“Xách ba lô lên và đi”
Ngày càng nhiều người trẻ thích “xách ba lô lên và đi”, đặc biệt xu hướng độc hành, hay còn gọi là du lịch một mình. Thông thường đi du lịch hay “phượt” thường có những hội nhóm, đi theo nhóm đông người. Tuy nhiên, xu hướng gần đây các bạn trẻ lại thích được trải nghiệm một mình trên những cung đường.
Gặp gỡ bạn Đỗ Hồng Vân (30 tuổi, nhân viên chứng khoán tại Hà Nội) khi vừa kết thúc chuyến đi độc hành của mình qua các tỉnh miền Trung. Cô gái vẫn chưa hết hào hứng khi kể cho tôi nghe về chuyến đi đặc biệt của mình. Dù ở tuổi con gái cập kê, nhưng Vân vẫn lẻ bóng và đam mê những cung đường trên chiếc xe máy quen thuộc.
Chiếc ba – lô đồng hành với Vân luôn đầy đủ hành trang như túi ngủ, thuốc, đồ sửa xe, thậm chí cả bếp mini. Một lý do đơn giản khi cô gái chọn độc hành vì cô đam mê, thích trải nghiệm và khám phá những vùng đất mới với cá nhân mình. Đặc biệt, du lịch một mình như một sự giải tỏa tâm lý căng thẳng bởi những áp lực cuộc sống, để lại dấu ấn cho những năm tháng thanh xuân của mình.
Vân nhớ mãi kỷ niệm khó quên khi cô độc hành đến vùng đất Hà Giang, không may mắn khi đến đèo Mã Pí Lèng thì gặp bão, nhiều chỗ trên đường sạt lở. Vân đã được dân bản gần đó trợ giúp, cho tạm trú nhờ tránh bão. Cô đã qua quãng thời gian đáng nhớ cùng người dân chống chịu những cơn mưa lớn. Sau ngày bão tan, Vân tiếp tục ở lại giúp người dân khắc phục một vài công trình bị thiệt hại sau cơn mưa lớn. “Đó là quãng thời gian khó quên nhất đối với mình. Một trải nghiệm quý báu của tuổi trẻ, mình có cơ hội thử thách bản thân, giúp đỡ mọi người, học cách chia sẻ vượt qua khó khăn” Vân chia sẻ.
Giống như Vân, nhiều bạn trẻ hiện nay chọn cách độc hành để có thêm cơ hội trải nghiệm cho bản thân. Họ thực sự xách ba lô lên và đi vào cuộc sống để học hỏi, chia sẻ và lan tỏa những thông điệp sống tích cực.
Cùng với xu hướng độc hành, “phượt” cùng bố mẹ đang là một trào lưu “phượt” được nhiều bạn trẻ yêu thích. Thông thường, đa số người trẻ chúng ta thích đi với bạn bè nhiều hơn vì cùng lứa tuổi và suy nghĩ. Còn chuyện đi “phượt” với gia đình thì là chuyện khá hiếm với những kiểu du lịch tự túc, bụi và trải nghiệm như phượt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ thay vì đi các cung đường cùng “đồng bọn” thì họ lại chọn bạn đồng hành đặc biệt là “mẹ”. Có duyên trò chuyện với bạn Hà Minh Sơn (25 tuổi, Gia Lai) nghe bạn chia sẻ về cùng đường đặc biệt với mẹ của mình.“Ban đầu khi rủ mẹ đi phượt, mẹ bảo “mẹ chả biết phượt là gì”. Thế là hai mẹ con ngồi chuẩn bị mọi thứ, hành trình của mình bắt đầu từ tỉnh Gia Lai đến thị trấn Đồng Văn (Hà Giang) - Sơn hào hứng chia sẻ.
Chuyến đi hơn 1500km, sau 2 tuần, trải qua 12 tỉnh thành của Sơn và mẹ đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp giữa hai mẹ con. Sơn chia sẻ rằng đưa mẹ đi phượt cũng là niềm hạnh phúc rất lớn khi mẹ hiểu được đam mê của con trai và có cơ hội cùng nhau du lịch. “Những điều mà mẹ mình chẳng bao giờ nghĩ đến đó là đi phượt, du lịch, thư giãn cho bản thân. Bà suốt ngày quanh quẩn ở nhà làm nương, rẫy, chăm sóc cây café và chăm lo cho gia đình.
Vì vậy, chuyến đi của mình rất ý nghĩa và hạnh phúc khi có mẹ đồng hành khám phá những vùng đất mới”. Sau mỗi chuyến đi, tình cảm gia đình gắn bó hơn, mẹ có cơ hội trải nghiệm đam mê cùng con và con cũng có thời gian đồng hành và hiểu mẹ. Chúng thực sự xóa bỏ những khoảng cách giữa người lớn và con cái mà bấy lâu nay người trẻ vẫn hay ngại ngần chia sẻ với bố mẹ mình.
