Quảng Nam: Hàng chục hộ dân sống bất an dưới chân đồi chực chờ sạt lở

(PLVN) - Cứ đến mùa mưa bão, người dân sinh sống dọc đồi núi ở một số khu vực huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) lại thấp thỏm trong nỗi lo sạt lở. Dù rất mong muốn được di dời tái định cư đến khu vực an toàn, song nguồn lực địa phương có hạn và gặp vướng mắc trong việc bố trí quỹ đất nên giải pháp trước mắt cũng chỉ là sơ tán dân khi có mưa to.
Lo lắng sống cạnh những quả đồi chực chờ sạt lở

Từ đầu mùa mưa bão đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh (thôn Ngã Ba, thị trấn Prao) đã phải di tản hàng chục lần sang khu vực an toàn để trú tạm, phòng nguy cơ đất đồi Kiểm Lâm ở phía sau nhà sạt lở.

“Ở đây chỉ cần mưa to kéo dài là cán bộ xuống vận động bà con di chuyển qua nhà người thân hoặc đến nhà văn hóa, nhà cộng đồng để trú ẩn. Gia đình tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng, khi nhận thấy tình hình không ổn là lập tức đi ngay”, bà Oanh chia sẻ.

Cùng chung nỗi lo, nhà anh Nguyễn Văn Thìn (thôn Ngã 3, thị trấn Prao, huyện miền núi Đông Giang) chỉ cách quả đồi tầm 3m, và trong đợt mưa lũ tháng 10 năm 2020, đất đá bất ngờ từ trên đồi tràn xuống đã làm sập hoàn toàn phần sau ngôi nhà, kèm theo công trình phụ cùng đồ dùng đều bị hư hỏng nặng nề.

Sạt lở tràn vào nhà dân...

...không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn đe doạ tính mạng người dân sinh sống

Không chỉ thiệt hại về tài sản mà đến nay gia đình anh Thìn luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi quả đồi trên đầu có thể đổ ầm xuống nhà anh bất cứ lúc nào.

“Trong đợt mưa mới đây nhất, nhìn đất đá từ trên đồi cứ thế lăn thẳng vào nhà mà bất lực. Sau mỗi lần sạt, tôi chỉ biết ngậm ngùi chi tiền thuê máy móc về múc đất đổ đi để dọn dẹp nhà cửa. Mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp khắc phục hoặc di dời đến nơi khác để chúng tôi được ổn định lâu dài”, anh Thìn bày tỏ.

Không chỉ riêng anh Thìn, bà Oanh, hiện nay trên địa bàn thôn Ngã Ba, thị trấn Prao có 65 hộ dân với 245 nhân khẩu cũng chung cảnh ngộ, đứng ngồi không yên vì lo ngại sạt lở đồi núi.

Theo ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch UBND thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, vài năm gần đây, cứ đến mùa mưa bão, đồi Kiểm Lâm có xảy ra tình trạng sạt lở, đất đổ xuống sát vách nhà của nhiều hộ thôn Ngã Ba. Mùa mưa lũ năm ngoái, khu vực này đã có 8 ngôi nhà bị đất sạt lở xuống làm sập một phần ngôi nhà.

“Hiện nay địa phương đã đề xuất Ban Dân tộc của tỉnh hỗ trợ giãn dân, sắp xếp bố trí dân cư. Đồng thời, chính quyền địa phương kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, hỗ trợ kinh phí xây dựng kè chống sạt lở đồi Kiểm Lâm, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân”, ông Huỳnh Văn Tân nêu.

Trước vấn đề này, ông A Võ Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam thông tin, trên địa bàn huyện có hơn 200 hộ dân tập trung ở các xã Arooi, Zà Hung và ở thị trấn Prao nằm trong nguy cơ sạt lở đồi núi cần được di dời.

Trên dịa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay có gần 2.600 hộ dân nằm trong nguy cơ sạt lở đồi, núi

Hiện chính quyền các địa phương đang tập trung tuyên truyền cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở cao chủ động sơ tán để đảm bảo an toàn và tính mạng khi có mưa lớn.

“Trong các năm qua, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong việc tập trung ổn định sắp xếp dân cư. Hiện nay vẫn còn một số các hộ gia đình ở các xã có độ dốc cao, nguy cơ sạt lở mỗi khi mưa bão là rất cao. Phải sớm có phương án di dời, tuy nhiên địa phương đang gặp vướng mắc trong việc bố trí quỹ đất cũng như nguồn kinh phí thực hiện để bố trí khu tái định cư cho bà con”, ông Phương chia sẻ.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 2.600 hộ dân nằm trong nguy cơ sạt lở đồi, núi. Từ nay đến năm 2025, địa phương sẽ bố trí sắp xếp 7.000 hộ dân ở vùng miền núi có nguy cơ cao đến nơi ở mới.

“UBND tỉnh cũng đang khảo sát những nơi nguy cơ cao và sẽ đầu tư cụ thể, triển khai quyết liệt, để bảo đảm cho việc phòng chống cao nhất việc sạt lở. Các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao ở huyện miền núi sẽ được di dời. Nhưng kinh phí thực hiện rất lớn nên chúng tôi đang xin ý kiến các bộ ngành Trung ương”, ông Bửu nói.

Đọc thêm