Phấn đấu đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm dược liệu lớn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản định hướng về việc phát triển các vùng dược liệu quy mô lớn gắn với thu hút phát triển các cơ sở chế biến. Đây là một trong những biện pháp cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu “Phát triển vùng dược liệu, phấn đấu đưa Lâm Đồng trở thành một trong những trung tâm dược liệu lớn trong nước”.
Atiso là một trong những cây dược liệu đặc trưng của Lâm Đồng.
Atiso là một trong những cây dược liệu đặc trưng của Lâm Đồng.

Theo đó, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đề nghị Sở KHĐT, Liên danh tư vấn GITAD nghiên cứu tích hợp định hướng phát triển các vùng sản xuất dược liệu với quy hoạch tỉnh Lâm Đồng tại các khu vực bảo tồn dược liệu như: Vùng bảo tồn dược liệu Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có diện tích 2.000 ha; Vườn quốc gia Cát Tiên với diện tích 1.000 ha; Rừng phòng hộ Sêrêpốk - Đam Rông; Rừng phòng hộ Nam Huoai - Xã Đạ P’Loa; Thị trấn Đạ Mri;...

Thực hiện định hướng đến năm 2025, phát triển khoảng 1.000 ha dược liệu trồng xen dưới tán rừng với các loại dược liệu đặc hữu như: Sâm ngọc linh, Đinh lăng, Chè dây, Trà hoa vàng, Hà thủ ô đỏ, Thông đỏ, Hoàng liên ô rô,... trên các diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ có điều kiện phù hợp hiện đang cho các doanh nghiệp thuê để thực hiện dự án đầu tư hoặc đã giao/giao khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

Định hướng cũng định hướng phát triển khoảng 1.000 ha dược liệu trên đất nông nghiệp với 762 ha trồng thuần, 238 ha trồng xen với các đối tượng cây trồng khác; định hướng phát triển vùng trồng đối với các loại dược liệu chủ lực như: Atiso; Đương quy, Đảng châu, Diệp hạ sâm, đông trùng hạ thảo,...

Ngoài các loại dược liệu chủ lực, tiếp tục phát triển sản xuất một số đối tượng dược liệu khác để đa dạng hóa chủng loại, nâng cao hiệu quả sử dụng đất như: Đinh Lăng, Nghệ đen, trà hoa vàng, nhân trần,… và tùy thuộc vào đặc điểm sinh trưởng từng loài và điều kiện sinh thái từng vùng mà bố trí sản xuất phù hợp với quy mô diện tích khoảng 289 ha.

Phát triển sản xuất dược liệu là giải pháp quan trọng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp và khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Trước đó, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần XI cũng đã xác định việc phát triển vùng trồng cây dược liệu là một trong các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế của giai đoạn 2020-2025.

Đọc thêm