Về miền thiêng...

(PLVN) - Theo phong tục của người Ê Đê (Tây Nguyên), trước khi chặt hạ một cây cổ thụ, gia chủ hoặc người trông coi rừng cây thường làm lễ cúng. Trong lễ cúng, thầy cúng thay mặt gia chủ thực hiện nghi thức cúng thần Rừng, thần Núi, thần Sông, xin các thần cho phép gia chủ được đốn, hạ cây gỗ… Bởi trong tâm trí họ, rừng là nhà - là thế giới của những miền thiêng…
Đồi Cư H’Lăm mang trong mình những huyền thoại về lời nguyền giữ rừng
Đồi Cư H’Lăm mang trong mình những huyền thoại về lời nguyền giữ rừng

Chuyện về mối tình oan nghiệt

Có những cánh rừng nguyên sinh của đại ngàn Tây Nguyên vẫn xanh ngát dù nằm giữa bốn bề dân cư đông đúc. Đó được coi là những khu “rừng thiêng” không một ai dám “mạo phạm”.

Một trong những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại ở huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk nằm trên ngọn đồi Cư H’Lăm. Ngọn đồi nổi tiếng cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) khoảng 10km về hướng bắc.

Điều lạ nhất của đồi Cư H’Lăm là khu rừng già nguyên sinh gần 20ha vẫn tồn tại giữa vùng dân cư đông đúc, với nhiều loại gỗ quý như sao đỏ, cà te, hương, gõ..., nhiều cây gốc to cỡ 3-4 người ôm. Người dân trong vùng gọi Cư H’Lăm là đồi cây thiêng.

Theo người dân ở đây, đồi này gắn liền với câu chuyện huyền thoại tình yêu của hai anh em cùng họ Niê. “H’Lăm” theo tiếng Ê Đê có nghĩa là “loạn luân”. Còn “Cư” được dịch ra là “đồi núi”. “Cư H’Lăm” có nghĩa là “đồi loạn luân” hay “rừng loạn luân”.

Xưa kia, buôn Măp vốn là một địa bàn bằng phẳng, có mạch nước ngọt lịm chảy qua, cây cối xanh tốt nên một bộ lạc người Ê Đê quy tụ về đây, dựng nhà, lập buôn làng. Theo tập tục của người Ê Đê, những người có cùng dòng máu, huyết thống không được phép yêu thương nhau. Chẳng may ai đó phạm luật tục thì chịu sự trừng phạt hà khắc của làng.

Cuộc sống của người dân nơi đây bình yên như thế cho đến khi xảy ra chuyện tình yêu oan trái của anh em dòng họ Niê.

Tương truyền từ xa xưa, Y Đhin là một chàng trai nổi tiếng hiền lành với tài săn bắt giỏi và sức khỏe phi thường khiến cho biết bao cô gái thầm thương, trộm nhớ. Còn người em họ của Y Đhin là H’Hoan cũng được không ít chàng trai theo đuổi, bởi cô sơn nữ này không chỉ trắng trẻo, mái tóc đen mượt mà còn có vẻ đẹp hình thể đến mê hồn.

Không chỉ vậy, H’Hoan còn có giọng hát líu lo, ngọt ngào và tài năng dệt áo hơn người khiến không ít chàng trai say đắm. Những tưởng anh em Niê sẽ tìm được cho mình một bến đỗ ưng ý trước rất nhiều lựa chọn. Cho đến một ngày, người dân trong buôn phát hiện Y Đhin và H’Hoan đã đem lòng yêu thương nhau. Mối tình oan nghiệt ấy đã kết thúc cuộc sống vốn rất bình yên của đôi trẻ và người dân trong buôn làng.

Vì vi phạm luật tục nên hai anh em phải hứng chịu những hình phạt vô cùng hà khắc. Theo đó, Y Đhin và H’Hoan bị buộc phải ăn uống trong máng heo. Đồng thời, cả hai phải dâng lên một con trâu trắng, rượu cần nhằm chuẩn bị cho lễ cúng xin Giàng (trời) tha thứ tội lỗi.

Theo truyền thuyết, không tìm được trâu trắng, anh em nhà Niê buộc phải dùng một con lợn trắng để thay thế. Tuy nhiên, trong lúc hành lễ cúng, giông tố nổi lên, con heo đã được làm thịt trước đó bỗng vùng dậy, vừa bỏ chạy, vừa cất tiếng kêu inh ỏi. Con heo trắng chạy tới đâu thì đất, đá dưới chân heo nứt ra đến đó nhấn chìm cả buôn làng xuống hố đen sâu thăm thẳm.

