Ninh Bình: Một vụ án dân sự kéo dài với hai bản án trên trời, gây bức xúc trong dòng họ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 01 tháng 8 năm 2021, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài “Một cán bộ hưu trí 15 năm đi tìm công lý cho dòng họ” phản ánh những vấn đề vướng mắc liên quan đến vụ kiện khu đất thờ tự của ngành 2, chi 5 dòng họ Nguyễn Trọng ở Phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình. Đi sâu tìm hiểu, nhận thấy nhiều yếu tố khách quan mà không được Tòa án xem xét dẫn đến nguyên đơn tiếp tục có khiếu nại gửi các cơ quan chức năng.

Qua 2 cấp toà sơ thẩm, phúc thẩm, ông Nguyễn Trọng Nội và ngành 2, chi 5 dòng họ Nguyễn Trọng tiếp tục có đơn kháng nghị lên Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét, giải quyết.

Theo bản án phúc thẩm số 09/2021/DS-PT ngày 30/3/2021 của TAND tỉnh Ninh Bình, quá trình sử dụng đất, vợ chồng ông Bồng, bà Thịu trực tiếp quản lý, sử dụng ổn định mảnh đất trước năm 1945, đã đăng ký, có tên trên bản đồ, sổ mục kê, sổ địa chính, quá trình sử dụng không có tranh chấp gì. Do đó, năm 1997, UBND huyện Hoa Lư cấp GCN QSDĐ cho bà Thịu là có căn cứ, phù hợp điều 2, Luật Đất đai năm 1993.

Thời điểm năm 1995, Tổng cục Địa chính đã ban hành công văn 1427/CV/ĐC về việc hướng dẫn xử lý một số vấn đề về đất đai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, việc cấp GCNQSDĐ đều thực hiện theo Điều 36 Luật Đất đai năm 1993. Tuy nhiên, văn bản này là cơ sở nhưng cũng tạo ra nhiều bất cập để lách luật trong việc cấp và xin cấp GCN QSDĐ ở nhiều địa phương. Vậy việc cấp sổ đỏ cho bà Thịu có tuân theo công văn hướng dẫn của Tổng cục Địa chính và Điều 36 Luật đất đai năm 1993 là vấn đề cần phải làm rõ?

Về nguồn gốc đất: Khu đất nhà thờ ngành 2, chi 5 dòng họ Nguyễn Trọng này có diện tích 587m2 ở phố Trung Thành (phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình) đã được ông cha của dòng tộc họ Nguyễn Trọng khai khẩn để lại, đến nay là đời thứ 16. Khoảng đời thứ 11, 12, trên mảnh đất này có xây dựng một nhà thờ rộng 5 gian (hiện nay Nhà thờ vẫn còn nguyên trạng cùng hương, án, câu đối được thờ bên trong). Từ năm 1997 trở về trước, phần đất này đứng tên ông Bồng là con trưởng trong dòng họ. Ông Bồng mất năm 1991 không để lại di chúc, đến năm 1997 thì bà Thịu là vợ hai của ông Bồng (ông Bồng không có con riêng), đứng ra kê khai và được cấp sổ đỏ. Sau đó, bà Thịu đã lập di chúc để phân chia diện tích đất không đề cập đến nhà thờ cho các con riêng và con nuôi.

Khi phóng viên trao đổi với các cụ cao niên trong dòng họ và người dân tại khu phố đều khẳng định khu đất này và nhà thờ của ngành 2, chi 5, dòng họ Nguyễn Trọng đã có từ lâu đời và đúng như nguyên trạng hiện nay. Còn về bản thân ông Tường là con trai nuôi của ông Bồng…cũng đã thừa nhận (tại các văn bản…..). Như vậy về lịch sử, nguồn gốc, thông tin nội tộc, người dân và hiện trạng nhà thờ, khu đất đã chứng minh nguồn gốc khu đất là do ông cha dòng họ Nguyễn Trọng để lại cho con cháu nội tộc.

Nơi thờ tự của Ngành 2 chi 5 dòng họ Nguyễn Trọng
Nơi thờ tự của Ngành 2 chi 5 dòng họ Nguyễn Trọng

Về hồ sơ và quy trình cấp GCN QSDĐ: Qua làm việc, tiếp xúc, xác minh hồ sơ cấp GCN QSDĐ cho bà Trần Thị Thịu ở UBND phường Ninh Khánh (trước đây là UBND xã Ninh Khánh), UBND huyện Hoa Lư và UBND thành phố Ninh Bình thì ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư ký công văn trả lời “Hồ sơ đã chuyển về TP Ninh Bình” khi sáp nhập 6 xã của huyện Hoa Lư về thành phố Ninh Bình năm 2004, huyện không còn hồ sơ gì? Làm việc với phòng Tài nguyên và Môi trường UBND thành phố Ninh Bình, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng có trả lời “không có hồ sơ lưu” mà chỉ có một số giấy tờ liên quan còn lưu lại UBND phường Ninh Khánh. Tìm hiểu với cán bộ phụ trách địa chính phường và Chủ tịch UBND phường thì chúng tôi có được các giấy tờ liên quan đế việc cấp GCN QSDĐ đối với Bà Thịu (liệt kê tài liệu UBND phường cung cấp).

Tuy nhiên hồ sơ mà UBND phường Ninh Khánh hiện còn lưu giữ liên quan đến việc cấp GCN QSDĐ của bà Thịu có nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ về tính pháp lý?

