... Trong thời gian đó, chúng tôi được đi tham quan nhiều nơi ở thủ đô, nghe giới thiệu về nước Đức và được nhiều vị lãnh đạo đến thăm nom, căn dặn. Trong số đó có ông Hoàng Quốc Việt, hồi bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông đã nói cho chúng tôi nghe về tình hình trong nước, nhắc nhở chúng tôi cố gắng học tập để mai kia về nước trở thành những người thợ, những cán bộ kỹ thuật giỏi, góp phần xây dựng đất nước. Cuối cùng, ông hỏi chúng tôi:
- Trước khi lên đường, các cháu chuẩn bị đã tốt chưa? Các cháu có nguyện vọng gì không?
Chúng tôi đã thưa với ông rằng, nguyện vọng lớn nhất của chúng tôi là được đi thăm Bác Hồ.
Ông Hoàng Quốc Việt gật đầu, mỉm cười nói:
“Tôi sẽ báo cáo với Bác Hồ. Có điều là, Bác vừa ở nước ngoài về, Bác rất bận, không biết Bác có thu xếp được thời giờ cho các cháu vào thăm không…”.
Thật may mắn, tối hôm sau, khi thầy trò chúng tôi đang xem kịch ở rạp Hồng Hà thì một cán bộ của Bộ Giáo dục đến báo tin là 7 giờ sáng hôm sau các thầy, các em và cán bộ, công nhân viên được vào Phủ Chủ tịch thăm Bác Hồ. Ngay tối đó, sau khi xem kịch về các thầy đã dạy chúng tôi một bài hát mới. Lời bài hát có những câu như:
“Bác Hồ ơi, Bác Hồ ơi… Chúng cháu sướng vui là nhờ Bác Hồ…”.
Chúng tôi hát say sưa, mong sao Bác hài lòng. Sau buổi tập hát, chúng tôi nghe các thầy dặn về tổ chuẩn bị quần áo thật đẹp, sạch sẽ, khăn quàng đỏ, giày dép rồi rửa ráy, đi ngủ. Mọi lần chúng tôi còn tán chuyện, chơi tú-lơ-khơ đến tận khuya, nhưng hôm nay ai cũng mắc màn đi ngủ đúng giờ. Tuy vậy, lòng chúng tôi không tránh khỏi hồi hộp vì mơ ước lớn nhất của đời mình sẽ trở thành hiện thực vào sáng ngày mai.
Từ trường Chu Văn An, chúng tôi đi tắt sang vườn Bách Thảo, sửa lại quần áo, khăn quàng thật chỉnh tề và đi theo hàng hai vào Phủ Chủ tịch. Tôi thấy đoàn chúng tôi chưa bao giờ đẹp và trật tự như vậy. Trong tháng qua, chúng tôi cũng đi hàng đôi, tay nắm tay, qua các phố phường, nhưng có phần tự do, thoải mái, lộn xộn hơn. Những gương mặt trẻ thơ hôm nay có vẻ trang nghiêm hơn do sự kiện trọng đại sắp đến.
Chúng tôi được đưa vào phòng lớn, ngồi đợi Bác kính yêu, lòng rạo rực không sao tả xiết. Chỉ 5 phút sau, cửa chính mở, Bác xuất hiện, chúng tôi sung sướng quá, bật đứng dậy, reo to: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Bác vẫy tay, rồi ra hiệu cho phép ngồi xuống, nhưng chúng tôi vẫn vỗ tay vang dội và hát vang lời ca: “Bác Hồ ơi, Bác Hồ ơi, chúng cháu vui mừng vui...”.
Phải đến 10 phút sau mới yên lặng. Bác ngồi bên một bàn lớn ở giữa phòng, cách hàng thứ nhất của chúng tôi độ 2 mét. Trong giờ phút ấy, một ý nghĩ vụt qua đầu tôi: tôi nhớ đến các bạn ở quê nhà, nhớ đến lời các bạn là ra Hà Nội thế nào tôi cũng được đến thăm Bác Hồ. Một ngày kia, trở về quê hương, tôi sẽ kể cho các bạn nghe những gì diễn ra trong sáng nay.
Bác trìu mến nhìn chúng tôi suốt lượt, rồi thong thả nói:
- “Chú Hoàng Quốc Việt đã đến thăm các cháu và căn dặn các cháu nhiều rồi. Bây giờ, các cháu sắp lên đường sang nước bạn học tập, Bác muốn nhắc kỹ các cháu một điều: các cháu phải nhớ rằng, các cháu được đi học như thế này là một dịp may mắn, một vinh dự đặc biệt. Có đúng không?
Tất cả chúng tôi đồng thanh đáp lại Bác “Vâng ạ!”.
Bác lại hỏi: “Vậy là nhờ đâu?”. Lần này, Bác không đợi trả lời mà nói luôn: “Đó là nhờ nhân dân ta anh dũng đánh giặc ngoại xâm, được nhân dân các nước anh em bầu bạn yêu mến. Nhân dân Đức anh em thương yêu thiếu nhi Việt Nam, muốn giúp nhân dân ta nuôi dưỡng các cháu ăn học thật tốt để sau này phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân! Các cháu không bao giờ được quên công ơn to lớn đó của nhân dân ta, của nhân dân nước bạn... Các cháu nghe lời Bác dặn chứ?