Sau này, người dân nơi đây đặt tên cho hố đen này là hồ Sình Đỉa. Nơi 2 anh em nhà họ Niê bị trói để hành lễ, đất đột nhiên cao dần lên thành một ngọn đồi. Kể từ đó, dân trong làng gọi là đồi Cư H’Lăm.

Từ đó, người dân trong buôn Măp rỉ tai nhau rằng, nếu như ai đó lên núi Cư H’Lăm mà nhắc tới anh em nhà họ Niê thì đầu óc sẽ bị mê muội, không nhớ được đường về. Mọi thứ chỉ chấm dứt khi người nhà mời thầy về làm lễ cúng để được tha tội. Do đó, không một người dân nào dám lên ngọn đồi Cư H’Lăm chặt cây về làm nhà, dù cho cây rừng ở đây bạt ngàn, xanh tốt.

Người xưa kể rằng đã có không ít người lên ngọn đồi chặt cây về làm lán trại thì bỗng dưng bị voi rừng tìm về phá nát. Thậm chí, vừa mới cất nhà xong thì lửa bùng cháy, thiêu rụi hoàn toàn.

Cho đến bây giờ, không một ai biết thực hư câu chuyện về mối tình oan trái của anh em họ Niê có đúng sự thật hay không. Xuất phát từ những câu chuyện huyền thoại ly kỳ, mang nhiều yếu tố tâm linh nói trên, mà hàng trăm năm nay không một ai dám lên rừng để đốn hạ cây cối, săn bắt thú rừng.

Trong khi nhiều cánh rừng tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn đang bị “lâm tặc” ngang nhiên đốn hạ vô tội vạ thì tại thị trấn Ea Pốk đang lưu truyền một truyền thuyết, dù có phần thần bí, nhưng có giá trị lớn lao trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi sinh, môi trường sống.

Khi “lâm tặc” thành người gác rừng

Không chỉ có người Ê Đê, người Mạ mà tất cả những dân tộc bản địa trên vùng đất Tây Nguyên đều quan niệm: Nơi nào có cây, có đất thì nơi đó sẽ có thần linh trú ngụ. Dân làng sẽ ra sức bảo vệ những “khu rừng thiêng” như bảo vệ chính sự sống của mình. Từ năm 2002, một số cánh rừng ở Đak Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) bị tàn phá trầm trọng.

Đến lúc này người Mạ cư trú ở đây mới cảm thấy lo sợ bị thần trừng phạt vì mình đang để mất rừng. Theo người Mạ: Cây chính là nhà, là nơi trú ngụ của thần linh nên khi “nhà” không còn nữa thì thần sẽ giận dữ và trút tai họa lên buôn làng. Từ đó, người dân các làng ở Đak Nia ra sức bảo vệ rừng như một hành động “chuộc lỗi”.

Từ thế giới miền thiêng, họ kể những câu chuyện của mình.
Từ thế giới miền thiêng, họ kể những câu chuyện của mình. 

Những người trước đây từng là “lâm tặc” một thời nay lại trở thành những người gác rừng tích cực nhất. Chính hai làng N’Jriêng và Bon Srê Úh là nơi đi tiên phong cam kết từ bỏ việc phá rừng và nhận rừng để tự bảo vệ. Cái tên “làng lâm tặc” từ nhiều năm qua đã trở thành cộng đồng giữ rừng hiệu quả với trên 1.000ha.

Theo anh K’Tinh, người dân xã Đak Nia, các làng ở Đak Nia đều có những “khu rừng thiêng” riêng, có nơi có đến 2-3 “khu rừng thiêng” và linh thiêng nhất là những cánh rừng nghĩa địa vì ở đó có nhiều linh hồn trú ẩn. Nhờ niềm tin vào rừng thiêng nên có rất nhiều cánh rừng nguyên sinh vẫn còn nguyên vẹn, rừng được người dân bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.

Già K’Biêng, làng Tinh Wel Đơm luôn dặn dò dân làng: “Rừng chính là nhà của thần, mình không phá nhà của thần thì không lo sợ thần bắt, không sợ thần trừng phạt. Mình đi vào rừng thì không sao chứ làm hại đến rừng thì sẽ không được yên. Từ nhiều đời nay, người dân trong làng sống hòa thuận với rừng nên việc giữ rừng đã trở thành truyền thống. Ngay cả đứa nhỏ mới biết lên rẫy lần đầu cũng phải biết đến rừng thiêng để tránh làm hại và bảo vệ”.

