|
Những túp lều lán trọ học của học sinh Trường THCS Mường Lý . |
Ở lều tranh…
Từ TP.Thanh Hoá đi tiếp hơn 300km mới đến xã Mường Lý (huyện Mường Lát), từ xa đã thấy những mái nhà nhỏ san sát bên sườn núi. Lại gần mới rõ đó chỉ là những túp lều dựng bằng tre, nứa và những tàu cọ khô, từ ngoài có thể nhìn xuyên vào trong bởi các khe vách hở toang hoác. Người dân gọi “xóm con nít” vì toàn trẻ con, đứa đọc sách, đứa loay hoay thổi bếp, khói bay mù mịt... Căn lều lại rung lên bần bật mỗi lần có đứa chạy nhảy.
Anh Tuấn - cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) của huyện Mường Lát, cho biết: “Đó là những căn nhà bán trú dân nuôi của HS xã Mường Lý. Nhiều em nhà cách trường 20-30km đường núi, đi bộ mất cả ngày. Muốn học chữ, các em không còn cách nào khác phải dựng lều trọ học ngay cạnh trường”.
Theo anh Tuấn, ở Mường Lý, cứ vào đầu năm học, không những nhà trường lo chuẩn bị cho việc khai giảng mà các phụ huynh cũng tất bật vào rừng chặt tre, sửa sang lều bạt cho con trọ học. Những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” đều phải tự lo từ miếng ăn đến giấc ngủ.
Em Giàng A Sang (lớp 8A, Trường THCS Mường Lý) đang ở trong một căn lều xuống cấp, sàn ọp ẹp, mái mục nát, trời mưa trong nhà ướt như ngoài sân. “Nhà em ở bản Suối Mau, cách trường khoảng 10 km. Căn nhà này do bố em dựng từ năm em vào lớp sáu. Hơn hai năm qua em ăn học ở đây, nghỉ hè mới được về nhà. Cứ 2 - 3 tháng, bố em lại mang cho ít gạo để nấu cơm dần”, Sang nói.
Ăn cơm muối
Theo chính sách của Nhà nước, mỗi tháng một HS miền núi sẽ được trợ cấp học phí, sách vở, nhà ở và 15kg gạo. Trường hợp nhà trường không đủ chỗ ở, mỗi em được nhận thêm 100 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều em tại Mường Lý vẫn phải vào rừng kiếm các loại rau củ, bắt các động vật nhỏ như dúi, chuột… để bổ sung cho bữa cơm trắng.
|
Các em chia sẻ bát cơm với muối và củ gừng luộc. |
Em Hà Văn Chứ (Trường THCS Mường Lý) kể: “Nhà em ở xa lắm, đi bộ cả ngày mới đến trường. Nhà em nghèo không có tiền, em đi học xa nhà nhưng bố mẹ không cho được gì cả, nhiều lúc đói cũng không biết xin ai. Cũng tại em ăn khoẻ, gạo thầy cô cho ăn cả tháng nhưng em chỉ ăn hơn hai tuần là hết thôi. Mỗi lần hết gạo em phải xin các bạn cho ăn cùng, không có thì đành phải nhịn đói”.
Một góc lều của em Hà Thị Chiên (Trường THCS Mường Lý) là nơi đặt bếp với vài cái nồi chỏng chơ, không có lương thực dự trữ. Chiên và các bạn “hàng xóm” đang quây quần bên một nồi cơm nhỏ, chia đều mỗi em được một bát con, thức ăn là ít muối trắng, vài củ gừng luộc, ai cũng vui vẻ “đánh chén”.
Chiên nói: “Bọn em chỉ ăn như vậy thôi. Ở nhà em cũng chỉ ăn như vậy. Nồi cơm này do bạn Pó mang gạo sang nấu chứ nhà em hết gạo từ hôm qua rồi. Ở đây thi thoảng chúng em cùng góp gạo để nấu cơm, lỡ nhà bạn nào chưa mang gạo lên thì không bị đói”.
Dù đã sang hè nhưng thời tiết vùng cao vẫn khắc nghiệt, sương mù dày đặc, gió rét luồn qua vách nứa thổi hơi lạnh toát vào trong những căn lều trọ học. Giàng A Chứ và Giàng A Vó phải đốt củi trong lều để xua bớt cái lạnh. Cả hai đều phong phanh manh áo mỏng vì không có áo ấm.
Vó nói: “Mùa lạnh chúng em ở ghép lại với nhau, một căn lều ở gộp 4 – 5 bạn, nằm đông sẽ có nhiều hơi ấm hơn, ai không có chăn thì đắp chung với bạn có chăn”.
