đích khác. Tất nhiên sẽ có những quy định bảo vệ cán bộ công đoàn khỏi sự đối xử bất công từ phía người sử dụng lao động. Theo kịch bản này, ở Việt Nam thực tế vẫn chỉ có một tổ chức TLĐ, nhưng chất lượng tổ chức công đoàn được cải thiện đáng kể.

Kịch bản thứ hai là có nhiều tổ chức công đoàn mới được thành lập, hoạt động mang tính chất xây dựng và không tác động xấu tới an ninh trật tự xã hội. Theo TS Bình, nếu luật quy định chặt chẽ, được thực hiện tốt thì bên cạnh tổ chức TLĐ duy nhất là tổ chức chính trị xã hội sẽ có thêm những tổ chức công đoàn chỉ có chức năng đại diện cho người lao động trong quan hệ lao động. Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng đây là kịch bản lành mạnh, người lao động sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, an ninh chính trị đảm bảo.

Bên cạnh đó, sẽ không loại trừ kịch bản tiêu cực về tổ chức công đoàn. Đó là xuất hiện những tổ chức hoạt động xâm hại tới an ninh trật tự xã hội. TS Bình dự báo nếu luật pháp không đi vào cuộc sống khiến người lao động không thành lập được tổ chức công đoàn thực sự đại diện cho mình. Trong khi đó, người sử dụng lao động luôn tìm cách thành lập các tổ chức công đoàn mang tính hình thức để bảo vệ quyền lợi của chủ doanh nghiệp, đi ngược lại quyền lợi người lao động. Còn Nhà nước không quản lý được, sẽ dẫn đến hệ quả là những phần tử chống đối tìm cách tiếp xúc với công nhân để thành lập tổ chức công đoàn vì mục đích không lành mạnh.

Tuy nhiên theo TS Bình, thực tế gần như không có tình huống chỉ xảy ra một trong ba kịch bản trên mà sẽ là kịch bản thứ tư. Đây là kịch bản tổng hợp các kịch bản trên. Có nghĩa tổ chức TLĐ sẽ có những cải tổ mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn. Song song với đó là các công đoàn độc lập ra đời, ngày càng có vị thế và tiếng nói mạnh hơn.

Đọc thêm