Phòng chống sốt xuất huyết và virus Zika: Biện pháp tốt nhất hiện nay là phòng tránh muỗi đốt

(PLO) -Trả lời báo chí mới đây, nói về tình hình thực tế về bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở nước ta và khả năng lây lan bệnh do virus Zika hiện nay như thế nào, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay hiện đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lây truyền của virus Zika do muỗi truyền, 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người. Tại châu Á, dịch do virus Zika đang lây lan với tốc độ đáng ngại, đặc biệt tại Singapore, số ca mắc đã lên tới 242 người.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm một bệnh nhân SXH đang điều trại tại Đắk Lắk
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm một bệnh nhân SXH đang điều trại tại Đắk Lắk

Tại Việt Nam, trong 2 tháng qua chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus Zika. “Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan, vì đầu năm 2016, nước ta đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm virus này. Người dân trong nước có thể mắc virus Zika thông qua loại muỗi trung gian truyền bệnh”, ông Phú nói.

Với dịch SXH, đến thời điểm hiện tại cả nước ghi nhận gần 50.000 trường hợp mắc tại 46 tỉnh, thành phố, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2015, trong đó có 19 trường hợp tử vong. 

Thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là dịch do virus Zika đang lan nhanh tại một số quốc gia tại châu Á. Dịch SXH trong nước có thể vẫn gia tăng, nếu người dân không chủ động phòng chống muỗi đốt khi mùa mưa đang đến gần, nhất là khu vực phía nam.

“Cả 2 bệnh này đều chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp tốt nhất hiện nay là phòng tránh muỗi đốt. Riêng với bệnh do virus Zika, người dân cần sử dụng thêm các biện pháp như: Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục.

Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu không nên đi đến các vùng có dịch. Nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ… nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nhiễm virus Zika và các dị tật của thai nhi”, ông Phú cho hay.

Từ  kinh nghiệm phòng chống dịch trong thời gian qua, ông Phu lưu ý các cơ sở y tế cần có hướng dẫn giám sát, phòng chống, xử lý ổ dịch cũng như phác đồ điều trị bệnh một cách khoa học và hiệu quả, nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh từng địa phương. Đặc biệt tuyến trên phải hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết. 

“Theo tôi, biện pháp quan trọng nhất trong phòng dịch vẫn là chủ động, kịp thời, kiên quyết để đạt được hiệu quả cao. Chủ động là thể hiện dự phòng tích cực, phải đầu tư cho công tác phòng bệnh ngay từ đầu, chứ không để dịch xảy ra mới đối phó. 

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số ca tử vong do dịch bệnh, có thể do bản thân ca bệnh quá nặng, diễn biến nhanh hoặc việc chuyển đến cơ sở y tế quá chậm nên các bác sĩ không giải quyết kịp.

Một yếu tố cũng rất quan trọng là việc tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân tham gia phòng chống dịch. Làm sao để thông tin kịp đến với người dân là rất quan trọng, nhưng khi thông tin đến rồi thì người dân thay đổi hành vi như thế nào. Đây chính là việc mà chúng tôi đang gặp khó khăn”, ông Phu nói.

Vẫn lời ông Phu, trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả với các quốc gia phát triển. Vấn đề là chúng ta nắm bắt được thông tin, giám sát phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kiên quyết, kịp thời, hiệu quả để phòng tránh dịch bệnh lây lan.

“Thời gian tới, ngành y tế mong muốn có sự phối hợp của UBND các cấp trong phòng chống dịch bằng cách đưa ra những khuyến cáo, nội dung tuyên truyền hướng dẫn tới tận người dân... Bên cạnh đó, cần ưu tiên thực hiện đầu tư cho công tác phòng bệnh ngay từ đầu mỗi năm.

Giải quyết tốt dịch bệnh là góp phần giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện, bảo đảm sức khỏe, an sinh xã hội cho người dân”, ông Phu nói.

Đọc thêm