Đói vẫn đến trường
Thầy Mai Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Mường Lý cho biết: “Hiện trường có hai nhà bán trú với 20 phòng học đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, nhưng mỗi phòng chỉ ở được 8 em nên không thể giải quyết hết nhu cầu cho các học sinh của trường. Còn gần 100 em phải dựng lều lán trên các sườn đồi làm chỗ trọ học. Nhiều em còn quá nhỏ, vừa học vừa phải kiếm sống giữa rừng núi hoang vu, sỏi đá khô cằn, nên sau mỗi kỳ nghỉ dài một số em về nhà rồi không quay lại nữa. Những lần như thế chúng tôi lại phải băng rừng, lội suối đến tận nhà để động viên các em trở lại lớp”.
Được biết, trong tổng số 111 phòng bán trú của hai Trường THCS Trung Lý và Mường Lý có đến 85 nhà ở tạm bợ, tranh tre dột nát do tự các em và nhân dân dựng lên. Ngoài ra, dù đã áp dụng mô hình trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú nhưng 100% các em thuộc diện bán trú vẫn phải tự túc nấu ăn do nhà trường chưa đủ điều kiện tổ chức nấu ăn tập trung.
Ông Đinh Công Đại - Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết: “Toàn xã Mường Lý hiện có hơn 300 học sinh tiểu học và THCS phải dựng lều lán quanh khu vực trường để trọ học. Điều kiện ở đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã chiếm hơn 70%, cao nhất tỉnh.
Cả xã chỉ có 6ha ruộng nước, bà con thiếu đất canh tác lúa nước, chủ yếu trồng lúa nương, trồng ngô, sắn, mỗi năm chỉ được một vụ, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Tình trạng mất mùa thường xuyên xảy ra nên thiếu lương thực triền miên. Vì thế phần lớn học sinh của xã chỉ học hết THCS, một số ít học hết bậc THPT là bỏ học đi làm ăn xa hoặc ở nhà lên nương rẫy phụ giúp gia đình”.
Thiếu an toàn tại các lán trọ học
Huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) có bảy điểm trường PTDT bán trú, nhiều nhất tỉnh, song chỉ có hai Trường THCS Na Mèo và Sơn Điện có nhà bán trú dân nuôi kiên cố và tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh. Các trường còn lại ở các xã Sơn Thủy, Trung Thượng, Trung Tiến, Trung Hạ, Tam Thanh, hầu hết các khu nhà bán trú dân nuôi đều là những lán, nhà tạm làm từ tre, luồng, gỗ... chật hẹp; các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, bể nước, nguồn nước sinh hoạt không có hoặc chỉ tạm bợ, đặc biệt khó khăn trong mùa mưa lũ.
Theo thông tin từ Phòng GD-ĐT huyện Quan Hoá, hai trường THCS và THPT Quan Hóa (tại bản Dôi, xã Thiên Phủ) có 419 học sinh, trong đó hơn 70% em có nhu cầu bán trú. Nhất là học sinh từ các bản xa như bản Ho, bản Cháo (xã Hiền Kiệt); bản Lở, bản Bâu, bản Bất (xã Nam Động); bản Háng, bản Hàm, bản Lớt, bản Dồi (xã Thiên Phủ)..., đều cách trường 15-40km. Nhà trường chưa có phòng nội trú nào cho học sinh nên gần 300 em đang phải dựng lều lán cạnh trường; từ đầu năm học 2013-2014 đến nay, đã có 13 em bỏ học giữa chừng.
Tan trường khi chiều muộn, các em học sinh từ 10 – 16 tuổi trọ học quanh Trường THCS và THPT Quan Hóa lại mải miết lo cơm nước. Trong những căn lều lán thấp lè tè lợp bằng lá kè, lá cọ, bắt đầu có ánh lửa bập bùng, thi thoảng bốc cao làm cháy xém cả lớp vách khiến đám trẻ hốt hoảng dập lửa.
|
Học sinh Trường THCS Quan Hoá đang nấu cơm tối. |
Em Vi Văn Thanh (bản Pó, xã Hiền Chung, cách trường 10km) nói: “Em muốn đi học để sau này kiếm được việc làm phụ giúp gia đình. Nhưng trường xa quá nên bọn em phải trọ lại. Ở đây, bọn em thiếu nhiều thứ lắm, nhất là gạo và thức ăn. Nước cũng không có, mỗi lúc cần lại phải ra sông nên bọn em dựng lều gần sông để tiện tắm rửa. Những hôm trời mưa to, rắn rết bò cả vào trong lều, lên giường, chúng em sợ không dám ngủ”. Vì các khu lều lán nằm ngoài trường nên việc quản lý HS ngoài giờ của nhà trường hầu như bỏ ngỏ.