Quảng Ninh: Siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD

(PLO) - Nhằm bảo vệ môi trường, tránh lãng phí tài nguyên, hài hòa lợi ích kinh tế và đảm bảo các vấn đề xã hội, Quảng Ninh đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn toàn tỉnh.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện khai thác cát tại khu vực giáp ranh Quảng Ninh - Hải Phòng

Nhiều bất cập, tồn tại kéo dài

Kể từ năm 2011, tỉnh đã tạm dừng, không cấp phép mới khai thác khoáng sản làm VLXD theo chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác tận thu khoáng sản làm VLXD trên địa bàn diễn ra khá phổ biến, rầm rộ ở nhiều nơi, ngày càng khó kiểm soát và trở thành “điểm nóng” từ nhiều năm qua. 

Hiện trên địa bàn Quảng Ninh có 87 giấy phép khai thác còn hiệu lực, trong đó có 33 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng; 44 giấy phép khai thác sét, gạch, ngói; 8 giấy phép khai thác cát làm VLXD và san lấp, cùng hàng chục giấy phép khác do Bộ TN&MT cấp. 

Mặc dù được cấp phép đúng quy định nhưng trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm Luật Khoáng sản. Theo thống kê từ Sở TN&MT tỉnh, đến nay có 21 giấy phép khai thác (chiếm 24,1%) chưa thực hiện kê khai thông tin tính tiền cấp quyền khai thác theo quy định; còn 77/87 giấy phép khai thác (chiếm 88%) chưa thực hiện việc lập, giao nhận mốc giới khu vực khai thác trên thực địa; tình trạng công suất khai thác thực tế vượt công suất cấp phép và khai thác vượt danh giới cấp phép diễn ra khá phổ biến.

Báo cáo từ Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT) tỉnh cho thấy, những hành vi vi phạm Luật Môi trường thường xuyên xảy ra, như: không có đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường như cam kết; phần lớn công tác xử lý ô nhiễm do nước thải, khí thải và tiếng ồn chưa đạt tiêu chuẩn cho phép; chưa làm tốt công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định; một số doanh nghiệp chưa kê khai và còn nợ đọng phí BVMT; công tác phục hồi môi trường sau khai thác còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Cùng với những đơn vị được cấp phép, hiện nay trên địa bàn Quảng Ninh đang tồn tại rất nhiều những dự án “trá hình” được cấp phép hoạt động ở lĩnh vực khác nhưng thực chất là khai thác tài nguyên, như: dự án nạo vét luồng lạch cửa sông, cửa biển nhưng thực chất là khai thác cát; dự án xả núi, bạt đồi để tạo mặt bằng nhưng thực chất lấy đất san lấp; dự án đào hồ, đập nuôi trồng thủy sản nhưng thực chất là khai thác sét…

Ngoài ra còn rất nhiều dự án được cấp phép tận thu nhưng có sản lượng khai thác khá lớn, thời gian kéo dài nhiều năm và có vị trí thuận lợi cho các hoạt động khai thác khoáng sản, đây chính là những dự án để lại nhiều hệ lụy về môi trường, thiệt hại về thu ngân sách và luôn tiềm ẩn mất an ninh trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, vấn nạn khai thác “thổ phỉ” đang diễn ra khá rộng khắp. Điển hình là khai thác cát tại khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và huyện đảo Vân Đồn; khai thác sét tại Đông Triều, Hoành Bồ, Uông Bí, đất san lấp tại TP Hạ Long, TX Quảng Yên. Tuy công suất khai thác không lớn nhưng dễ dàng có nhiều cá nhân, hộ gia đình tham gia với phương tiện và công cụ khai thác thô sơ, do vậy rất khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.

Moong đất sét Gia Bình tại khu 5, phường Hà Khẩu (TP Hạ Long) đang đe dọa sự tồn tại các hộ dân xung quanh

Biện pháp mạnh đi đôi với hành động quyết liệt

Từ thực tế trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD. Đích thân các lãnh đạo cao nhất của tỉnh thường xuyên đi kiểm tra thực địa và kịp thời có những ý kiến chỉ đạo cụ thể. Sau những hành động cụ thể vừa qua, tỉnh đã thu hồi, chấm dứt hiệu lực của 12 giấy phép khai thác, xem xét 10 hồ sơ đóng cửa mỏ.

Điển hình, sau 2 tháng kể từ khi có chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 288-TB/TU ngày 27-6-2016, đoàn công tác liên ngành được thành lập và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kiểm soát toàn diện đối với tất cả các dự án khai thác cát, đá, sỏi. Kết quả đã phát hiện 27 trường hợp có hành vi khai thác, vận chuyển, tập kết cát trái phép, tạm giữ 28 phương tiện, thiết bị, thu giữ 658 m3 cát các loại, phạt hành chính 40 triệu đồng. Hàng chục điểm khai thác sét, đất san lấp trái phép bị đóng cửa và cam kết không tái phạm.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tỉnh ủy ngày 23/8 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu các cơ quan chức năng tham mưu lộ trình chấm dứt các dự án nạo vét và tận thu trên địa bàn Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn; rà soát, quản lý tốt ranh giới khai thác mỏ cát, sỏi để tránh ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái; có lộ trình dừng cấp phép mỏ đá làm VLXD; hạn chế gia hạn cấp phép khai thác mỏ đất sét. Đến năm 2018, tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động các lò nung vôi thủ công trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ môi trường.

Đi đôi với biện pháp hành chính, công tác phổ biến sâu rộng tới người dân được đặc biệt quan tâm, để từ đó người dân tự nguyện giám sát, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phát hiện, tố giác tội phạm về môi trường và khai thác khoáng sản. Thông tin từ Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh cho biết, hầu hết các vụ khai thác khoáng sản “thổ phỉ”, nhỏ lẻ được phát hiện là do nhân dân tố giác thông qua đường dây nóng.

Nhằm tăng cường các biện pháp mạnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long cho biết, sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương cơ sở trong công tác này; thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực tiếp chịu trách nhiệm trong việc cấp phép khai thác cát, đá, sỏi; nhanh chóng đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường theo quy định đối với những mỏ đã hết hạn.

Đọc thêm