- “Vâng ạ!”. Lại một tiếng đồng thanh đáp vang cả căn phòng lớn. Bác nói tiếp:
- Miền Bắc nước ta vừa mới được giải phóng hơn một năm. Công cuộc khôi phục lại đất nước còn rất nhiều khó khăn, gian khổ. Đời sống nhân dân thiếu thốn trăm bề. Các cháu cần luôn luôn nhớ rằng: các bạn ở nhà còn vất vả lắm, không được may mắn như các cháu. Được như vậy, các cháu càng phải chăm chỉ học tập, tu dưỡng đạo đức cho tốt để khỏi phụ lòng nhân dân và các bạn ở nhà...
Bác dừng lại một lúc, rồi nhìn chúng tôi, Bác hỏi:
- Bác được biết, trong số các cháu, có nhiều cháu là người miền Nam. Nào, cháu nào là người miền Nam thì giơ tay Bác xem nào...”. Các bạn miền Nam lần lượt đứng dậy: “Thưa Bác, cháu ạ... cháu ạ!”.
Bác vui vẻ gật đầu:
- Có đến gần một nửa nhỉ! Tốt lắm. Các cháu hãy luôn luôn nghĩ đến quê hương miền Nam mà học cho giỏi để mai kia trở về xây dựng quê hương miền Nam yêu quí của chúng ta. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, một năm nữa sẽ tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà. Nhưng các thế lực đế quốc và tay sai đang ra sức phá hoại Hiệp định ấy. Cho nên, việc học tập tốt của các cháu cũng là góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà. Ngoài các cháu, Nhà nước sẽ gửi tới 500 cháu miền Nam đi học ở các nước anh em để đào tạo nhân tài cho nửa nước thân yêu...”.
Như một người ông vô cùng kính yêu trong nhà, với giọng nói ấm áp, ôn tồn, Bác căn dặn rất tỉ mỉ, từ việc ăn uống trên tàu đến việc tiếp xúc, xử sự với người nước bạn... Bác nói:
- Nhớ là phải ăn uống điều độ, biết lượng sức mình. Sang Trung Quốc, Liên Xô, các món ăn bắt đầu khác, có thể lúc đầu chưa thích hợp với các cháu. Không cẩn thận thì “Tào Tháo đuổi” đấy (chúng tôi đều cười vì cách nói hài hước của Bác). Các cháu có hiểu ý Bác nói không? Chúng tôi thưa: “Vâng ạ!”. Với các bạn, các bác, các cô, các chú của nước bạn, phải tỏ ra lịch sự, ngoan ngoãn, thân ái, vì các cháu đã trở thành đại diện của thiếu nhi Việt Nam, của nhân dân Việt Nam vừa đánh thắng giặc Pháp, vừa làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...”.
Bác căn dặn tiếp:
- Các cháu hãy thi đua với nhau, thi đua giữa tổ này với tổ khác, giữa lớp này với lớp khác, giữa cháu này với cháu khác. Bác gửi cho đoàn 20 huy hiệu của Bác. Cháu nào gương mẫu nhất trên suốt chuyến đi sẽ được thưởng huy hiệu của Bác. Số còn lại để làm công tác đối ngoại, nghĩa là tặng một số giáo viên nước bạn.
Cả phòng vỗ tay sung sướng, tưởng như bạn nào cũng muốn được thưởng huy hiệu Bác. Bác đứng dậy, bước đến hàng thứ nhất, xoa đầu những bạn nhỏ nhất. Bác lại nhìn ra cả gian phòng, nói:
- Các cháu lên đường, sẽ xa Bác, xa gia đình, cha mẹ, họ hàng thân thích, xa bạn bè, nhưng đừng lo, Bác và nhân dân cùng gia đình các cháu luôn luôn bên cạnh các cháu. Các thầy, cô, các cán bộ, nhân viên Đức sẽ coi các cháu như con em trong nhà và giúp các cháu học tập tốt!.
Bác còn nói đến một số nét về lịch sử, văn hóa và phong tục, tập quán ở Đức. Lúc đó, tôi còn bé, không biết rằng Bác đã từng nhiều lần bôn ba hoạt động cả ở Đức, đã kết thân với nhiều chiến sĩ cách mạng Đức. Sau này, khi trở thành nhà báo, làm công tác thông tấn ở Berlin, tôi có điều kiện đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ giữa Bác và các bầu bạn Đức, từ các lãnh tụ đến những kỹ sư, bác sĩ, công nhân người Đức. Một phần tư liệu đó, tôi đã phản ánh trong tập “Bác Hồ như chúng tôi đã biết” do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 1985.
Trước khi chia tay, Bác đã cho mỗi cháu một khăn quàng len và gói kẹo. Chúng tôi sung sướng nhận quà của Bác. Nhiều bạn ăn kẹo nhưng vẫn giữ lại giấy gói, ép vào các sổ sinh hoạt Đội.
Bác còn cho chúng tôi chụp ảnh chung để kỷ niệm trước cửa chính của Phủ Chủ tịch.