Pháp luật chưa cho phép thì rất khó để cải cách thủ tục hành chính

(PLVN) - Đó là phản ánh của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19”.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa.

Hội nghị do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Hiệp hội (doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức chiều nay (26/5).

Theo ông Tô Hoài Nam, chúng ta đang có quyết tâm chính trị rất mạnh mẽ, đặc biệt là tính cấp thiết do bối cảnh hối thúc, sự hưởng ứng từ phía DN và nhân dân - điểm này tăng lên trong những tháng đầu năm 2020. Đây là thời cơ và cũng do tác động của Covid-19, buộc chúng ta phải hành động nhanh hơn.

“Muốn cải cách thủ tục thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật, khi quy định pháp luật chưa cho phép thì rất khó để cải cách, nhất là khi chúng ta thực hiện vào giai đoạn khó khăn này. 

Trong khi đó, việc giải quyết xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay là một thách thức lớn. Chúng ta đang áp dụng nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản, nhưng từ khi nguyên tắc này xuất hiện thì chúng ta chưa có nhiều kết quả trong việc thực hiện” - ông Nam nhận xét.

Nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin để xử lý các TTHC là “một quyết định hết sức đúng đắn và chính xác”, tuy nhiên để phát huy hết sức mạnh của công cụ này, ông Nam cho rằng không chỉ một phía làm được mà cả cộng đồng DN phải số hóa. 

Ngoài ra, phải tăng tính chủ động, linh hoạt và sáng tạo. “Muốn làm được điều này, chúng ta phải điều chỉnh mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, giữa chính phủ và bộ, ngành; điều chỉnh theo hướng cấp trên phân quyền nhiều hơn cho cấp dưới… Chỉ khi có sự chủ động mới có sự sáng tạo, có sáng tạo thì mới tạo nên được đột phá” - ông Tô Hoài Nam kiến nghị.

Đặt vấn đề “liệu còn dư địa nào để xã hội hóa các dịch vụ hành chính không?”, ông Nam nhận định: nếu dịch vụ hành chính công chuyển sang tư hoặc chuyển sang khu vực ngoài công lập thì bộ máy nhà nước sẽ gọn hơn, linh hoạt và năng động hơn, từ đó sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Theo ông Nam, cải cách TTHC liên quan mật thiết với cải cách hành chính nhà nước, do hai mối liên quan này gắn bó với nhau nên nếu mức độ và cấp độ cải cách TTHC và cải cách hành chính nhà nước khác và chênh lệch nhau thì sẽ níu kéo nhau, không tạo được hiệu quả.

“DN có cách hiểu nào khác về cải cách TTHC không? Theo khảo sát của chúng tôi thì thấy cộng đồng DN còn cách hiểu khác nữa, rộng hơn, đó là nhiệm vụ của cải cách TTHC còn phải phát hiện, thúc đẩy và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tạo chỗ dựa vững chắc cho các hoạt động kinh doanh mới mà thực tiễn đòi hỏi.

Ví dụ về “kinh tế ban đêm”... Phải hối thúc ra văn bản để tạo hành lang pháp lý thuận lợi. Nếu có hành lang pháp lý tốt về “kinh tế ban đêm” thì khu vực dịch vụ sẽ tăng doanh thu khoảng 20-25%” - ông Nam cho biết.

Đọc thêm