Nằm ở hạ nguồn sông Hương, rừng Rú Chá thuộc thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thành phố Huế, là một trong những khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm còn sót lại trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và của cả nước. Khu rừng này có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai và được xem như “lá phổi” xanh. Hiện nay, Rú Chá được bảo vệ, phát triển với nhiều định hướng thúc đẩy kinh tế xã hội, du lịch của địa phương.
Trước đây, rừng Rú Chá nguyên thủy có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 4 ha với loài cây chính là giá (tiếng địa phương là chá) chiếm hơn 85%. Từ năm 2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai dự án đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá. Theo đó, đã đầu tư mở rộng diện tích Rú Chá lên gần 30 ha.
|
Người dân trồng cây dừa nước tại các cánh rừng ngập mặn |
Ngoài cây chá, giờ đây cánh rừng còn được trồng thêm đước, sú, dừa nước…Sau 6 năm thực hiện dự án, hiện cánh rừng này không chỉ trở thành một khu rừng ngập mặn tập trung, là bức bình phong chắn sóng gió hiệu quả mà còn là điểm du lịch thu hút nhiều người đến tham quan.
Ông Nguyễn Ngọc Đáp (80 tuổi), một người gắn bó với rừng Rú Chá hàng chục năm nay chia sẻ, trước đây, Rú Chá chỉ có cây chá nên diện tích nhỏ. Nay rừng đã được trồng mới nên diện tích càng mở rộng có thêm các loại cây khác như sú, đước, dừa nước. Nhờ công tác trồng mới hiệu quả, nay cá tôm cua về trú ngụ càng nhiều nên cuộc sống của vợ chồng ông Đáp đã đỡ vất vả hơn xưa rất nhiều.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2016 đến nay, diện tích rừng ngập mặn được dự án đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá tỉnh (do Chi cục Kiểm lâm làm chủ đầu tư) đã trồng khoảng 126 ha. Trong đó, huyện Quảng Điền 50,5 ha, còn lại thuộc xã Hương Phong (TP. Huế) 21,5 ha, xã Phú Diên (huyện Phú Vang) 30 ha và huyện Phú Lộc 24,5 ha.
|
Bên cạnh phát huy hiệu quả kinh tế cho người dân, những dải rừng ngập mặn còn là địa điểm du lịch thu hút du khách đến với Thừa Thiên Huế. |
Vùng đầm phá Quảng Lợi là nơi đầu tiên được triển khai trồng các loại cây dừa nước, bần với diện tích hơn 35ha. Sau 6 năm trồng, chăm sóc những cây dừa nước, bần chua, đước… đã thành rừng, tập trung ở khu vực đầm phá thuộc các thôn Thủy Lập, Tháp Nhuận và Hà Công.
Đầu tháng 11/2021, Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức bàn giao 35,5 ha rừng ngập mặn thuộc tiểu khu 88 cho xã Quảng Lợi tiếp tục quản lý, bảo vệ, làm cơ sở xây dựng phương án giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình bảo vệ và hưởng lợi. Giờ đây, người dân địa phương thật sự vui mừng khi rừng ngập mặn trong 3 năm qua trở thành “bức bình phong” trấn lũ, bảo vệ tài sản, mùa màng, tính mạng người dân. Nhiều năm trước, cứ đến mùa bão, lũ, người dân lại lo mất an toàn cho thuyền bị hư hỏng, hoặc lũ cuốn trôi; đê bao nuôi trồng thủy sản hư hỏng thiệt hại lớn.
Thường sau lũ, mỗi hộ dân phải mất chi phí hàng chục triệu đồng sửa chữa đê bao, ao hồ nuôi tôm, cá. Từ 3 năm nay, rừng ngập mặn làm nơi neo đậu, trú tránh an toàn cho hàng trăm chiếc thuyền, người dân không còn tốn chi phí lớn đầu tư sửa chữa đê bao, ao hồ nuôi thủy sản của hộ gia đình. Ngoài ra, việc xuất hiện một số loài cá, tôm có giá trị kinh tế một thời cạn kiệt, thậm chí biến mất như bống thệ, kình, mú, tôm rảo, tôm đất… nay đã xuất hiện trở lại, ngày càng sinh sôi. Từ đó, hiệu quả từ việc khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang của người dân cũng đã đổi thay rất nhiều. Nay, mỗi ngày ngư dân có thu nhập từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng từ việc khai thác thủy sản.
|
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trồng thêm khoảng 126 ha rừng ngập mặn |
Bên cạnh phát huy hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương, những dải rừng ngập mặn rộng lớn ở Thừa Thiên Huế còn là địa điểm tham quan, giải trí lý tưởng đối với du khách. Theo đó, tận dụng cơ hội, tổ chức hoạt động đưa du khách tham quan rừng ngập mặn bằng thuyền, trải nghiệm các nghề bủa lưới, câu cá trên sông mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Ngoài ra, người dân còn khai thác lá dừa nước làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Doanh nghiệp tư nhân Thủy Lập đang tổ chức thu gom lá dừa nước từ người dân, phục vụ sơ chế cung cấp cho các cơ sở sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mái lợp chòi du lịch sinh thái.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo khẳng định, rừng ngập mặn thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, mùa màng. Rừng hiện đang phát triển tốt, việc bàn giao cho địa phương quản lý, hưởng lợi là niềm vui cũng là trách nhiệm lớn đối với chính quyền và nhân dân.
“UBND xã Quảng Lợi đang xây dựng cơ chế quản lý, dự kiến bàn giao cho các chi hội nghề cá bảo vệ, khai thác; tranh thủ các chương trình, dự án xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng. Đồng thời kiến nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí, như nguồn từ dịch vụ môi trường rừng phục vụ quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả”- ông Bảo cho biết thêm.