Theo tài liệu mà ông Nội cung cấp: Tháng 8/2007, Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai, Bộ Tài nguyên & Môi trường có văn bản gửi ông Nội về việc cấp sổ đỏ cho bà Trần Thị Thịu, theo đó, cơ quan này khẳng định đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của bà Thịu do ông Nguyễn Trọng Viễn ký tên mà không có ủy quyền của bà Thịu là không đúng quy định pháp luật về dân sự.

Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của bà Thịu không có giấy ủy quyền mà ông Nguyễn Trọng Viễn vẫn ký tên và cán bộ địa chính thực hiện.

Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của bà Thịu không có giấy ủy quyền mà ông Nguyễn Trọng Viễn vẫn ký tên và cán bộ địa chính thực hiện.

Trong hồ sơ xét duyệt cấp sổ đỏ của xã không có Biên bản của Hội đồng đăng ký đất đai xã và không có ý kiến về kết quả xét duyệt của UBND xã là không đúng quy định tại khoản 2 mục IV của Thông tư 302/TT/ĐKTK ngày 28/10/1989 của Tổng cục quản lý ruộng đất (nay là Bộ TN&MT) hướng dẫn việc cấp sổ đỏ.

Theo quan điểm của Luật sư Trương Đình Tưởng, Giám đốc Công ty Luật Tràng An (Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Bình) về tính pháp lý của những giấy tờ liên quan đến hồ sơ cấp GCN QSDĐ của bà Thịu đã trả lời như sau:

Thứ nhất: về “Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất” ngày 10/07/1995 của bà Trần Thị Thịu là không hợp lệ và không có giá trị pháp lý: Chủ thể sử dụng đất là bà Trần Thị Thịu, tuy nhiên chủ thể làm đơn đăng ký quyền SDĐ lại là ông Nguyễn Trọng Viễn (ký thay). Việc ông Nguyễn Trọng Viễn ký thay vào “Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất” cho bà Trần Thị Thịu mà không được ủy quyền của bà Trần Thị Thịu là hoàn toàn trái với quy định tại Mục i.2 Thông tư 346/1998/TT- TCĐC ngày 16/03/1998 của Tổng Cục địa chính về “Hướng dẫn thủ tục đăng Ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”; Không có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đối với nội dung kê khai xin cấp GCN QSDĐ (viết rõ).

Thứ hai, về “Sơ đồ phác họa hình thể thửa đất sử dụng trong khu dân cư" của bà Trần Thị Thịu không có giá trị pháp lý: sơ đồ phác họa thửa đất không tuân thủ đúng quy định của pháp luật đất đai. Sơ đồ thửa đất của bà Thịu do ông Xuyên ký trích lục hoàn toàn không có thông tin về số hiệu thửa đất, diện tích đất, chỉ dẫn hướng Bắc Nam, không ghi thời điểm cấp trích lục sơ đồ thửa đất và họ tên, chức danh, con dấu của cá nhân, tổ chức cấp trích lục sơ đồ thửa đất.

Đặc biệt, ông Lâm Thành Xuyên (tên khác là Lâm Văn Xuyên), nguyên cán bộ Sở Địa chính khi đó, hiện nay là Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh xác nhận đã không ký vào văn bản xác nhận theo sơ đồ phác họa liên quan đến thửa đất trên. Vậy chữ ký của ông Xuyên trong sơ đồ phác họa hình thể thửa đất tại hồ sơ xin cấp GCN QSDĐ của bà Thịu là giả mạo.

Ông Xuyên xác nhận chữ ký trong hồ sơ phác họa thửa đất là giả mạo.
Ông Xuyên xác nhận chữ ký trong hồ sơ phác họa thửa đất là giả mạo.

Như vậy, với các yếu tố khách quan như lịch sử nguồn gốc của thửa đất, nhà thờ chi họ có sự chứng kiến của những người cao niên trong chi họ và khu phố; hồ sơ, quy trình, điều kiện cấp GCN QSDĐ theo quy định của nhà nước thì UBND huyện Hoa Lư cấp GCN QSDĐ cho bà Thịu có đảm bảo đúng quy định pháp luật và đúng đối tượng? Trước khi tuyên án, Tòa án các cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xem xét các yếu tố và chứng cứ khách quan trên hay chưa? hay mới chỉ xem xét phần ngọn (căn cứ vào GCN QSDĐ đã được cấp để đưa ra phán quyết mà không tìm hiểu phần gốc của vấn đề)? Do vậy, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của các cấp tòa tỉnh Ninh Bình có dấu hiệu lạm dụng quyền lực để phán quyết như kiểu “trên trời rơi xuống” dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc cho dòng tộc và nhân dân khu phố nhiều năm qua. Hiện vụ án đã được Tòa cấp cao Hà Nội thụ lý. Tin tưởng rằng các yếu tố khách quan sẽ được quan tâm, xác minh, xem xét xử lý đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên.

Qua sự việc khiếu kiện kéo dài trên, Báo Pháp luật Việt Nam kính đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc để thanh tra, làm rõ những bất thường liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ ở vụ án dân sự này, đồng thời rà soát, kiểm tra việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua để chấn chỉnh sai phạm và mang lại niềm tin cho nhân dân.

Báo PLVN sẽ tìm hiểu và tiếp tục thông tin.

Đọc thêm