Mới đây, trong một tọa đàm về các diễn ngôn, những tiếng nói, sự khác biệt của các vùng văn hóa do chính người bản địa kể câu chuyện của mình. Mở đầu chương trình, “Trải nghiệm trong bóng tối” do nhóm Mắt Trần thực hiện đã đưa khán giả vào không gian huyền ảo của rừng, với âm thanh của tiếng chim hót, tiếng suối chảy hòa vào giọng kể chuyện vang vọng từ một miền ký ức xa xưa.

Chị H’Nưn Mlo, dân tộc Ê Đê chia sẻ: “Ngày xưa, ông bà cũng kể chuyện bên đống lửa, hôm nay tưởng tượng lại cảnh đó cũng thấy cảm động”. Trong tâm thức của người Ê Đê, rừng được coi là linh thiêng và đem lại hạnh phúc cho bản làng. Hạt gạo cũng từ đó mà ra, rừng còn có những cây to giữ nguồn nước, có rắn, có ma, thần Nước, thần Rừng.

“Rừng là nguồn sống của dân tộc”, anh Ytri Mlo nói, rồi anh lại trầm buồn: “Bây giờ hoang vu, mai một đi, rất là hối tiếc”. Bởi ý nghĩa quan trọng của rừng trong đời sống cộng đồng nên “người Tây Nguyên không bao giờ phá rừng. Hồi xưa chỉ chặt làm rẫy, chặt chỗ này đến khi nó bạc màu thì chặt chỗ khác, cứ xoay vòng quanh năm như thế. Nhưng nói đến phá rừng thì người Tây Nguyên không bao giờ phá rừng”, chị H’Nưn Mlo khẳng định.

PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đưa ra lý giải rằng nhận thức của người Kinh về rừng rất khác với nhận thức của người Ê Đê khi mà rừng là không gian môi sinh của cộng đồng.

Theo chị Phương, cái nhìn nhị nguyên luận phân tách con người với thiên nhiên, vì vậy vũ trụ quan của người Kinh là chinh phục thiên nhiên, trong khi đó người Ê Đê và nhiều dân tộc thiểu số khác có vũ trụ quan của sự hòa hợp – con người dựa vào thiên nhiên và thiên nhiên phụ trợ cho con người.

TS. Nguyễn Thu Giang, Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ cùng quan điểm: “Một người nhìn rừng chỉ là bao nhiêu mét khối gỗ làm sao hiểu được một cây gỗ lim có thần linh trong đấy, rằng họ chạm vào không gian văn hóa được bồi đắp hàng nghìn năm”.

Như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Ê Đê ở Đắk Lắk từ xưa đã dùng gỗ từ cây rừng để tạo ra nhiều vật dụng trong gia đình như ghế kpan, giường phản, cột nhà, cầu thang,… Đây là một tín ngưỡng mang ý nghĩa tâm linh, biểu hiện sự tôn trọng rừng cây của người Ê Đê.

Theo phong tục của người Ê Đê, đối với những cây mang điềm xấu thì sẽ có những nghi lễ khác nhau và đối với những cây có điềm tốt thì cũng có nghi lễ khác. Ví dụ như đối với cây bị chết thì người dân làm lễ để xua đuổi tà ma, điềm xấu và chặt hạ cây, đồng thời cầu mong cho gia chủ hay người chăm sóc cây đó được khỏe mạnh, may mắn.

Trong ngày diễn ra lễ cúng, mọi người trong buôn sẽ không vào rừng. Gia chủ dành nguyên ngày để vui với cây, trước khi cây bị chặt hạ. Việc chặt hạ cây sẽ được tiến hành sau lễ cúng một ngày. Khi nhát rìu đầu tiên được bổ vào gốc cây không bị rớt xuống, có nghĩa là thần linh đã đồng ý.

Anh Y Bihao Mlo, người Ê Đê, thị xã Buôn Hồ (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) cho biết: “Núi nào cũng có thần, rừng nào cũng có thần. Mỗi năm mình phải cúng thần Núi, thần Rừng… Mình có việc gì trong gia đình cũng phải cúng thần đầu tiên đã. Đi rừng, đi rẫy ai cũng sợ ma, sợ thần. Nếu ai chặt cây sẽ bị quên đường đi, đi mãi rồi lại về đúng vị trí ban đầu. Ai cũng sợ lắm… Trong tâm trí của họ từ xa xưa, rừng là nhà - là thế giới của những miền thiêng”…

Đọc thêm