Khủng hoảng niềm tin
Trên trang facebook của giới trẻ bàn về thói vô cảm có một mệnh đề: “Vô cảm là sự ngụy biện cho một trái tim đã quá nhiều nỗi đau dồn nén”. Điều này có vẻ mâu thuẫn với những gì mà giới trẻ đang được hưởng thụ, nhưng lại có lý khi thấy rằng: Dường như đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội hiện đại dẫn đến các bạn trẻ sống vô cảm.
Chúng ta không thể đổ lỗi cho thói vô cảm của giới trẻ xuất phát từ chính lối sống của họ khi mà hàng ngày, dồn dập những thông tin về người này, người kia lợi dụng chức quyền để tham nhũng, trục lợi cá nhân; hay ông này, bà nọ có những phát ngôn thờ ơ, gây sốc về hoạn nạn của đồng loại; về lối sống “phong bì”; xà xẻo tiền trợ cấp cho người nghèo, những tội ác phi nhân tính… thì không thể đòi hỏi người dân phải sống nhân ái và có trách nhiệm với đồng loại.
TS Tô Văn Trường - thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: “Ở nước ta hiện nay, bệnh vô cảm gần như trở thành một căn bệnh xã hội có sức lây nhiễm cao. Đối tượng mắc bệnh này rất rộng rãi, đủ loại người, bao gồm cả những người có học, hiểu biết rộng, tôn trọng luật pháp”.
Người Việt trước kia vẫn được coi là hiền lành, thật thà, tương thân tương ái, vậy nguyên nhân nào khiến ngày càng có nhiều người đã trở nên vô cảm và tàn nhẫn?. Dư luận xã hội đều nói lên sự phẫn nộ, bất bình và xấu hổ mà cụ thể là hành vi của những kẻ hôi của gần đây nhất. Những kẻ này được gọi là “cướp cạn”, hôi của trên sự mất mát và bất lực của khổ chủ.
Nhiều người cho rằng đây là hậu quả của một nền giáo dục lệch lạc, chỉ chăm chăm vào thành tích học tập và thi cử mà quên giáo dục nhân cách, trách nhiệm và sự sẻ chia với đồng loại khi họ gặp khốn khó. Và điều quan trọng, rất nhiều giá trị đang bị quên lãng cũng như chúng ta chưa có một phông văn hóa để ứng xử trong cuộc sống hiện đại.
Nhiều chuyên gia lo ngại bệnh vô cảm giết chết dần tâm hồn, lương tri con người. Vô cảm làm cho lương tâm con người băng giá trước nỗi đau của đồng loại, không thiết tha với việc thiện mà luôn tìm cách để làm hại người khác.
Khi miếng ăn là miếng nhục
Người Việt có câu “Miếng ăn là miếng nhục”, điều đó cho thấy từ xa xưa, người Việt rất coi trọng đối với cách ăn uống. Không chỉ là cung cấp năng lượng cho cơ thể, ăn uống còn thể hiện hành vi văn hóa, nhân cách sống. Không phải cứ có là ăn bằng được, và càng không thể “ăn” những gì không phải của mình, trên sự khốn cùng của người khác trong cơn hoạn nạn…
Đành rằng, với tâm lý tiểu nông, dù thoát khỏi cái nghèo, cái đói nhưng sự ám ảnh về nghèo đói không mờ nhạt trong tâm trí họ. Cùng với sự lệch lạc về nhận thức, họ sẽ luôn nghĩ đến một mục tiêu là tiền. Tiền để thỏa mãn cái đói, cái khát đã từng ngự trị trong họ. Tiền để không xảy ra một lần nữa đói nghèo. Và tất cả lao theo một guồng quay trước mắt, đồng tiền không phải là phương tiện mà là mục tiêu quay cuồng như một trào lưu khó cưỡng…
Thói vô cảm dường như đã trở nên không cần che giấu và phổ biến đến mức thành một phần của đời sống xã hội. Nói lý thuyết về “bệnh” này thì rất dễ, nhưng làm sao để xã hội “giảm bệnh” một cách thực tế lại rất khó. Đối xử với “bệnh vô cảm” là chuyện của mọi người sống trong xã hội, nhưng trước hết, nó phải là “việc phải làm” của các cơ quan công quyền, nhất là những cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông phải tập trung tuyên truyền, định hướng nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”. Để khắc phục, không thể hy vọng một sớm, một chiều. Tuy nhiên, chúng ta phải giáo dục cho từng cá nhân một lối sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng. Hãy lấy tình thương yêu mà làm ngôi vị trung tâm của cuộc sống, hãy mở rộng trái tim mình để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương và rung cảm với cuộc đời.