Nhọc nhằn nghề trèo cây thốt nốt

(PLVN) - Cây thốt nốt không chỉ là hình ảnh đặc trưng của vùng Bảy Núi tỉnh An Giang, mà nó còn là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình nơi đây.
Trèo thốt nốt phải thật khéo léo và cẩn thận.
Trèo thốt nốt phải thật khéo léo và cẩn thận.

Mảnh đất An Giang hiền hòa với những cánh đồng trải rộng, những ngọn núi cao và những hàng cây thốt nốt đẹp như tranh. Những hàng cây thốt nốt thường được trồng ở các bờ ranh, không chỉ có tác dụng giữ đất, tạo cảnh quan mà còn cho bà con thu nhập ổn định mỗi ngày. 

Nổi tiếng là xứ sở của thốt nốt, nhiều gia đình nơi đây chủ yếu dựa vào nghề trèo cây thốt nốt để kiếm sống. Người trước dạy người sau, nghề nối tiếp nghề để cùng mưu sinh. Cũng như bao thiếu niên khác, năm 14 tuổi, ông Võ Thái Hùng (45 tuổi, ngụ ấp An Lợi, Xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) đã học trèo thốt nốt đến nay cũng hơn 30 năm. “Lúc trước gia đình khó khăn, tôi mới xin theo người ta học hái thốt nốt. Ngày đầu tiên trèo lên run dữ lắm, làm mãi rồi quen”.

Ngồi phì phà điếu thuốc giữa ban trưa, sau một lượt trèo thốt nốt, ông Hùng nói, “Người ta nói nghề này ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời cũng đúng. Thứ nhất là nó nguy hiểm. Thứ hai là nó tốn thời gian. Mình vừa trèo xong về nhà cơm nước chút là phải tranh thủ trèo lên lại, không là nó tràn thùng”.

Theo kinh nghiệm của bà con, để lấy nước thốt nốt trước tiên phải lựa cây bẹ lớn, tốt đều để có thể lấy được nhiều nước, lấy lâu hơn. Trước khi bắt đầu lấy phải lên dọn bẹ, buộc đài, chọn bông để kẹp. Thường sẽ đặt bình vào buổi sáng, canh khoảng 6 tiếng thì lên lấy một lần, vào ban đêm thì đợi lâu hơn.

Cây thốt nốt có chiều cao dao động từ 9 – 20m, cây càng cao cho nước càng nhiều. Có một số cây nhiều nước đến nỗi không thể mang xuống được mà phải chuyền dây xuống. Bước vào mùa là từ tháng 9, lúc này nước còn khá ít, phải 3 tháng sau mới là rộ nhất, rơi vào khoảng từ tháng 11 – tháng 4. 

Trèo thốt nốt, nghe có vẻ đơn giản như trèo dừa, nhưng cực nhọc hơn gấp nhiều lần. Độ cao của cây thốt nốt nguy hiểm hơn cây dừa, tính rủi ro nhiều hơn. Những người dân sống bằng nghề này không có quần áo bảo hộ, họ chỉ dắt trên đai lưng một con dao, rồi cột “một mớ” chai quanh người rồi bắt đầu leo lên cây đài (cây tre có mắt lớn được buộc chặt vào thân cây thốt nốt) và hành nghề. Nếu những cây đài không được kiểm tra kĩ càng hoặc trèo lên trên không cẩn thận trượt chân dễ té gây thương tật, nặng hơn là mất mạng tại chỗ.  

“Nguy hiểm thì có nguy hiểm, cực thì có cực nhưng nghề này cũng ổn định lắm, sáng làm chiều làm là ngày nào cũng có tiền đều đều. Cố gắng làm lo cho con đi học, khi nào con nó có việc làm ổn định rồi thì mình nghỉ vì cũng lớn tuổi rồi hoặc có làm thì cũng làm ít lại thôi”, ông Hùng chia sẻ.

Có thể nói, ngoài việc dùng nước thốt nốt lấy từ hoa để thắng đường, giải khát; trái để làm mứt, làm bánh bò, nấu chè thì những bộ phận khác của cây thốt nốt cũng có nhiều công dụng hữu ích. Lá thốt nốt có thể dùng gói bánh, lợp nhà, đan nón, đan rổ, làm thảm...; thân cây có thể làm cột xây nhà; rễ làm thuốc giúp lợi tiểu.

Đọc thêm