Đi để học cách sống đẹp!
Trước đây, mỗi khi nhắc đến “dân phượt” mọi người thường có những ác cảm xấu như: xả rác, sống bầy đàn, nẹt bô…Tuy nhiên, đó chỉ là lối sống tiêu cực của một số bộ phận người trẻ mượn “phượt” và tạo nên những hình ảnh xấu. Ở một góc độ khác, “phượt chân chính” vẫn đang lan tỏa những điều có ích cho cộng đồng xã hội với nhiều ý nghĩa nhân văn.
Cùng mẹ đi phượt là cầu nối để các bậc phụ huynh và con cái hiểu nhau hơn. |
Trên diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về phượt, mỗi chuyến đi của các bạn trẻ xuất hiện nhiều hơn những dòng thư kêu gọi ủng hộ: sách vở, quần áo, đồ dùng, gạo…nơi mà họ đến. Khi thì là sức người như giúp dân gặt lúa, dựng nhà, làm nương. Khi thì quyên góc đồ dùng, gạo, quần áo, sách vở cho người dân vùng cao còn nhiều khó khăn.
Tôi tình cờ gặp một nhóm phượt tại vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) và đã may mắn chứng kiến câu chuyện hết sức cảm động. Khi đó một nhóm gồm 3 bạn trẻ đi từ Hưng Yên lên Phú Thọ, trong cuộc gặp gỡ ấy, họ đã quen Định (một em bé người Mường). Định sống với ông bà từ nhỏ, bố mẹ đi làm ăn xa một năm chỉ về thăm em một lần. Khi gặp Định, cậu bé đang lang thang đi câu cua đá để bán lấy tiền mua sách vở.
Định chia sẻ em phải đi học rất xa, mỗi sáng đi bộ 2 tiếng mới tới trường học. Dù khao khát có một chiếc xe đạp để đi cho vất vả nhưng nhà nghèo không có tiền nên em đành đi bộ. Biết được hoàn cảnh khó khăn của Định, nhóm phượt thủ quyết định chung tiền để mua cho Định chiếc xe đạp và hứa lần sau sẽ tặng em bộ sách và vở mới cho năm học kế tiếp. Khi được hỏi về tên và quê quán, nhóm bạn trẻ đi phượt từ chối và chỉ nói: “Chúng em thấy Định khó khăn nên giúp để em có thể đi học đỡ vất vả hơn. Dù không nhiều thực sự chuyến đi trở nên ý nghĩa”.
Hoặc như câu chuyện cảm động của Nguyễn Tùng Lâm, chàng trai “phượt sẻ chia” đã đi xe đạp từ thành phố Cà Mau đến bản Làng Sáng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Hành trình của Lâm bắt đầu bằng chiếc xe đạp, một balo đồ đạc và những chiếc móc chìa khóa do chính tay Lâm làm. Cậu mang chúng trên cung đường từ Nam ra Bắc để bán lấy tiền mua sách, vở đồ dùng học tập cho các em nhỏ tại một số bản Lâm đi qua.
Hơn hai tháng rong ruổi trên chiếc xe đạp từ Nam ra Bắc, Lâm đã có một chuyến đi vô cùng ý nghĩa khi quyên góp được hàng trăm bộ sách và vở cho các em học sinh vùng cao khó khăn. Lâm chia sẻ, nhiều khi bật khóc không phải vì khó khăn, mệt mỏi mà là vì xúc động.
Từ Cà Mau, đi xe đạp ra Lào Cai không phải chuyện dễ dàng, nhưng có vẻ không điều gì làm chùn chân chàng trai trẻ. Lâm biến chuyến đi “phượt” đặc biệt của mình không chỉ là việc đi xe đạp xuyên Việt mà còn là hành trình của sự chia sẻ. Chính chuyến “phượt” của Lâm đã lan tỏa những thông điệp đầy tử tế về tuổi trẻ, xê dịch và cách cho đi tình thương trong cuộc sống.
“Mỗi chuyến đi mình lại học được một chữ “cho”, càng đi nhiều mình càng biết chia sẻ nhiều. Mình sẽ cố gắng để có thể giúp nhiều cuộc đời, số phận ở nhiều đất khó khăn nơi mình đi qua. Với mình “phượt” không chỉ là đi, là trải nghiệm, là hành xác mà là để làm người tử tế” - Lâm chia sẻ.
Từ những chuyến đi, người trẻ đang thực sự truyền đi những thông điệp tuổi trẻ đầy nhân văn của nhiệt huyết, của tử tế. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tranh cãi và hoài nghi về chuyện đi “phượt” của giới trẻ hay đang tồn tại một số tiêu cực đến từ nhóm bạn trẻ mượn danh “phượt” trở nên xấu xí. Nhưng, chúng ta nên mừng khi hiện nay, người trẻ dám đứng dậy, đi và vẫn làm nhiều điều có ích cho xã hội từ chính đam mê “phượt” của họ.