Trộm cướp, chặt chém, khách du lịch mất hứng với Việt Nam

(PLO) - Một trong những lý do khiến nhiều du khách trong và ngoài nước ái ngại khi đi du lịch ở Việt Nam bởi vấn nạn trộm cướp, lừa đảo, chặt chém… Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã có đối sách với vấn nạn này.
Nạn bán hàng rong đeo bám khách du lịch.
Nạn bán hàng rong đeo bám khách du lịch.

Khi du khách “một đi không trở lại”

Nicolas Cage, du khách người Pháp, lưu trú tại Việt Nam từ ngày 6/1/2015 đã có một trải nghiệm không thể nào quên. Nicolas mua một chiếc xe đạp và quyết định đạp từ TP HCM đến các tỉnh Nam Trung bộ với lộ trình từ TP HCM đến Vũng Tàu rồi xuyên qua cung đường biển.

Tuy nhiên, vừa rời khỏi trung tâm thành phố, đến khu vực Nhơn Trạch, Đồng Nai, anh đã bị bọn cướp chặn đường và lấy mất toàn bộ tiền bạc, thẻ tín dụng… May mắn là theo sự cảnh báo của nhiều người bạn khác, anh đã “nguỵ trang” giấy tờ tuỳ thân ở nơi khác nên không bị mất. Sau đó, Nicolas phải nhờ người nhà gửi tiền từ Pháp sang để anh có chi phí tiếp tục cuộc hành trình.

Đó không phải là chuyện quá hiếm gặp với các du khách nước ngoài đến Việt Nam. Có hẳn một trang web về kinh nghiệm du lịch khi đến Việt Nam của cộng đồng du lịch “bụi” nước ngoài, trong đó cảnh báo các rủi ro phải đối mặt khi du lịch tại Việt Nam như không nên chụp hình trên phố vì dễ bị cướp giật, các cách để không bị nâng giá, gian lận cước taxi và lừa đảo khi mua hàng...

Không chỉ có du khách “lạ nước lạ cái”, chuyện người Việt đi du lịch trong nước bị “chặt chém” hoặc rơi vào các tình trạng éo le khác đã không còn quá xa lạ.

Thậm chí thời gian qua còn có tình trạng một số đơn vị lữ hành “ma” được dựng lên để lừa đảo du khách, nhận du khách rồi “sang, bán” trái phép cho các hướng dẫn viên thiếu chuyên nghiệp, thậm chí cấu kết với những người bán hàng, kinh doanh dịch vụ khác để “moi tiền” của du khách.

Không ít du khách tâm sự, trở về sau chuyến du lịch họ mới cảm thấy hoàn hồn và không mặn mà với việc quay trở lại du lịch.  

Khó xử lý vì thiếu phối hợp

Tại hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội do UBND TP HCM tổ chức mới đây, ông Lã Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP HCM cho biết, mới đây Sở nhận hàng trăm văn bản của Tổng Lãnh sự quán Nhật, Úc, Đài Bắc… bày tỏ quan ngại về tình hình du khách nước họ bị cướp giật, xâm hại tài sản, sức khoẻ…khi đến du lịch tại Việt Nam và sự thiếu hợp tác của cơ quan chức năng khi được du khách các nước này phản ánh. Chính vì thế, thời gian tới Sở này sẽ đề xuất thành lập cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách.

Ông Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP HCM cho rằng: “Thực ra, theo nguyên tắc của ngành công an thì kế hoạch lập đội cảnh sát du lịch với trách nhiệm thuộc về ngành Công an là không thể thực hiện. Công an không thể bảo vệ riêng cho một ngành cụ thể nào”.

Như vậy, phía Công an TP HCM đưa ra ý kiến, ngành Du lịch phải tổ chức lực lượng bảo vệ, tùy theo nhu cầu và khả năng. Công an TP HCM sẽ hỗ trợ huấn luyện cho lực lượng bảo vệ du lịch này. Nếu xảy ra xâm hại thì lực lượng này sẽ xử lý nhanh, khống chế các đối tượng.

Theo Ban Giám đốc Công an TP HCM, trong thời gian tới sẽ xử lý nghiêm các hãng lữ hành để xảy ra tình trạng du khách bị mất tài sản trong quá trình vui chơi hoặc chính nhân viên của họ lấy cắp của du khách.

Ông Phan Anh Minh nhấn mạnh: “Nơi nào để xảy ra tình trạng du khách mất tài sản thì doanh nghiệp đó chịu trách nhiệm, ngành Du lịch có thể thu giấy chứng nhận hành nghề, Công an sẽ xem xét về lưu trú. Doanh nghiệp nào để du khách phạm tội thì công an thành phố sẽ cắt quyền xin thị thực của doanh nghiệp đó”.

Những chỉ thị “mạnh tay” để xử lý nghiêm tội phạm trong lĩnh vực du lịch tất nhiên là rất cần thiết, tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận là tình trạng du khách sau khi gặp nạn không đến báo cáo cơ quan chức năng giải quyết mà “âm thầm chịu đựng”, hoặc “chuyện nhỏ bỏ qua” là rất nhiều.

Lý do, có thể họ sợ phiền phức, hoặc cũng có thể họ thiếu niềm tin vào cơ quan chức năng (trên thực tế, không nhiều vụ cướp giật, mất cắp hay nhũng nhiễu du khách được xử lý rốt ráo).

Vì vậy, điều quan trọng nhất là sự phối hợp tốt giữa ngành du lịch và cơ quan công an cùng các cơ quan liên quan đưa ra các biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa, phòng tránh tội phạm và giải quyết thấu đáo, đem lại kết quả mong muốn cho du khách bị hại chứ không chỉ là xử phạt doanh nghiệp.

Có thể nói rằng, chỉ có dẹp yên được tình trạng tội phạm rình rập ra tay với du khách thì mới mong ngành du lịch bình yên, trong sạch và tạo sự bứt phá.

Đọc thêm